Năng lượng: Giá dầu tăng, khí tự nhiên giảm
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm khi hoạt động sản xuất dầu thô của vịnh Mexico (Mỹ) được nối lại sau bão Francine và số liệu cho thấy số lượng giàn khoan dầu trong tuần của Mỹ tăng.
Cụ thể, chốt phiên 13/9, dầu thô Brent giảm 36 US cent (-0,5%) xuống 71,61 USD/thùng và dầu WTI giảm 32 US cent (-0,5%) xuống 68,65 USD/thùng. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,8% và dầu WTI tăng 1,4%.
Bob Yager - Giám đốc Năng lượng thuộc Mizuho, New York cho biết, khi hoạt động sản xuất và lọc dầu tại bờ vịnh Mỹ được nối lại, các nhà đầu tư đã chọn bán tháo các hợp đồng dầu mỏ vào cuối tuần qua.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong tuần do kinh tế nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc suy giảm.
Tồn trữ dầu của Mỹ trong tuần trước tăng do nhập khẩu dầu thô tăng và xuất khẩu giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu suy yếu, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết.
Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn New York (Mỹ) đóng cửa phiên 13/9 giảm 5,2 US cent (-2,2%) xuống 2,305 USD/mmBTU do các thương nhân bán chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất 2 tháng trong đầu phiên giao dịch, được hỗ trợ bởi dự báo nhu cầu tăng cao và sản lượng những ngày gần đây giảm bởi bão Francine.
Kim loại: Vàng lên mức kỷ lục mới; đồng, quặng sắt, thép cũng tăng giá
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng mạnh và phá vỡ mức cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi lạc quan rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp cắt giảm lãi suất và USD giảm.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,9% lên 2.582,04 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn New York tăng 1,2% lên 2.610,7 USD/ounce.
Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới và dự kiến sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce, được thúc đẩy bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn và cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ.
Về những kim loại quý khác, giá palladium tăng 4,1% lên 1.050 USD/ounce - mức cao nhất hơn 2 tháng; bạc giao ngay tăng 3,7% lên 29,76 USD/ounce và bạch kim tăng 3% lên 979,62 USD/ounce - mức cao nhất gần 2 tháng.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng đạt mức cao nhất 2 tuần, cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2024 nhờ sự hỗ trợ từ USD yếu hơn và kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Cụ thể, giá đồng kỳ hạn giao 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,9% lên 9.297,50 USD/tấn sau khi chạm mức 9.314,5 USD/tấn - cao nhất kể từ ngày 30/8. Giá nhôm và kẽm cũng đạt mức cao nhất 2 tuần.
USD chịu áp lực khiến kim loại có giá bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác, với việc Fed dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tuần tới.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ nỗ lực mở rộng nhu cầu trong nước, tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng. Tăng trưởng cho vay ngân hàng mới của nước này trong tháng 8/2024 không đạt kỳ vọng, mặc dù tổng số tài chính xã hội - thước đo mức tiêu thụ kim loại trong tương lai, đã tăng cao và vượt quá dự báo của Reuters.
Đồng được sử dụng trong ngành điện và xây dựng, đã giảm 16% kể từ đợt tăng giá vào tháng 5/2024 đẩy giá lên mức cao kỷ lục là 11.104 USD/tấn nhờ vào hoạt động mua đầu cơ do nhu cầu trong tương lai có thể thiếu hụt.
Với mức giá giảm, chủ yếu do nhà đầu tư tháo gỡ vị thế, hoạt động mua của Trung Quốc đã tăng lên và có một số hoạt động bổ sung hàng trước kỳ nghỉ lễ dài vào tháng 10 tới.
Lượng đồng tồn kho trong các kho do Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giám sát đã giảm 45% trong 3 tháng qua xuống còn 185.520 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.
Các nhà phân tích tại Macquarie dự báo giá đồng trung bình sẽ đạt 9.100 USD/tấn trong quý III này trước khi phục hồi vào quý tới, tùy thuộc vào sự sụt giảm của lượng hàng tồn kho hữu hình.
Về các kim loại khác trên sàn LME, giá nhôm tăng 2,5% lên 2.475 USD/tấn; kẽm tăng 2% lên 2.912,5 USD/tấn; chì tăng 0,4% lên 2.033,5 USD/tấn; thiếc tăng 1,4% lên 31.860 USD/tấn; trong khi nikel giảm 1,2% về 15.945 USD/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (DCE) ghi nhận tuần tăng dù giảm trong phiên 13/9, do triển vọng kích thích kinh tế mới của Trung Quốc và nhu cầu thép hồi phục đã nâng đỡ thị trường, trong bối cảnh nền kinh tế của nước tiêu thụ hàng đầu hồi phục chậm.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên DCE giảm 0,29% xuống 694 CNY (97,72 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá tăng 1,76%. Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn Singapore giảm 2,17% xuống 92,7 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,06%; thép cây tăng 1%; thép cuộn tăng 0,55% và thép không gỉ tăng 0,04%.
Nông sản: Lúa mì và ngô tăng giá, đi ngược đậu tương
Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng lên mức cao nhất 12 tuần do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gia tăng, làm dấy lên mối lo ngại về xuất khẩu tại khu vực Biển Đen.
Cụ thể, trên sàn Chicago, trong phiên 13/9, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 16-1/4 US cent lên 5,94-3/4 USD/bushel - cao nhất kể từ giữa tháng 6/2024 và cả tuần tăng 4,9%.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 7-1/4 US cent lên 4,13-1/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024 giảm 4-1/2 US cent xuống 10,06-1/4 USD/bushel.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá robusta tăng cao kỷ lục, đường cũng đi lên, cao diễn biến trái chiều, dầu cọ đi xuống
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn ICE tăng 1,7% lên 19,39 US cent/lb. Đồng thời, giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn LME tăng 1,8% lên 549,6 USD/tấn.
Sản lượng đường tại Brazil giảm 6% vào cuối tháng 8/2024 xuống còn 3,26 triệu tấn khi các nhà máy giảm lượng mía mà họ dành cho sản xuất đường, dữ liệu từ nhóm ngành UNICA cho thấy. Các nhà môi giới cho biết, các vụ cháy trên khoảng 230.000 ha đồn điền mía ở Brazil có khả năng sẽ làm giảm năng suất, từ đó giảm sản lượng đường.
Giá cà phê robusta đã có 1 tuần “dậy sóng” khi tăng liên tục, lên mức 5.267 USD/tấn - đạt kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, ngày 14/9, giá cà phê robusta trên sàn LME có một phiên tăng sốc, lên tới 190 USD/tấn, đưa robusta kỳ hạn giao tháng 11/2024 lên 5.267 USD/tấn, mức cao nhất trong phiên lên đến 5.281 USD/tấn, tăng 204 USD/tấn.
Hồi đầu tuần (9/9), giá robusta còn ở mức 4.770 USD/tấn ở kỳ hạn này. Như vậy, chỉ trong 1 tuần, giá robusta - loại cà phê mà Việt Nam là nhà cung cấp số 1 thế giới, đã tăng gần 500 USD/tấn.
Ở kỳ hạn giao tháng 1/2025, cà phê robusta cũng tăng lên mức 4.998 USD/tấn, tăng 443 USD/tấn. Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn ICE tăng 2,4% lên 2,554 USD/lb. Tính chung cả tuần, giá tăng 5%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do các thương nhân bán ra chốt lời sau khi giá tăng gần đây và JPY tăng mạnh gây áp lực giá, song vẫn có tuần tăng do áp lực nguồn cung từ nước sản xuất hàng đầu - Thái Lan.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn Osaka (OSE) giảm 6,1 JPY (-1,67%) xuống 358,9 JPY (2,54 USD)/kg trong phiên 13/9, nhưng cả tuần vẫn tăng 2,6%.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn SHFE tăng 185 CNY (+1,1%) lên 17.025 CNY(2.397,75 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn Singapore giảm 0,2% xuống 184,9 US cent/kg.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất 3 tuần, do đồng ringgit tăng mạnh và nhu cầu giảm, làm lu mờ mối lo ngại về nguồn cung dầu hướng dương từ khu vực sản xuất hàng đầu là Biển Đen.
Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn Bursa Malaysia giảm 39 ringgit (-1%) xuống 3.813 ringgit (887,16 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 2,2%.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |