Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/7: Giá quặng sắt, nhôm, kẽm bật mạnh

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/7: Giá quặng sắt, nhôm, kẽm bật mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 9-16/7, thị trường hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng ở hầu hết các mặt hàng từ năng lượng, kim loại cho đến nông sản hay nguyên liệu công nghiệp, trong đó quặng sắt, nhôm, kẽm tăng mạnh nhất trong 7 tháng qua…

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Giá dầu thế giới giảm vào thứ Sáu (14/7) khi USD mạnh lên và các nhà kinh doanh dầu đã chốt lời khi giá tăng mạnh.

Cụ thể, đóng cửa phiên này, dầu thô Brent giảm 1,49 USD (-1,8%) về 79,87 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,47 USD (-1,9%) về 75,42 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn tăng gần 2% và tuần tăng thứ 3 liên tiếp sau khi gián đoạn nguồn cung ở Libya và Nigeria làm gia tăng lo ngại thị trường sẽ thắt chặt trong những tháng tới.

Chỉ số USD tăng cao hơn sau khi chạm mức thấp nhất 15 tháng qua trong phiên. “Đồng bạc xanh” mạnh lên làm giảm nhu cầu dầu mỏ, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Rob Haworth - chiến lược gia đầu tư cao cấp tại U.S. Bank Wealth Management cho biết, đà tăng giá dầu có thể tiếp diễn trong tuần này bởi một số nguyên nhân như áp lực lạm phát giảm, kế hoạch bổ sung dự trữ chiến lược của Mỹ, việc cắt giảm và gián đoạn nguồn cung.

Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết thêm, xuất khẩu dầu của Nga cũng đã giảm đáng kể và nếu xu hướng này kéo dài có thể sẽ đẩy giá lên cao hơn nữa do xuất khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 tới.

Kim loại: Vàng, bạc, nhôm, kẽm, sắt thép đều bật mạnh, đi ngược với đồng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trong phiên 14/7 nhưng cả tuần vẫn tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2023, sau khi các dấu hiệu lạm phát của Mỹ chậm lại làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất sau tháng này.

Cụ thể, vàng giao ngay kết thúc phiên 14/7 giảm 0,1% về 1.959,27 USD/ounce, nhưng cả tuần tăng khoảng 1,8%. Hợp đồng vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8/2023 vững ở mức 1.964,40 USD/ounce.

Trên thị trường châu Á, giá vàng tại Ấn Độ cao nhất kể từ ngày 20/6/2023 theo xu hướng giá tăng trên thị trường quốc tế trong tuần qua. Các đại lý Ấn Độ đưa ra mức chiết khấu là 6,6 USD/ounce so với giá chính thức trong nước, thấp hơn mức chiết khấu 7 USD/ounce của tuần trước nữa.

Tại Trung Quốc Đại lục, mức cộng giá vàng so với giá quốc tế dao động trong khoảng từ 10-14 USD/ounce trong tuần qua. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), vàng được bán với giá cao hơn 0,50-2,50 USD/ounce, trong khi các đại lý Singapore tính giá cao hơn 1,50-3 USD/ounce. Giá tăng trong tuần làm giảm nhu cầu vàng physical (vật lý) trên thị trường châu Á.

Về một số kim loại quý khác, kết thúc tuần qua, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm này khi tăng 8,18% lên 25,19 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa tháng 3/2023. Giá bạch kim tăng 7,16% lên 984,3 USD/ounce - mức tăng tuần lớn nhất trong 4 tháng trở lại đây.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm vào thứ Sáu (14/7) sau 2 phiên tăng mạnh trước đó do lo ngại kỳ vọng Mỹ ngừng tăng lãi suất vào lúc này có thể là quá sớm và thiếu các biện pháp kích thích bổ sung ở Trung Quốc.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,3% xuống 8.672 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao nhất mới trong 3 tuần qua là 8.719,50 USD/tấn.

Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới và nhu cầu yếu hiện nay của nước này đang đè nặng lên giá cả. Các nhà đầu tư đã trông đợi vào các biện pháp kích thích mới ở Trung Quốc sau dữ liệu mờ nhạt về sản xuất của các nhà máy và nhu cầu yếu đang gây áp lực lên thị trường.

Tuy nhiên, chỉ số USD đã tăng nhẹ vào ngày 14/7, khiến hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Tương tự, trên sàn LME, giá nhôm kỳ hạn giao 3 tháng gần như không thay đổi ở mức 2.279 USD/tấn và tăng 6,3% trên cơ sở hàng tuần, hướng tới tuần tăng tích cực nhất kể từ ngày 13/1/2023.

Giá kẽm giảm 1,2% xuống 2.450,50 USD/tấn, nhưng hợp đồng này được thiết lập để có hiệu suất hàng tuần tốt nhất kể từ ngày 13/1/2023 với mức tăng 3,7%.

Giá nikel gần như không đổi ở mức 21.300 USD/tấn; chì giảm 0,7% về 2.112 USD/tấn và thiếc giảm 0,5% xuống 28.660 USD/tấn.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, hợp đồng đồng giao tháng 8/2023 được giao dịch nhiều nhất tăng 1,2% lên 69.290 CNY (tương đương 9.714,01 USD)/tấn; nhôm tăng 0,3% lên 18.300 CNY/tấn; kẽm tăng 0,5% lên 20.450 CNY/tấn; chì tăng 0,7% lên 15.740 CNY/tấn, nhưng nikel giảm 1,2% xuống 166.200 CNY/tấn và giá thiếc giảm 1,9% xuống 232.010 CNY/tấn.

Về nhóm kim loại đen, giá quặng sắt hôm thứ Sáu (14/7) kéo dài mức tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, được củng cố bởi hy vọng gia tăng về các biện pháp kích thích ở Trung Quốc sau số liệu xuất khẩu yếu cũng như lượng hàng tồn kho ở cả nhà máy và cảng đều giảm.

Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên ở mức tăng 2,54% lên 849 CNY (119,02 USD)/tấn - cao nhất kể từ ngày 17/3/2023.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2023 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 3,58% lên 113,85 USD/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 11/4/2023.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm vào tháng trước với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 3 năm. Trung Quốc sẽ báo cáo dữ liệu thương mại của tháng 6/2023, bao gồm nhập khẩu quặng sắt và xuất khẩu thép được theo dõi chặt chẽ.

MySteel dự báo, mức tiêu thụ thép thô của quốc gia này sẽ giảm 27,8 triệu tấn, tương đương 5,7% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 459,8 triệu tấn trong nửa cuối năm 2023

Trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,4%; thép cuộn tăng 0,5%; dây thép cuộn tăng 0,5% và thép không gỉ tăng 0,5%.

Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá nguyên liệu sản xuất thép cũng tăng, với giá than cốcthan luyện cốc mỗi loại tăng 0,1%.

Nông sản: Đồng loạt tăng giá

Giá lúa mì kỳ hạn tương lai của Mỹ tăng phiên cuối tuần qua 14/7. Giá ngô cũng tăng lo ngại về năng suất và giao dịch kỹ thuật, tương tự là đậu tương khi các nhà đầu tư tiếp tục nghi ngờ về dự báo sản lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Cụ thể, trên Sàn thương mại Chicago, giá lúa mì đã chốt phiên ở mức tăng 21-3/4 US cent lên 6,61-1/2 USD/bushel, đậu tương tăng 1 cent lên 13,70-3/4 USD/bushel và ngô tăng 13-1/4 cent lên 5,13-3/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cao su, cà phê và ca cao cùng tăng

Giá cà phê arabica tháng 9/2023 tăng 3,2 cent (+2%) lên 1,608 USD/lb. Cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 15 USD (+0,6%) lên 2.540 USD/tấn.

Trên thị trường châu Á, giá cà phê nội địa của Việt Nam không thay đổi nhiều so với một tuần trước, theo xu hướng toàn cầu, trong khi giá tại Indonesia tăng do dự trữ cạn kiệt vào cuối vụ thu hoạch.

Các thương nhân tại Việt Nam chào giá cà phê robusta loại 2 ở mức cộng từ 170-200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 của sàn London. Trong khi đó, cà phê robusta Sumatra của Indonesia được chào giá cao hơn 550 USD/tấn so với hợp đồng tháng 9 của sàn London do nguồn cung khan hiếm.

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng nhẹ vào thứ Sáu (14/7) nhưng cả tuần vẫn giảm do nhu cầu mờ nhạt từ Trung Quốc và đồng yên mạnh.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,2 JPY (+0,1%) lên 205,2 JPY (1,49 USD)/kg, nhưng giảm 0,4% trong tuần. Hợp đồng cao su giao tháng 9/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 70 CNY lên 12.480 CNY (1.749,52 USD)/tấn.

Giá ca cao kỳ hạn tháng 9/2023 tại London tăng 45 GBP (+1,8%) lên 2.498 GBP/tấn, song cả tuần giá giảm 3,2%. Ca cao cùng kỳ hạn trên sàn New York tăng 85 USD (+2,6%) lên 3.352 USD/tấn.

Rabobank dự báo, giá ca cao - nguyên liệu thô chính để làm sô cô la - có khả năng duy trì ở mức cao hiện tại trong thời gian dài hơn do các quỹ không ngại tăng mua với khối lượng lớn ở mức giá này, ngoại trừ dữ liệu xay nghiền cho thấy nhu cầu suy yếu.

Giá ca cao tại Sàn giao dịch liên lục địa LCCc2 của London đã đạt mức cao nhất trong 46 năm vào tuần trước trong bối cảnh sản lượng giảm ở khu vực trồng trọt chính ở Tây Phi và lo ngại hiện tượng El Nino sẽ làm tổn hại thêm sản lượng trong niên vụ mới 2023/2024.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan