Tuần qua, xu hướng thị trường nông sản không rõ ràng khi chịu tác động của hai nguồn thông tin cơ bản trái chiều. Thời tiết xấu và tiến độ mùa vụ chậm là những thông tin hỗ trợ giá; trong khi đó, những diễn biến không thuận lợi từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung lại là những thông tin tiêu cực tạo áp lực khiến giá giảm điểm.
Về nhóm hàng công nghiệp nhẹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tuy không còn diễn biến gay gắt như tuần trước nhưng vẫn giữ giá bông ở mức thấp. Trong khi đó, những lo ngại về vấn đề canh tác của mùa vụ hiện tại đã có ảnh hưởng lớn lên hai mặt hàng ca cao và cà phê. Điều kiện thời tiết bất lợi tại Brazil và Bờ Biển Ngà cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh sưng chồi tại Ghana, những quốc gia sản xuất cà phê và ca cao hàng đầu thế giới là nhân tố hỗ trợ giá hai loại hàng hoá trên.
Ở một diễn biến khác, việc giá dầu thô có xu hướng giảm trong tuần qua và giảm mạnh (gần 6%) vào phiên giao dịch ngày 23/05 đã làm giảm bớt nhu cầu ethanol. Điều này có thể khiến các nhà máy nghiền tại Brazil ưu tiên sản xuất đường hơn thay vì ethanol, dẫn đến nguồn cung dồi dào. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến một tuần giao dịch ảm đạm của đường.
Thị trường bạc và đồng có diễn biến trái chiều. Sự bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ khiến giới đầu tư đổ tiền vào các kim loại quý, khiến giá bạc quay đầu tăng sau 3 tuần trượt dài. Trong khi đó, đồng chạm mức đáy 4 tháng, trong bối cảnh lo ngại rằng nhu cầu kim loại công nghiệp sẽ sụt giảm, cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Cao su những phiên gần đây biến động khá mạnh. Thị trường chưa định hình được xu hướng, còn nhà đầu tư đang lo ngại các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington đi vào bế tắc. Thông tin Thái Lan hạn chế xuất khẩu cao su vẫn đang hỗ trợ giá trong ngắn hạn.