Trong nhóm hàng nông sản, giá Ngô và Đậu tương giảm nhẹ lần lượt 0,33% và 0,47%. Giá Ngô giảm bất chấp số liệu xuất khẩu tốt là do dự báo của USDA sản lượng và tồn kho 2020 cho Ngô Mỹ tăng so với năm ngoái được công bố trước đó. Ngược lại, Đậu tương dù dự báo tồn kho giảm nhưng số liệu xuất khẩu kém cùng với việc Trung Quốc mua rất ít đã gây áp lực lên giá. Trong khi đó, giá Lúa mỳ lại tăng 1,94% nhờ dự báo của USDA cho thấy sản lượng Lúa mỳ chạm mức thấp nhất kể từ niên vụ 2006/07.
Giá cà phê Arabica giảm 0,99% còn cà phê Robusta cũng giảm mạnh 1,37% dù được hỗ trợ bởi thông tin thời tiết xấu tại Brazil do đồng Real của nước này mất giá, khiến nông dân tích cực bán cà phê ra thị trường, gây sức ép lên giá. Giá ca cao giảm 1,49% trong tuần vừa rồi trước những thông tin nguồn cung dồi dào khi sản lượng ca cao đến cảng xuất khẩu tại Bờ Biển Ngà từ đầu niên vụ tăng hơn 8% so với năm ngoái. Trong khi đó giá Đường tăng mạnh 3,92% trước thông tin từ Hiệp hội Trồng Củ cải đường Mỹ cho biết mùa vụ 2020/21 có thể sẽ bị trì hoãn do thời tiết xấu. Giá Bông sợi cũng tăng 0,86% khi số liệu xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 44,48%.
Cao su RSS3 cũng tăng mạnh 3,85% nhờ giá dầu phục hồi và những hi vọng của thị trường vào các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc.
Trong nhóm hàng kim loại, giá Bạc tăng mạnh 4,48% trong tuần vừa rồi do tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng bên ngoài Trung Quốc cùng với việc lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục, khiến nhu cầu trú ẩn trong kim loại quý của nhà đầu tư tăng cao. Giá Đồng cũng phục hồi 0,35% nhờ tâm lý thị trường khởi sắc khi nền kinh tế Trung Quốc dần đi vào hoạt động trở lại cùng với các biện pháp kích thích kinh tế.
Sang tuần tới, thị trường hàng hóa vẫn sẽ tiếp tục chú ý vào dịch Covid-19 ở trong và ngoài Trung Quốc, kèm theo đó là những thông tin kinh tế vĩ mô khác cũng sẽ tạo tác động không nhỏ.