Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 7-14/1: Biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 7-14/1, nhóm năng lượng ghi nhận việc giá dầu hồi mạnh, trong khi khí LNG lại lùi sâu, tương tự là nhóm nguyên liệu công nghiệp, trong khi nhóm kim loại tiếp tục đi lên và nông sản cũng quay đầu tăng giá.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 7-14/1: Biến động mạnh

Năng lượng: Giá dầu tăng hơn 8%, khí LNG giảm 7,5%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng hơn 1 USD/thùng vào thứ Sáu (13/1/2023), ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2022 do USD giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng và nhiều chỉ báo cho thấy nhu cầu dầu đang tăng lên từ mức cao nhất từ nhà nhập khẩu dầu mỏ Trung Quốc.

Cụ thể, kết thúc phiên ngày 13/1 giá dầu thô Brent ở mức 85,28 USD/thùng, tăng 1,25 USD (+1,5%); dầu thô Mỹ (WTI) tăng phiên thứ bảy liên tiếp lên 79,86 USD/thùng, tăng 1,47 USD (+1,9%).

Trong tuần qua, giá dầu Brent tăng 8,6%, trong khi dầu thô WTI tăng 8,4%, phục hồi từ mức giảm của tuần trước.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm 0,1% so với tháng trước cho thấy lạm phát hiện đang duy trì xu hướng đi xuống. Nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đang mở cửa kinh tế trở lại sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện các hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy hy vọng nhu cầu dầu tăng cao hơn.

Các giao dịch mua dầu thô gần đây của Trung Quốc và sự gia tăng lưu lượng giao thông đường bộ ở nước này thúc đẩy hy vọng phục hồi nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi mở cửa lại biên giới và nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid.

Chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giảm trong tháng 12/2022 lần đầu tiên sau 2 năm rưỡi, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Đồng bạc xanh yếu hơn có xu hướng thúc đẩy nhu cầu về dầu, khiến nó trở nên rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga sẽ họp vào tháng 2/2023 để đánh giá các điều kiện thị trường và có một số lo ngại rằng, tổ chức này có thể cắt giảm sản lượng dầu một lần nữa để nâng giá sau những đợt sụt giảm gần đây. OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 10/2022 do giá dầu toàn cầu giảm xuống dưới 90 USD/thùng.

Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (NLG) tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng vào thứ Sáu (13/1). Cụ thể, giá LNG kỳ hạn giao tháng 2/2023 giảm 27,6 cent (-7,5%) xuống 3,419 USD/(mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 24/6/2021.

Trong tuần, hợp đồng này giảm khoảng 8% - đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022. Trong 3 tuần trước đó, giá đã giảm khoảng 44%.

Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 120,8 bcfd trong tuần này xuống 119,7 bcfd vào tuần tới khi thời tiết ôn hòa hơn trước khi tăng lên 125,1 bcfd trong 2 tuần tiếp theo thời tiết lạnh hơn.

Kim loại: Vàng lên cao nhất 8 tháng; đồng, nhôm, sắt, thép cũng tăng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất hơn 8 tháng, vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce do lạm phát của Mỹ giảm, làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm hơn.

Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,3% lên 1.920,7 USD/ounce - cao nhất kể từ cuối tháng 4/2022. Tính cả tuần, giá vàng tăng 2,9%. Vàng kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn New York tăng 1,2% lên 1.921,7 USD/ounce.

Giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 12/2022 giảm lần đầu tiên trong hơn 2,5 năm.

Giá bạc cũng tăng 2,1% lên 24,28 USD/ounce và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 23/12/2022.

Ngược lại, giá bạch kim giảm 2,88% về 1072,5 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng duy trì vững do USD suy yếu và kỳ vọng Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu. Cụ thể, giá đồng trên sàn London duy trì ổn định ở mức 9.190,5 USD/tấn, giảm từ mức cao nhất 7 tháng (9.240 USD/tấn), nhưng cả tuần vẫn tăng 7%.

Dự kiến, tiêu thụ đồng của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 4,4% lên 14,8 triệu tấn, Fitch Solutions Country Risk và Industry Research cho biết.

Đáng chú ý, nhômthiếc đều tăng hơn 13% lên lần lượt 2.595 USD/tấn và 28,756 USD/tấn.

Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng hơn 3% lên mức cao nhất 17 tháng do lạc quan về triển vọng nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu - Trung Quốc. Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Đại Liên tăng 3,4% lên 881 CNY (130,96 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2021 (883 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch.

Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 3,5% lên 126,4 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 6/2022.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,1%; thép cuộn cán nóng tăng 0,9%; thép cuộn tăng 0,4% và thép không gỉ tăng 0,7%.

Mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu thúc đẩy giá quặng sắt tăng, sự gián đoạn liên quan đến thời tiết tại Brazil và lốc xoáy tại Úc - nước xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới và quá trình bảo trì mỏ khai thác trong quý đầu tiên của năm.

Nông sản: Đồng loạt đảo chiều tăng giá

Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng phiên thứ 3 liên tiếp và giá ngô tăng lên mức cao nhất 1,5 tuần, do lo ngại thời tiết xấu tại khu vực Nam Mỹ.

Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 9-1/4 US cent lên 15,27-3/4 USD/bushel và cả tuần tăng 2,3%.

Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 4 US cent lên 6,75 USD/bushel và cả tuần tăng 3,2% - tuần tăng mạnh nhất trong 4,5 tháng.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 1 US cent lên 7,43-3/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường tăng , dầu cọ giảm, cao su và cà phê biến động trái chiều

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,14 US cent (+0,7%) lên 19,73 US cent/lb. Đồng thời, giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 8 USD (+1,5%) lên 547,3 USD/tấn.

Giá giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 2,3 US cent (+1,5%) lên 1,517 USD/lb, song có tuần giảm 4,17% - tuần giảm thứ 3 liên tiếp, do triển vọng cây trồng tại nước sản xuất hàng đầu Brazil được cải thiện, gây áp lực lên giá. Đồng thời, giá cà phê robusta cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 35 USD (+1,9%) lên 1.916 USD/tấn và cả tuần tăng 5%.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm bởi đồng JPY tăng mạnh, song có tuần tăng trong bối cảnh thị trường cao su Thượng Hải tăng do kỳ vọng nền kinh tế hồi phục và nhu cầu tại nước mua hàng đầu Trung Quốc tăng mạnh.

Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn Osaka giảm 2,3 JPY (-1%) xuống 223,7 JPY (1,73 USD)/kg. Tuy nhiên, tính cả tuần giá vẫn tăng 1,3%. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 75 CNY xuống 13.000 CNY (1.932 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Singapore tăng 0,8% lên 136,8 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm tuần thứ 2 liên tiếp và giảm mạnh nhất trong 3 tuần, chịu ảnh hưởng bởi đồng ringgit tăng mạnh và nhu cầu giảm. Cụ thể, dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Bursa Malaysia giảm 69 ringgit (-1,76%) xuống 3.842 ringgit (886,48 USD)/tấn. Tính cả tuần, giá giảm 5,2%.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)

Tin bài liên quan