Ảnh Internet
Năng lượng: Giá dầu và than duy trì đà tăng, khí LNG giảm mạnh
Kết thúc phiên cuối tuần qua 24/12, giá dầu quay đầu giảm, qua đó kết thúc chuỗi 3 phiên tăng trong bối cảnh giao dịch thưa thớt, nhưng cả tuần giá vẫn tăng. Thị trường tập trung vào việc OPEC+ sẽ có động thái gì và tác động của biến thể Omicron sẽ như thế nào?
Theo đó, dầu thô Brent phiên kết thúc tuần giảm 39 US cent (-0,5%) xuống 76,46 USD/thùng, sau khi tăng 2,1% trong phiên liền trước, tính cả tuần giá vẫn tăng khoảng 3%. Tương tự, dầu WTI cũng tăng 4,34% lên 73,79 USD/thùng.
Giá dầu phục hồi trong tuần qua do lo nỗi lo ngại về tác động của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đối với nền kinh tế toàn cầu giảm dần, với dữ liệu ban đầu cho thấy virus này gây ra mức độ bệnh nhẹ hơn so với các chủng trước của Covid-19. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng mạnh.
Nhu cầu dầu toàn cầu tăng trở lại vào năm 2021 khi thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch và mức tiêu thụ nói chung của thế giới có thể đạt kỷ lục mới vào năm 2022, bất chấp những nỗ lực giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Giá khí tự nhiên (LNG) tại Mỹ giảm hơn 6% trong phiên cuối tuần qua 24/12 do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn dự kiến trước đó. Cụ thể, hợp đồng LNG giao sau giảm 24,5 cent (-6,2%) về 3,731 USD/mmBtu. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá vẫn tăng 1,1% sau 3 tuần giảm trước đó.
Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 125,3 tỷ feet khối/ngày trong tuần qua xuống 115,3 bcfd vào tuần này. Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ hiện đạt trung bình 11,9 bcfd vào tháng 12/2021.
Sự sụt giảm tại Mỹ diễn ra sau khi giá khí đốt ở châu Âu cũng giảm hơn 15%.
Trên thị trường than, giá than luyện cốc tại sàn Đại Liên (Trung Quốc) đóng cửa phiên 24/12 tăng 4% lên 2.327 CNY/tấn, than cốc cũng tăng 3% lên 3.169 CNY/tấn. Tính cả tuần, giá than luyện cốc tăng 5,9% và than cốc tăng 3,9%.
Kim loại: Hầu hết đều tăng giá, ngoại trừ đồng
Ở nhóm kim loại quý, tâm lý tăng giá tiếp tục được duy trì khi giá vàng kết thúc tuần giao dịch vừa qua với mức trên 1.800 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với tuần trước đó. Phần lớn các nhà phân tích đều nhận định tháng 12/2021 và những tháng đầu năm 2022 là thời gian vàng có xu hướng tích cực.
Cùng với yếu tố mùa vụ, nhiều nhà phân tích cũng có cái nhìn khả quan về vàng khi triển vọng về kỹ thuật tiếp tục được cải thiện, với giá được giữ trên 1.800 USD/ounce.
Mặc dù vậy, không phải tất cả chuyên gia phân tích đều cho rằng thị trường vàng sẽ khởi sắc trong ngắn hạn. Có ý kiến nhìn nhận, vàng cần phải vượt qua ngưỡng kháng cự ban đầu 1.815 USD/ounce và mức kháng cự dài hạn 1.835 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,8% lên 22,9 USD/ounce; bạch kim tăng mạnh 4,34% lên 975,1 USD/ounce. Cả hai mặt hàng đều đã quay trở lại mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng.
Thông thường, giá các mặt hàng kim loại quý sẽ không tăng nếu như dòng vốn đổ về các thị trường đầu tư rủi ro như chứng khoán, tiền điện tử… Song, đầu tuần qua, toàn bộ các thị trường trải qua cơn hoảng loạn bởi nước Anh có thể tiến hành phong tỏa.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, chốt phiên 24/12, giá đồng giảm trong bối cảnh giao dịch diễn ra ảm đạm và lo ngại nhu cầu dầu vật chất sẽ yếu đi.
Theo đó, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,5% xuống 9.568 USD/tấn. Đây là phiên giảm đầu tiên sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp trước đó, đẩy giá lên mức cao kỷ lục lịch sử vào thứ Năm (23/12/2021).
Trên sàn Thượng Hải, đồng kỳ hạn tháng 2/2022 giảm 0,3% xuống 69.750 CNY (10.950,62 USD)/tấn trong phiên 24/12 và cũng kết thúc chuỗi 3 phiên tăng.
Mức cộng giá đồng Yangshan của Trung Quốc so với giá đồng tinh luyện nhập khẩu đã giảm xuống 90 USD/tấn, từ mức 104 USD/tấn cách đây một tuần.
Tuy nhiên, các mặt hàng kim loại khác như nhôm, kẽm… đóng cửa tuần trong sắc xanh khi các nhà máy ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng do giá năng lượng tăng quá cao. Cụ thể, giá nhôm tăng 4,13% lên 2.837 USD/tấn, kẽm tăng 3,9% lên 3.519 USD/tấn.
Tại Trung Quốc, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên 24/12 tăng 3,9% lên mức 714 CNY (112,11 USD)/tấn, tính cả tuần tăng 5%, cũng là tuần thứ năm liên tiếp tăng giá, do nhu cầu mua dự trữ của các nhà máy thép trước kỳ nghỉ lễ.
Thông tin từ Cơ quan quản lý môi trường của Trung Quốc đã giúp thị trường quặng sắt hưng phấn trở lại. Theo đó, người phát ngôn của cơ quan này hôm 23/12/2021 cho biết, những tin đồn về việc đóng cửa hàng loạt công ty công nghiệp khu vực phía Bắc Trung Quốc trong thời gian diễn ra thế vận hội mùa đông là không đúng sự thật.
Giá thép trên sàn Thượng Hải tiếp tục tăng trong phiên 24/12, với thép cuộn cán nóng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất tăng 1,3% lên 4.616 CNY/tấn, thép không gỉ kỳ hạn giao tháng 2/2022 tăng 2,6% lên 16.880 CNY/tấn, thép cây dùng trong xây dựng tăng 1,6% lên 4.519 CNY/tấn.
Tỷ lệ sử dụng công suất của các lò cao tại 247 nhà máy thép của Trung Quốc đã tăng lên 74,33% trong tuần qua, từ mức 74,28% của tuần trước, theo Công ty Tư vấn Mysteel.
Nông sản: Đồng loạt tăng mạnh
Kết thúc tuần giao dịch từ 17-24/12, khô đậu tương vẫn là mặt hàng dẫn dắt đà tăng của các sản phẩm đậu tương nói riêng và toàn bộ nhóm nông sản nói chung trong 2 tuần liên tiếp.
Cụ thể, giá khô đậu tương tháng 3/2022 đóng cửa ở mức 400,5 USD/tấn Mỹ (+6,37%), mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2021 đến nay. Giá đậu tương cùng kỳ hạn cũng tăng hơn 4% lên 1.340,75 cents/giạ, bất chấp các số liệu bán hàng có phần tiêu cực trong báo cáo Export Sales và không phát sinh bất cứ đơn hàng lớn theo ngày nào trong suốt tuần rồi.
Mặc dù ảnh hưởng tích cực từ mức tăng đến 5,5% của dầu cọ và 4,3% của giá dầu thô WTI, nhưng áp lực trái chiều với khô đậu tương khiến giá dầu đậu tương chỉ tăng 2,7% lên 55,42 cents/pound.
Giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 3/2022 cũng tăng mạnh 5,1% lên mức 814,75 cents/giạ trong tuần qua.
Sự tích cực của giá lúa mì cùng các mặt hàng nhóm đậu tương và lo ngại về sản lượng do khô hạn ở Nam Mỹ giúp giá ngô tháng kỳ hạn tháng 3/2022 tăng hơn 2% lên mức 605,75 cents/giạ.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, bông, dầu cọ tăng cao, cao su đi xuống, cà phê diễn biến trái chiều
Đóng cửa phiên 24/12, hợp đồng cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 kết thúc tuần ở mức 231,2 cents/pound, giảm 1,3% so với tuần trước đó. Ngược lại, hợp đồng cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng nhẹ 0,9% lên 2.353 USD/tấn.
Giá robusta hiện rẻ hơn giá arabica tới 54% đã thúc đẩy lực mua trên sàn ICE và EU nhằm thu hẹp lại mức chênh lệch này giữa hai sàn giao dịch này. Dù có sự khác biệt nhất định về diễn biến giá trong tuần vừa qua, nhưng giá của 2 mặt hàng cà phê vẫn đang giao dịch rất vững vàng ở vùng đỉnh 10 năm.
Hai mặt hàng đường cũng tăng trở lại khi mà biến thể Omicron không quá nguy hiểm như những lo sợ trước đó. Theo đó, giá đường thô tăng 0,7% lên 19,24 cents/pound, giá đường trắng tăng 1% lên 503,3 USD/tấn.
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm phiên cuối tuần qua 21/12 với giao dịch ảm đạm giữa không khí lễ hội và các nhà đầu tư lo lắng về tác động của tình trạng thiếu chip toàn cầu đối với sản xuất ô tô, trong khi lo ngại về biến thể Omicron lây lan nhanh chóng tại xứ mặt trời mọc.
Theo đó, hợp đồng cao su giao tháng 6/2022 trên Sở giao dịch Osaka giảm 3,1 JPY (-1,3%) xuống 230,2 JPY (2USD)/kg.
Giá bông Mỹ tăng tuần thứ 3 liên tiếp do triển vọng nhu cầu tăng cao và giảm lo ngại về biến thể Omicron. Theo đó, bông kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE phiên kết thúc tuần tăng 0,57 cent (+0,5%) lên 109,40 cent/lb, biên độ dao động trong ngày từ 108,21-109,45 cent/lb. Tính chung cả tuần, giá bông tăng 2%.
Giá dầu cũng là yếu tố kéo dài đà tăng giá bông, bởi giá dầu cao khiến cho polyester, một chất thay thế cho bông, trở nên đắt hơn.
Giá dầu cọ Malaysia tăng lên mức cao nhất 1,5 tuần do giá các sản phẩm cạnh tranh đều tăng. Theo đó, dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 3,17% lên 4.620 ringgit (1.100,52 USD) trong phiên 12/4/2021, cao nhất kể từ ngày 15/12/2021 và là phiên tăng giá mạnh nhất kể từ ngày 7/12/2021. Tính cả tuần, dầu cọ Malaysia tăng 4,8% - cao nhất kể từ 8/10/2021.
Trên sàn Đại Liên (Trung Quốc), giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2022 cũng tăng 1,92% trong cùng phiên.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)
(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).