Trong nhóm hàng nông sản, Ngô, Đậu tương và Lúa mỳ đều giảm mạnh với mức giảm 2,73%, 4,77% và 1,89%. Dịch bệnh lan rộng tại Mỹ khiến thị trường chứng khoán sụp đổ trong tuần, đặc biệt là hai ngày qua khiến giá nông sản cũng giảm theo, mặc dù một số yếu tố khác đang hỗ trợ thị trường.
Ngoài ra, việc tốc độ thu hoạch ngô của Argentina đạt mức cao hơn cùng kỳ niên vụ trước cũng là yếu tố khiến giá giảm. Đối với Đậu tương, số liệu bán hàng kém trong bối cảnh Trung Quốc đang khôi phục lại hoạt động kinh tế gây áp lực đẩy giá xuống trong hai phiên cuối tuần. Trong khi đó, Lúa mỳ lại giảm sâu trước sự cạnh tranh của Lúa mỳ Nga và một số quốc gia khác.
Trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, sự mạnh lên của đồng USD với các đồng tiền nội địa của các quốc gia sản xuất lớn cùng với lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu đã khiến giá nhiều mặt hàng giảm như: cà phê Arabica và Robusta giảm lần lượt 0,61% và 0,32%, ca cao giảm 5,31%, bông sợi giảm 3,66% và cao su RSS3 giảm 5,91%. Mặt hàng đường đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong nhóm nguyên liệu công nghiệp do sự tác động cộng hưởng của yếu tố giá dầu thô suy giảm. Giá dầu thô giảm khiến các nhà sản xuất mía đường tại Brazil chuyển hướng sang sản xuất đường thay vì ethanol, kéo theo đường giảm 10,14% trong tuần.
Trong nhóm hàng kim loại, bạc chứng kiến đợt giảm mạnh hiếm có trong lịch sử với mức giảm 16,01% khi các nhà đầu tư buộc phải bán kim loại quý để bù lỗ cho các khoản đầu tư chứng khoản bị sụt giảm. Giá Đồng cũng chịu ảnh hưởng từ bối cảnh chung và giảm 3,77%.
Sang tuần tới, tình hình dịch Covid-19 và sức khỏe chung của nền kinh tế sẽ là yếu tố chính tác động lên thị trường hàng hóa.