Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 2 liên tiếp
Kết thúc phiên ngày 2/10, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm về mức 38,72 USD/thùng và tăng 1,7% so với phiên trước, còn dầu Brent giảm về 40,93 USD/thùng và giảm 1,5% so với phiên trước. Tính chung từ 25/9-2/10, giá dầu WTI giảm 3,83% và dầu Brent giảm 1,8% và cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của 2 loại dầu này.
Nguyên nhân giảm được chỉ ra là do số lượng người mắc Covid-19 tiếp tục tăng, đặc biệt tại châu Âu, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng. Standard Chartered dự báo, nhu cầu dầu thô năm 2020 chỉ còn 9,03 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 9, được Reuters khảo sát, tăng 160.000 thùng/ngày so với tháng 8, lên mức 24,38 triệu thùng/ngày. Tổng cộng, OPEC đã xuất khẩu 18,2 triệu thùng/ngày trong tháng 9, tăng so với mức 17,53 triệu thùng/ngày của tháng 8.
Kim loại: Vàng tiếp tục neo cao, đồng giảm mạnh
Kết thúc phiên 2/10, giá vàng giao ngay tại Mỹ giảm 7,6 USD xuống 1.898,8 USD/ounce so với phiên trước đó. Giá vàng tương lai giao tháng 11 trên sàn Comex New York giảm 12,3 USD xuống 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung từ 25/9-2/10, vàng đã tăng mạnh, đạt tỷ lệ 2,39%.
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với Covid-19 khiến giá vàng biến động mạnh trong phiên 2/10, có thời điểm tăng lên gần 1.920 USD/ounce, trước khi giảm trở lại do áp lực chốt lời ở vùng giá cao.
Jeff Henriksen, giám đốc Thorpe Abbotts Capital nhận định, việc ông Trump nhiễm bệnh sẽ khiến những bất ổn về chính trị gia tăng trước thêm cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11. Theo đó, nhu cầu trú ẩn tài sản vào vàng có thể gia tăng, đưa kim loại quý này vào một đợt tăng giá mới.
Tương tự, một số kim loại quý khác như bạch kim, bạc cũng tăng giá trở lại sau tuần giảm mạnh trước đo. Tính đến 2/10, giá bạch kim trên sàn NYMEX tăng lên mức gần 901 USD/ounce, tương ứng tăng hơn 6,7% so với ngày 25/9, còn bạc tăng hơn 5% lên mức 24,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá đồng tại London ngày 2/10 chạm mức thấp nhất 7 tuần trong bối cảnh tồn trữ tăng. Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,1% xuống 6.319 USD/tấn. Trên sàn New York, hợp đồng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 5% xuống 2,88 USD/lb. Như vậy, tính từ 25/9-2/10, giá đồng giảm khoảng 6,63%.
Tồn trữ đồng tại Londonđạt 163.125 tấn, hơn gấp đôi so với mức tồn trữ tuần trước đó. Trong khi đó, các cuộc đàm phán kích thích của Mỹ qua đêm chậm lại đẩy USD tăng, khiến kim loại được định giá bằng “đồng bạc xanh” kém hấp dẫn so với tiền tệ khác.
Nhôm sử dụng trong ngành công nghiệp vận tải, xây dựng và đóng gói cũng giảm do thị trường kỳ vọng sự miễn giảm đối với các nhà sản xuất UAE và Bahrain. Trên sàn London, giá nhôm giảm 0,1% xuống 1.737 USD/tấn và giá nickel giảm 0,5% xuống 14.275 USD/tấn.
Nông sản: Ngô có tuần tăng mạnh nhất từ 28/8
Sau tuần giảm mạnh trước đó, giá các mặt hàng nông sản đã hồi phục trở lại trong tuần này. Kết thúc phiên 2/10, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Chicago giảm 0,5% xuống 3,8-3/4 USD/bushel, đóng cửa phiên trước đó tăng 1% lên 3,85-1/2 USD/bushel - mức cao nhất kể từ ngày 3/3/2020. Tính chung từ 25/9-2/10, giá ngô tăng 4,83% - tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 28/8/2020.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Chicago cũng tăng 2,13% trong tuần sau khi giảm 4% trong tuần trước đó.
Tương tự, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 tăng hơn 3,5% trong tuần, trong khi tuần trước giảm 5,3%.
Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt tụt lùi
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 3,5% trong phiên 2/10 về mức 107,5 US cent/lb - thấp nhất gần 2 tháng qua do triển vọng nguồn cung nhiều. Tính chung cả tuần, cà phê arabica giảm khoảng 5,76%.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 trên sàn London cũng giảm về mức1.288 USD/tấn, tương đương giảm 5,11% trong tuần.
Tương tự, giá cacao kỳ hạn tháng 12 trên sàn London giảm -1,3% xuống 1.772 GBP/tấn, còn trên sàn New York giảm -1,5% xuống 2.058 USD/tấn, cả tuần giảm 2,31%.
Trước xu hướng giá giảm mạnh, Bờ Biển Ngà - nước sản xuất cacao lớn nhất thế giới - đã tăng giá thu mua cacao của nông dân thêm khoảng 21%, lên 1.000 FCFA (1,8 USD)/kg cho cacao vụ chính niên vụ 2020/21, bắt đầu từ 1/10/2020.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 2,1% xuống 2.730 ringgit (656,57 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 3,3% và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Giá dầu đậu tương trên sàn Chicago cũng giảm 1,17% do người nông dân đẩy mạnh bán ra, làm lu mờ tồn trữ hàng quý tại Mỹ và doanh số xuất khẩu tăng mạnh.