Năng lượng: Giá dầu và khí tự nhiên giảm tuần thứ hai liên tiếp
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần (18/3), song tính cả tuần vẫn giảm và là tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,29 USD (+1,2%) lên 107,93 USD/thùng trong phiên 18/3, sau khi tăng gần 9% trong phiên liền trước - là phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) Mỹ phiên này cũng tăng 1,72 USD (+1,7%) lên 104,7 USD/thùng, sau khi tăng 8% ở phiên trước.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu vẫn giảm khoảng 4%, sau khi giao dịch trong biên độ dao động lên tới 16 USD/thùng giữa bối cảnh chưa có giải pháp thay thế dầu mỏ Nga, khi mà nguồn cung đã eo hẹp từ trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Cách đây 2 tuần, giá dầu đạt mức cao nhất trong 14 năm, kích thích các nhà đầu tư bán chốt lời.
Trong 8 phiên giao dịch gần đây, mỗi thùng dầu Brent giao dịch ở mức cao nhất là 139 USD và thấp nhất là 98 USD - chênh lệch hơn 40 USD/thùng. Theo giới phân tích, điều đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư thoát khỏi thị trường, tạo điều kiện biến động giá mạnh hơn trong những tuần tới.
Theo Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes, trong tuần qua, các công ty năng lượng Mỹ đã giảm 3 giàn khoan dầu đang hoạt động ở nước này, xuống còn 524 giàn. Còn Công ty Tư vấn FGE cho biết, dự trữ sản phẩm dầu chưng cất trên đất liền tại các nước sản xuất dầu lớn hiện thấp hơn 39,9 triệu thùng so với mức trung bình cùng kỳ giai đoạn 2017-2019.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm trong tuần qua theo xu hướng giá ở châu Âu, khi nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung khí của Nga đã dịu lại. Theo đó, giá LNG trung bình giao tháng 5 tới Đông Bắc Á tuần qua là 35,5 USD/mmBtu, giảm 2,5 USD (-6,6%) so với tuần trước.
Edmund Siau, nhà phân tích LNG của FGE cho biết: “Giá khí ở châu Âu đã ổn định hơn trong tuần qua khi cả hai bên (Nga và châu Âu) giảm bớt những thông điệp về việc cắt giảm xuất khẩu khí đốt hiện có của Nga sang châu Âu”.
Kim loại: Vàng, palladium, nickel giảm mạnh; đồng, nhôm, sắt thép đều tăng
Ở nhóm kim loại quý, sau tuần tăng tích cực trước đó, giá vàng quay đầu giảm mạnh trong tuần qua do nhà đầu tư kỳ vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ - những yếu tố sẽ cản trở nhu cầu vàng.
Cụ thể, phiên 18/3, giá vàng giao ngay đóng cửa giảm 0,7% về mức 1.929,56 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,7% xuống 1.929,3 USD. Tính cả tuần, giá vàng giảm 2,8% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.
Chiến lược gia David Jones của Capital.com cho biết, xu hướng đầu cơ đối với vàng đã hạ nhiệt trong 10 ngày qua khi cú sốc ban đầu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine giảm dần. Nhà phân tích Edward Meir của Công ty Môi giới đầu tư ED&F Man Capital Markets cũng cho rằng, nếu có một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận nào đó giữa Nga và Ukraine, giá vàng có thể giảm nhanh.
Tuy nhiên, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered lưu ý rằng, thái độ “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không thể làm thay đổi tâm lý lạc quan về triển vọng giá vàng, bởi những rủi ro địa chính trị hiện tại làm gia tăng lo ngại về lạm phát, khơi dậy sự quan tâm dài hạn đối với vàng.
Đầu tuần qua, Fed đã nâng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm và dự tính sẽ không ngừng đẩy chi phí đi vay tăng lên trong 2 năm tới. Lãi suất tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Về các kim loại quý khác, giá palladium giao ngay giảm 0,3% xuống 2.503,99 USD/ounce và cả tuần giảm hơn 10% do lo ngại về nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu (Nga) dịu lại; giá bạc cũng giảm 1,6% xuống 24,94 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,7% lên 1.027,49 USD/ounce.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, phiên cuối tuần qua 18/3, giá nhôm tiếp tục tăng khi thị trường lại dấy lên lo ngại về nguồn cung từ Nga, sau khi các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine bị đình trệ. Cụ thể, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,2% lên 3,39 USD/tấn, nhưng cả tuần vẫn giảm khoảng 2,5%.
Giá nhôm kỳ hạn tháng 4/2022 trên Sàn Giao dịch kim loại Thượng Hải phiên này cũng tăng 3,3% lên 22.810 CNY (3.590,09 USD)/tấn. Nhập khẩu nhôm của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 đã giảm 26,2% so với 1 năm trước đó.
Giá nickel trên sàn LME giảm 12% trong phiên cuối tuần qua - phiên giảm kịch trần thứ 3 liên tục, thời điểm mở cửa có lúc giá chỉ còn 36.915 USD/tấn.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá đồng phiên này tăng 0,9% lên 10,339 USD/tấn; kẽm tăng 0,3% lên 3,835 USD/tấn; chì tăng 0,4% lên 2,259 USD/tấn và thiếc tăng 2% lên 42,525 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng 3 phiên liên tiếp, hồi phục mạnh mẽ sau những phiên giảm sâu trước đó.
Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần qua, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 đạt 835 CNY/tấn - cao nhất kể từ ngày 11/3/2022 và cả tuần tăng 1%, qua đó xóa sạch mức giảm gần 7% ở phiên 15/3/2022. Đây là tuần giá tăng thứ 4 liên tiếp của quặng sắt.
Trên Sàn Giao dịch hàng hóa Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2022 cũng tăng lên 152,40 USD/tấn, trong khi quặng hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc (giao ngay tại cảng biển Trung Quốc) cũng đảo chiều tăng lên 146,50 USD/tấn.
Nông sản: Giá đồng loạt giảm
Giá ngũ cốc và đậu tương Mỹ đồng loạt giảm trong phiên 18/3 trong bối cảnh các thương nhân giao dịch cầm chừng và theo dõi các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời đánh giá khả năng xuất khẩu nông sản ở Biển Đen có thể tiếp tục bị gián đoạn. Các nhà môi giới cho biết, thị trường có thể sẽ đảo chiều, giá có thể tăng trở lại cho đến khi biết rõ hơn cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài bao lâu.
Theo đó, giá ngô giao dịch trên sàn Chicago giảm 12-3/4 cent xuống 7,41-3/4 USD/bushel; lúa mì giảm 34-1/4 cent xuống 10,63-3/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 1/2% xuống 16,68 USD/bushel.
Ngoài những tác động địa chính trị, yếu tố thời tiết cũng đóng vai trò quyết định. Dự trữ ngũ cốc và hạt dầu trên toàn cầu sẽ thấp hơn nếu khu vực Bắc Bán Cầu không đạt sản lượng kỷ lục trong mùa Hè này. Ngoài ra, chất lượng mùa màng ở khu vực Nam Mỹ trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 2 cũng rất quan trọng.
Giao dịch bất ổn trên thị trường nông sản diễn ra vào thời điểm Bộ Nông Nghiệp Mỹ công bố kế hoạch gieo trồng và các số liệu về dự trữ lương thực hôm 1/3/2022. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với cán cân cung và cầu ngũ cốc toàn cầu trong dài hạn là liệu xuất khẩu ở khu vực Biển Đen có được nối lại vào nửa cuối năm 2022 hay không.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cà phê, cao su tăng giá, dầu cọ giảm mạnh
Giá đường thô trên sàn ICE ổn định vào thứ Sáu (18/3) khi các nhà giao dịch định giá nguồn cung tăng mạnh ở các nhà sản xuất hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và tạm thời gác lại nỗi lo về giá dầu cao. Nhập khẩu đường vào Trung Quốc - nước nhập khẩu nhiều nhất thế giới, giảm 5,3% trong tháng 2 xuống còn 410.000 tấn.
Theo đó, giá đường thô tăng 0,3% lên 18,74 cent/lb; đường trắng tăng 0,9% lên 530,70 USD/tấn.
Giá năng lượng tăng thường kéo giá đường tăng theo vì điều đó có xu hướng thúc đẩy các nhà máy mía đường ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới Brazil chuyển hướng sản lượng từ đường sang ethanol, một loại nhiên liệu sinh học dựa trên mía đường.
Các đại lý lưu ý rằng Ấn Độ có khả năng sản xuất kỷ lục 34 triệu tấn đường trong mùa này, lấp đầy mức thiếu hụt dự kiến trên toàn cầu. Trong khi đó, vụ thu hoạch của Thái Lan hiện cũng cho sản lượng cao hơn 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mặt hàng cà phê, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 0,5% lên 2,1720 USD/lb, sau khi giảm 0,6% ở phiên liền trước; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 1,1% lên 2.163 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2022 là 2.166 USD/tấn.
Tại châu Á, giá cà phê Việt Nam tuần qua tăng, trong khi cà phê Indonesia giảm. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, bán cà phê nhân xô với giá 40.200-42.000 đồng (1,76- 1,84 USD)/kg, tăng so với mức 39.200-41.300 đồng/kg của tuần trước. Các thương nhân tại Việt Nam chào giá cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) với mức chiết khấu 220-240 USD/tấn, giảm so với mức 300 USD/tấn trong tuần trước.
Cà phê Indonesia tuần qua có giá chiết khấu 150 USD/tấn, so với 100-110 USD/tấn cách đây một tuần.
Mặc dù giá hồi phục trong phiên này, song theo Rabobank, thị trường cà phê sẽ sớm chịu sức ép khi các báo cáo cho thấy lượng tồn kho tại sàn ICE đã vượt ngưỡng tâm lý và các nước sản xuất cà phê robusta chính như Brazil và Indonesia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới năm nay.
Với mặt hàng cao su, giá tại Nhật Bản tăng trong phiên 18/3 và cả tuần tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tuần do thị trường chứng khoán Tokyo tăng và nguồn cung nguyên liệu thô từ Thái Lan hạn chế.
Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka tăng 2,9 JPY (+1,2%) lên 248,1 JPY (2,09 USD)/kg; cả tuần giá tăng 1,6%.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 5/2022 cũng tăng 175 CNY lên 13.450 CNY (2.114,98 USD)/tấn, kết thúc chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp trước đó.
Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 giảm 0,1% xuống 171,5 US cent/kg.
Nguồn cung nguyên liệu thô từ Thái Lan thắt chặt và giá cao su vật chất tăng mạnh đã hỗ trợ giá trên sàn Osaka.
Trên thị trường dầu cọ, kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu cọ Malaysia đã đảo ngược mức tăng sớm để giảm hơn 5%, với dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2022 trên Sàn Giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 304 ringgit (-5,12%) xuống 5.632 ringgit (1.343,83 USD)/tấn. Giá dầu cọ trên sàn Đại Liên phiên này giảm 1,5%.
Tính cả tuần, giá mặt hàng này giảm 16%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1986.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |