Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/12: Giá dầu, vàng đồng điều chỉnh kỹ thuật, nông sản giật cục

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/12: Giá dầu, vàng đồng điều chỉnh kỹ thuật, nông sản giật cục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 9-16/12, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến một số mặt hàng điều chỉnh kỹ thuật như dầu quay đầu tăng giá sau nhiều tuần giảm hay vàng, đồng điều chỉnh giảm sau chuỗi ngày tăng giá, trong khi mặt hàng nông sản diễn biến giật cục.

Năng lượng: Giá dầu và khí tự nhiên quay đầu tăng mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm trong phiên cuối tuần qua 16/12 do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ quyết liệt hơn trong chính sách chống lạm phát tăng.

Cụ thể, chốt phiên, dầu thô Brent giảm 2,17 USD (-2,4%) xuống 79,04 USD/thùng và dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 1,82 USD (-2,4%) xuống 74,29 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, hai loại dầu này đều tăng, trong đó dầu Brent ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2022.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất hơn nữa trong năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm trong phiên 16/12 do dự báo thời tiết ít lạnh và nhu cầu sưởi ấm đến cuối tháng 12/2022 thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn New York giảm 37 US cent (-5,3%) xuống 6,6 USD/mmBTU. Tuy nhiên, cả tuần giá vẫn tăng 6%, sau khi giảm 1% trong tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 76%, do giá khí đốt toàn cầu tăng cao.

Kim loại: Giá vàng, đồng điều chỉnh giảm; quặng sắt, thép biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 11/2022, sau khi Fed cho biết sẽ tăng lãi suất nhiều hơn để kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,8% lên 1.791,59 USD/ounce, song cả tuần vẫn giảm 0,3%. Vàng kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn New York tăng 0,7% lên 1.800,2 USD/ounce.

Nhà phân tích cao cấp Edward Moya thuộc OANDA cho biết: “Các thương nhân đang tập trung vào Fed và ECB, điều này cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng đáng kể. Đó là nguyên nhân tại sao vàng có tuần giảm mạnh”.

Commerzbank dự kiến giá vàng sẽ giảm trở lại xuống 1.750 USD/ounce cho đến khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed kết thúc và dự kiến tăng lên 1.850 USD/ounce vào cuối năm 2023.

Một kim loại quý khác là palađi giá giảm 4,3% xuống 1.713,81 USD/ounce, sau khi giảm hơn 8% trong phiên trước và có tuần giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 8.278 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất hơn 5 tháng (8.600 USD/tấn) trong phiên ngày 12/12/2022. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 3%.

Đồng thời, giá đồng kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 1,14% xuống 65.260 CNY (9.370,24 USD)/tấn.

Nhà phân tích Natalie Scott-Gray thuộc StoneX Financial cho biết, Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách nhằm thúc đẩy ngành bất động sản, song những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong nước sẽ không được thực hiện trong thời gian tới.

Trên sàn giao dịch London, giá nhôm giảm 0,9% xuống 2.480,50 USD/tấn; kẽm tăng 0,2% lên 3.242,50 USD/tấn; nikel giảm 1,5% xuống 29.275 USD/tấn; chì giảm 1,2% xuống 2.186,50 USD/tấn và thiếc giảm 2,1% xuống 24.110 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,5%, thép cuộn tăng 0,9%, trong khi thép cuộn cán nóng duy trì vững và thép không gỉ giảm 2,1%.

ANZ điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 từ 4,2% lên 5,4% do việc nới lỏng các hạn chế sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước về lâu dài. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay có thể kéo dài thời kỳ suy thoái trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc và lĩnh vực xây dựng trong mùa đông chậm lại đã hạn chế nhu cầu quặng sắt trong ngắn hạn.

Nông sản: Giá giật cục

Giá ngô, lúa mì và đậu tương có diễn biến giật cục trong tuần qua trước lo ngại nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 3-3/4 US cent xuống 7,53-1/2 USD/bushel trong phiên 16/12, nhưng cả tuần tăng 2,6% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 29/9/2022, qua đó ngắt chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp.

Tương tự, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 1/2 US cent xuống 6,53 USD/bushel trong phiên cuối tuần, nhưng cả tuần vẫn tăng 1,4%.

Ngược lại, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 6-1/2 US cent lên 14,8 USD/bushel. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 0,3%.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cà phê cao su tăng, dầu cọ giảm

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua 16/12, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,11 US cent (+0,6%) lên 20,09 US cent/lb và cả tuần tăng 2,5%. Đồng thời, giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,8 USD (+0,3%) lên 546,8 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm trong bối cảnh tồn trữ tăng, song vẫn có tuần tăng. Cụ thể, cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm hơn 4,3% xuống 1,644 USD/lb. Tuy nhiên, cả tuần giá vẫn tăng 3,95%.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London giảm 12 USD (-0,6%) xuống 1.866 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng theo xu hướng giá cao su tại thị trường Thượng Hải tăng do kỳ vọng nhu cầu tại nước mua hàng đầu Trung Quốc phục hồi, song hoạt động yếu của các nhà máy nội địa gây áp lực lên thị trường, hạn chế đà tăng giá.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Osaka tăng 0,4 JPY (+0,2%) lên 230,5 JPY (1,68 USD)/kg, tính chung cả tuần giá tăng 0,2%. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 100 CNY lên 13.090 CNY (1.880 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore tăng 1% lên 137,7 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia có tuần giảm do các loại dầu thực vật khác giảm, trong bối cảnh lo ngại các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng, bên cạnh số liệu xuất khẩu giảm cũng gây áp lực.

Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Bursa Malaysia tăng 23 ringgit (+0,59%) lên 3.917 ringgit (885,8 USD)/tấn, nhưng cả tuần giảm 1,95%.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan