Năng lượng: Giá dầu giảm tuần đầu tiên sau 6 tuần, LNG cũng quay đầu giảm
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua 9/7, giá dầu Brent tăng 1,43 USD (+1,93%) lên 75,55 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 1,62 USD (+2,22%) lên 74,56 USD/thùng. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm khoảng 1% do sự thất bại của các cuộc đàm phán sản lượng của nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh, hay còn gọi là OPEC+.
Như vậy, giá dầu đã chấm dứt chuỗi tăng liên tục 6 tuần khi các bất ổn từ cuộc họp chính sách tháng 7/2021 của OPEC+ đè nặng lên thị trường. Điều này khiến thị trường lo ngại thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ tan rã. Trong khi đó, dịch Covid-19 quay lại đe dọa tại hầu hết các châu lục khiến nhiều người lo ngại nhu cầu tiêu thụ năng lượng chịu ảnh hưởng tiêu cực trong nửa cuối năm nay.
Theo đó, có thời diểm giá WTI giảm mạnh xuống dưới mức 70,5 USD/thùng. Tuy nhiên, giá được hỗ trợ khi số liệu tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh tuần thứ 7 liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 cho thấy nhu cầu thực tế tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đã tăng lên.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và City Bank đều đưa ra nhận định tích cực rằng, cuối cùng OPEC+ sẽ quay trở lại với thỏa thuận ban đầu là tăng 400.000 thùng/ngày từ tháng 8/2021 phần nào ổn định tâm lý thị trường.
Về khí tự nhiên (LNG), giá mặt hàng này giảm 0,7% xuống 3.674 USD/MMBtu trong tuần qua, sau khi liên tục tăng thời gian trước đó.
Kim loại: Vàng tăng vượt 1.810 USD/ounce, thép và kim loại cơ bản đều tăng
Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 7/9, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.810,99 USD/ounce, vàng giao sau tăng 0,6% lên 1.810,6 USD/ounce, qua đó ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, cũng là tuần tăng mạnh nhất trong 7 tuần qua khi thị trường lo ngại rằng, sự lây lan biến thể Delta của virus gây dịch Covid-19 có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Vàng - thường được coi là “hàng rào” chống lại những bất ổn kinh tế và chính trị cũng như lạm phát tăng phi mã - đã thu hút giới đầu tư khi tình trạng thiếu hụt vắc-xin và các biến thể virus dễ lây lan khiến nhiều nước phải áp đặt những hạn chế phòng dịch mới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Pierre Veyret, nhà phân tích kỹ thuật tại Công ty Môi giới đầu tư ActivTrades cho rằng, vẫn còn nhiều bất ổn xung quanh quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và các nhà đầu tư đang quan tâm đến nhiều vấn đề, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt các biện pháp hỗ trợ, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và quyết định dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều nước.
Bên cạnh đó, việc USD yếu đi cũng giúp vàng thêm “lấp lánh” khi nó khiến kim loại quý này rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua đã hạn chế đà tăng của vàng.
Về những kim loại quý khác, đóng cửa tuần qua, giá bạc giảm 1,01% về 26.23 USD/ounce, giá bạch kim hồi phục nhẹ 0,74% lên 1.095 USD/ounce. Giá của cả 2 mặt hàng này đều giằng co mạnh trong tuần qua, nhưng không còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi các tin tức kinh tế cơ bản như diễn biến của đồng USD. Thay vào đó, hành vi giá tại các khu vực kỹ thuật là yếu tố mang tính chất quyết định nhiều hơn.
Giá bạc vẫn đang tích lũy trong biên độ 25,7-26,5 USD/ounce, song lực bán trong tuần vừa qua đã thổi bay toàn bộ mức tăng của tuần trước đó. Ở thị trường bạch kim, giá liên tiếp test vùng cản 1.100 USD/ounce và đều thất bại, hiện đi ngang trong biên độ 1.040-1.100 USD/ounce.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm trong phiên 7/9 và là tuần giảm thứ tư liên tiếp do lo ngại việc Trung Quốc kiểm soát sản lượng thép làm lu mờ nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,7% xuống 1.163 CNY (179,25 USD)/tấn trong phiên 7/9 và cả tuần giảm 1,6%. Giá quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc mới nhất là 219 USD/tấn.
Tỷ lệ sử dụng công suất của các lò cao tại 247 nhà máy thép Trung Quốc đã phục hồi lên 86% vào ngày 9/7/2021 từ mức 81% một tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Mysteel tư vấn cho thấy.
Nguồn cung quặng sắt tổng thể từ 4 công ty khai thác hàng đầu thế giới dự kiến sẽ tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2021, SinoSteel Futures cho biết. Cũng theo SinoSteel, nếu các biện pháp kiểm soát sản xuất liên quan đến môi trường được thực hiện nghiêm ngặt, thị trường có thể chuyển hướng sang dư thừa quặng sắt.
Trong khi giá quặng sắt giảm thì giá thép tiếp tục tăng do lo ngại sản lượng thép giảm vì sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10/2021 - kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải - tăng 0,3% lên 5.428 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng - được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất - tăng 0,4% lên 5.795 CNY/tấn. Thép cây và thép cuộn cán nóng lần lượt tăng 5,9% và 7% trong tuần qua. Giá thép không gỉ giao tháng 8/2021 tại Thượng Hải phiên 7/9 cũng tăng 1,6% lên 17.360 CNY/tấn.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy giá sản xuất tại cửa nhà máy của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng chậm lại sau những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm kiềm chế giá hàng hóa.
Ở nhóm kim loại cơ bản, giá nickel đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua do nhu cầu theo tính chất mùa vụ trở nên ổn định hơn cộng thêm việc nhà đầu tư mua mới vì lạc quan về triển vọng của kim loại này trong một nền kinh tế xanh hơn ở tương lai.
Kết thúc phiên 7/7, giá nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2,2% lên 18.740 USD/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 3/3/2021.
Giá đồng và các kim loại công nghiệp khác cũng tăng sau khi Trung Quốc - nước tiêu dùng hàng hóa hàng đầu thế giới cho biết sẽ cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trung ương để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Theo đó, giá đồng kỳ hạn tham chiếu trên sàn London phiên 7/9 tăng 2,1% lên 9.514 USD/tấn. Giá nhôm CMAL3 tăng 2,3% lên 2.498,50 USD, kẽm CMZN3 tăng 1,6% lên 2.979 USD, chì CMPB3 tăng 1,5% lên 2.330,5 USD và thiếc CMSN3 tăng 0,1% lên 31.710 USD.
Nông sản: Đồng loạt giảm sâu
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, nhóm nông sản chìm trong sắc đỏ với mức giảm rất mạnh của tất cả các mặt hàng, xoá đi hoàn toàn mức tăng của tuần trước đó.
Cụ thể, giá đậu tương giảm 5% về mức 1.329,25 cent/giạ. Thời tiết ở khu vực Midwest dự báo sẽ được cải thiện nhờ lượng mưa lớn xuất hiện sau gần 2 tháng hạn hán là yếu tố chính tạo áp lực lên giá trong tuần qua. Tuy nhiên, giá dầu đậu tương hồi phục trong phiên cuối tuần 7/9 cùng với lực mua kỹ thuật ở vùng 1.300 cent/giạ đã hạn chế đà giảm của đậu tương.
Ngô là mặt hàng giảm mạnh nhất với gần 11% về mức 517 cent/giạ, với toàn bộ chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trong tuần qua chủ yếu do thời tiết mát mẻ và độ ẩm được cải thiện ở Vành đai ngô. Ngoài ra, số liệu đáng thất vọng về mức bán hàng giảm mạnh trong báo cáo Export Sales tuần trước cũng là yếu tố “bearish” đối với giá ngô. Ngược lại, sản lượng ethanol vẫn ở mức cao trên 1 triệu thùng, tiệm cận với mức trước đại dịch cùng với thời tiết sương giá tiếp tục gây ảnh hưởng lên mùa vụ ở Brazil là yếu tố khiến giá ngô vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng và duy trì trên 500 cent/giạ.
Lúa mì cũng giảm gần 6% về mức 615 cent/gịa, một phần vì ảnh hưởng từ diễn biến của giá ngô. Trong báo cáo Export Sales, mức bán hàng lúa mì Mỹ đang chậm hơn 11% và giao hàng chậm hơn tới 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự cạnh tranh từ lúa mỳ Nga, Úc và Canada đang khiến triển vọng xuất khẩu lúa mỳ kém hơn trong bối cảnh USD tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng lúa mì mùa xuân tiếp tục giảm xuống do hạn hán ở bang North Darkota đã phần nào hạn chế mức giảm.
Nguyên liệu công nghiệp: Diễn biến trái chiều
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 0,75 US cent (-0,5%) xuống 1,515 USD/lb khi có nhiều ý kiến cho rằng, diện tích cà phê ở Brazil nhìn chung đã thoát khỏi tình trạng bị ảnh hưởng bởi những đợt sương giá gần đây. Ngược lại, cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 37 USD (+2,2%) lên 1.744 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất trong 8 tháng qua do sự gia tăng đột biến số ca nhiễm virus biến thể Delta ở Nhật Bản và một số quốc gia khác, làm giảm nhu cầu đối với những tài sản rủi ro cao.
Theo đó, kết thúc phiên 7/9, cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka giảm giảm 0,6 JPY xuống 216,4 JPY (tương đương 2 USD)/kg, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất của ngày 11/11/2020 là 212,2 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá giảm 0,8%.
Trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc), giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 cũng giảm 20 CNY xuống 13.315 CNY (tương đương 2.053 USD)/tấn. Lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải đến ngày 9/7 tăng 2,1% so với một tuần trước đó.
Trái lại, trên sàn Singapore, giá cao su tăng, với hợp đồng kỳ hạn tháng 8/2021 tăng 0,4% lên 162,9 US cent/kg.
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 90 ringgit (+2,39%) lên 3.859 ringgit (922,21 USD)/tấn trong phiên cuối tuần và cả tuần tăng 1,8% - cũng là tuần tăng tuần thứ 3 liên tiếp do đồng ringgit yếu đi khiến giá dự báo sản lượng bị thắt chặt, qua đó thúc đẩy các nhà giao dịch mua vào.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 0,17 cent (-1%) xuống 17,28 cent/lb, mức giá thấp nhất kể từ ngày 30/6/2021. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 cũng giảm 7,1 USD (-1,6%) xuống 426,10 USD/tấn. Đồng real Brazil gần đây yếu đi gây áp lực giảm giá đường do nội tệ yếu đi làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Brazil.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |