Năng lượng: Giá dầu và khí đốt giảm mạnh hơn 4%, than cũng đi xuống
Trên thị trường dầu mỏ, việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát làm dấy lên lo ngại chi phí đi vay tăng có thể kìm hãm hoạt động kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 8/7), dầu thô Brent giao sau tăng 2,37 USD (+2,3%) lên 107,02 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) tăng 2,06 USD (+2%) lên 104,79 USD/thùng. Tuy nhiên, tính cả tuần giá, dầu Brent giảm khoảng 4,1% và dầu WTI giảm 3,4%.
Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 7/7, nhu cầu xăng và sản phẩm chưng cất giảm hơn 5% trong 1 tháng qua qua so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng khoảng 8,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/7, do lượng tồn kho tăng và các nhà máy lọc dầu cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy, nền kinh tế đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 6, một dấu hiệu thể hiện sức mạnh thị trường lao động bền bỉ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa trong tháng này.
Giá dầu tăng vọt trong nửa đầu năm 2022. Dầu Brent gần đạt mức cao kỷ lục 147 USD/thùng sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra vào tháng Hai, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung.
Stephen Brennock, nhà môi giới dầu PVM, cho biết: “Những lo lắng về kinh tế có thể khiến giá dầu tăng cao trong tuần này trước e ngại nguồn cung bị thắt chặt”.
Trên thị trường khí đốt, hợp đồng khí đốt tự nhiên (LNG) của Mỹ giảm hơn 4% trong phiên 8/7 sau khi tăng vọt hơn 14% trong phiên trước do sản lượng tăng chậm và dự báo nhu cầu vào tuần tới sẽ ít hơn so với dự kiến trước đó.
Cụ thể, giá khí đốt kỳ hạn giảm 26,3 cent (-4,2%) về mức 6,034 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Cho đến nay, hợp đồng này đã tăng khoảng 62% do giá cao hơn nhiều ở châu Âu và châu Á khiến nhu cầu đối với xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh.
Các nhà phân tích dự đoán xuất khẩu của Nga sang châu Âu sẽ giảm hơn nữa vào tuần tới khi Nord Stream ngừng hoạt động để bảo trì từ ngày 11-21/7.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 95,9 bcfd trong tháng 7 từ mức 95,1 bcfd trong tháng 6. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 96,1 bcfd vào tháng 12/2021.
Với thời tiết nóng hơn sắp tới, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 96,1 bcfd trong tuần này lên 98,1 bcfd vào tuần tới và 98,9 bcfd trong 2 tuần tiếp theo.
Lượng khí trung bình đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ giữ ổn định ở mức 11,2 bcfd cho đến nay trong tháng 7, giống như trong tháng 6. Con số đó đã giảm từ 12,5 bcfd vào tháng 5 và kỷ lục hàng tháng là 12,9 bcfd vào tháng 3 do sự cố nhà máy xuất khẩu LNG lớn thứ hai của Mỹ Freeport ngừng hoạt động.
Trước đó, Freeport đã tiêu thụ khoảng 2 tỷ feet khối khí mỗi ngày (bcfd) trước khi đóng cửa vào ngày 8/6/2022. Freeport LNG cho biết, nhà máy có thể hoạt động trở lại vào tháng 10/2022, nhưng một số nhà phân tích cho rằng nhà máy có thể đóng cửa lâu hơn.
Nga - nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, đã cung cấp khoảng 30-40% lượng khí đốt của châu Âu, tổng trị giá khoảng 18,3 bcfd vào năm 2021. Các kho dự trữ khí đốt ở khu vực Tây Bắc Âu (Bỉ, Pháp, Đức và Hà Lan EUGAS/STORAGE) thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình 5 năm (2017-2021) cho thời điểm này trong năm, theo Refinitiv.
Trên thị trường than, giá than của Nam Phi giảm xuống dưới mức 330 USD/tấn trong bối cảnh thị trường châu Âu điều chỉnh và nhu cầu từ Ấn Độ, Pakistan giảm. Chính quyền Pakistan đã chỉ đạo các doanh nghiệp địa phương tăng cường nhập khẩu than từ Afghanistan để thay thế nguyên liệu từ Nam Phi do giá thành cao.
Tương tự, giá giao ngay đối với than nhiệt lượng 5500 NAR tại Trung Quốc giảm xuống mức 185,5 USD/tấn FOB Qinhuangdao, nguyên nhân do sản xuất trong nước tăng cao, trữ lượng tăng trưởng và áp lực từ cơ quan quản lý. Tồn kho than tại cảng Qinhuangdao tính đến nay lên tới 5,8 triệu tấn.
Tương tự, than 5900 GAR của Indonesia được giao dịch ở mức 190 USD/tấn FOB Kalimantan. Giá than Indonesia vẫn chịu áp lực trước nhu cầu thấp từ các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời được thúc đẩy bởi nguồn cung than cạnh tranh của Nga.
Trong khi đó, giá than của Úc củng cố trên 390 USD/tấn do nhu cầu ngày càng tăng từ các khách hàng châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, vốn đang giảm tiêu thụ than của Nga. Bên cạnh đó, giá đã được hỗ trợ bởi các biện pháp của chính quyền Úc để tăng cường vào thị trường nội địa nhằm tránh khủng hoảng năng lượng.
Báo giá than luyện kim của Úc tiếp tục giảm xuống dưới 305 USD/tấn do cung tiếp tục vượt cầu đáng kể, theo sau giá thép giảm và sản lượng của các nhà máy thép giảm.
Kim loại: Giá vàng, đồng thép tiếp tục giảm mạnh, quặng sắt phục hồi
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng nhích nhẹ trong phiên cuối tuần qua 8/7, song vẫn ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp do chịu ảnh hưởng bởi USD tăng và số liệu việc làm của Mỹ ổn định.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,1% lên 1.741,94 USD/ounce, nhưng cả tuần giảm 3,7% - mạnh nhất kể từ giữa tháng 5/2022. Vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York tăng 0,2% lên 1.742,3 USD/ounce.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 6/2022 cao hơn so với dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp vẫn gần mức thấp trước đại dịch khiến Fed đưa ra mức tăng 75 điểm cơ bản khác vào cuối tháng 7 này.
Chỉ số đô-la Mỹ đang ở mức cao nhất 20 năm và giá dầu thô ở trên mức 100 USD/thùng vẫn là những yếu tố đè nặng lên thị trường kim loại quý. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó có chứng khoán Mỹ phục hồi cũng gây bất lợi cho giá vàng.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Giá vàng đang trong xu hướng giảm bốn tháng trên biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc 1.800 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.700 USD/ounce.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng duy trì ổn định trong phiên 8/7 do tác động tích cực của USD yếu hơn đối với tiêu thụ kim loại công nghiệp, bù đắp lo ngại nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu - Trung Quốc.
Cụ thể, trên sàn London, giá đồng giao ngay nhích nhẹ lên mức 7.809 USD/tấn. Tuy nhiên, tính cả tuần vẫn giảm gần 3% - cũng là tuần giảm thứ 5 liên tiếp và giảm gần 30% kể từ mức cao kỷ lục (10.845 USD/tấn) trong tháng 3/2022. Giá đồng kỳ hạn ba tháng tăng 0,5% lên 7.864 USD/tấn, nhưng cũng trên đà giảm tuần thứ tư liên tiếp.
Tương tự, đồng kỳ hạn giao tháng 8/2022 - hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, tăng 4% lên 60.540 CNY (tương đương 9.035,15 USD)/tấn, song cũng được ấn định là tuần giảm thứ 4.
Hãng tin Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang xem xét các biện pháp kích thích trị giá 220 tỷ USD. Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nền kinh tế nước này đang phục hồi nhưng chưa vững chắc và vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Nhiều nhà phân tích dự báo giá đồng sẽ tiếp tục giảm do lãi suất tăng kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài đồng, giá các kim loại cơ bản khác cũng hồi phục trong phiên 8/7, chẳng hạn thiếc kỳ hạn tại Thượng Hải tăng hơn 3% sau hai phiên trượt giá trước đó, nhưng nhìn chung cả tuần giá vẫn giảm.
Trong khi đó, giá quặng sắt bật mạnh trong phiên 8/7 do USD suy yếu, bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế mới để chống Covid-19 còn tiếp diễn.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch Đại Liên tăng 3,9% lên 756,5 CNY(tương đương 112,82 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,7% lên 113,5 USD/tấn.
Trong 6 phiên trước đó, quặng sắt đã giảm 4 phiên liên tiếp, trước khi bật trở lại trong 2 phiên gần đây.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,8%, thép cuộn cán nóng giảm 0,4%, trong khi thép không gỉ tăng 2,1%.
Ở trong nước, ngày 9/7, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến 360.000 đồng/tấn. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 8 liên tiếp kể từ ngày 11/5/2022 với tổng mức giảm hơn 3 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 360.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 200.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300 về các mức tương ứng 16,24 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, các chủng loại CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn về còn 16,16 triệu đồng/tấn và 16,56 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức, 2 loại thép trên giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn còn 16,06 triệu đồng/tấn và 16,51 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, mức giá tương ứng 16,06 triệu đồng/tấn và 16,46 triệu đồng/tấn đối với các chủng loại CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 200.000 đồng/tấn và 140.000 đồng/tấn theo thứ tự.
Nông sản: Đồng loạt tăng giá
Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng 6,6%, hồi phục từ mức thấp nhất 4 tháng trong tuần qua do giảm bớt lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và các dấu hiệu nhu cầu nhập khẩu mới. Cụ thể, giá lúa mì tăng 55 US cent lên 8,91-1/2 USD/bushel - cao nhất kể từ ngày 1/7/2022.
Giá ngô tăng 27-1/4 US cent lên 6,23-1/2 USD/bushel, tương ứng tăng 2,6% sau 2 tuần liên tiếp sụt giảm. Tình hình khô hạn tại các khu vực gieo trồng chính tiếp tục gây ảnh hưởng đến vụ mùa ngô tại Mỹ hỗ trợ giá tăng.
Giá đậu tương tăng 31 US cent lên 13,96-1/2 USD/bushel. Nhiệt độ tăng cao tại khu vực sản xuất lớn như Iowa và Illinois (Mỹ) gây nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng mùa vụ và hỗ trợ giá đậu tương hồi phục trở lại.
Trong khi đó, dầu đậu tương sụt giảm hơn 3% trước tin tức Indonesia đã nâng hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ đối với các công ty tham gia chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) lên mức 7 lần khối lượng bán ra trong nước.
Nguyên liệu công nghiệp: Cà phê và đường cùng tăng giá, dầu cọ giảm giá, cao su diễn biến trái chiều
Giá đường trên sàn ICE tăng gần 3%, do nhu cầu tăng mạnh cùng với đó là nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,5 US cent (+2,7%) lên 19,02 US cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 4 tháng (17,71 US cent/lb) trong phiên ngày 4/7/2022.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 13,9 USD (+2,5%) lên 568,9 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE tăng 1,55 US cent (+0,7%) lên 2,2045 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1,5 tháng (2,151 USD/lb), chịu áp lực bởi lo ngại nhu cầu có thể suy giảm.
Đồng thời, giá cà phê robusta cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 37 USD (+1,9%) lên 1.981 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, sau vụ việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn khi đang vận động cho một cuộc bầu cử Quốc hội.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Osaka giảm 0,1 JPY xuống 247,7 JPY (1,82 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 3,1%.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 10 CNY lên 12.675 CNY (1.890,75 USD)/tấn.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp do giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế thúc đẩy giá tăng, song vẫn có tuần giảm mạnh.
Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 23 ringgit (+0,56%) lên 4.163 ringgit (940,79 USD)/tấn, nhưng tính cả tuần giảm 11,6% - tuần giảm thứ 4 liên tiếp trong 5 tuần qua, do dự báo tồn trữ dầu cọ trong tháng 6/2022 và xuất khẩu từ Indonesia tăng.