Năng lượng: Giá dầu giảm 2,5%; khí LNG cũng mất 9% giá trị
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm trong phiên 6/12 và có tuần giảm khi các nhà phân tích dự kiến nguồn cung sẽ dư thừa vào năm 2025 do nhu cầu yếu, bất chấp OPEC+ trì hoãn việc tăng sản lượng và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2026.
Cụ thể, dầu thô Brent giảm 97 US cent (-1,4%) xuống 71,12 USD/thùng và dầu WTI giảm 1,1 USD (-1,6%) xuống 67,2 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 2,5% và dầu WTI giảm 1,2%.
Số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ tăng trong tuần qua, dẫn đến sản lượng dầu từ nước sản lượng dầu thô lớn nhất thế giới tăng, đẩy giá giảm.
Trong ngày 5/12, OPEC+ đã lùi thời điểm tăng sản lượng dầu thêm 3 tháng đến tháng 4/2025 và dỡ bỏ hoàn toàn các đợt cắt giảm thêm 1 năm đến cuối năm 2026. Nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu và triển vọng OPEC+ tăng sản lượng ngay khi giá tăng đã gây áp lực lên hoạt động giao dịch.
Ngân hàng Bank of America dự báo thặng dư dầu gia tăng sẽ kéo giá dầu Brent xuống mức trung bình 65 USD/thùng vào năm 2025, trong khi tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ hồi phục lên 1 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm tới. Trong khi đó, HSBC kỳ vọng thặng dư thị trường dầu sẽ thấp hơn 0,2 triệu bpd, từ mức 0,5 triệu bpd trước đó.
Giá dầu Brent phần lớn vẫn duy trì trong phạm vi hẹp 70-75 USD/thùng trong tháng qua, khi các nhà đầu tư cân nhắc các tín hiệu nhu cầu tại Trung Quốc giảm và rủi ro địa chính trị tại Trung Đông gia tăng.
Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm nhẹ trong phiên 6/12 do sản lượng tăng và dự báo thời tiết trong 2 tuần tới ấm hơn so với dự kiến trước đó, làm lu mờ lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng lên mức cao nhất 10 tháng.
Cụ thể, đóng cửa phiên này, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn New York giảm 0,3 US cent xuống 3,076 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá giảm 9%, sau khi tăng 49% trong 6 tuần trước đó.
Kim loại: Giá vàng, đồng, quặng sắt nhích tăng, thép giảm
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng sau báo cáo tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 11/2024, cho thấy thị trường lao động tiếp tục giảm dần, tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất thêm 1 lần nữa.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,2% lên 2.636,31 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn New York tăng 0,4% lên 2.659,6 USD/ounce.
USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, sau báo cáo thị trường lao động cho thấy bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 11/2024 tăng 227.000 việc làm, sau khi tăng 36.000 việc làm trong tháng 10/2024.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng đạt mức cao nhất 3 tuần, được thúc đẩy bởi tồn trữ tại Trung Quốc giảm và mối lo ngại về nguồn cung nguyên liệu thô, sau thỏa thuận về phí xử lý được thống nhất.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,5% lên 9.122 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 9.178,5 USD/tấn - cao nhất kể từ 15/11/2024.
Tuy nhiên, tính đến nay, giá đồng giảm 10% kể từ mức cao nhất 4 tháng (10.158 USD/tấn) trong ngày 30/9/2024.
Giá đồng kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 74.730 CNY (10.293,25 USD)/tấn và cả tuần tăng 1%.
Trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,3% lên 2.616 USD/tấn; niken tăng 0,7% lên 16.130 USD/tấn; thiếc tăng 0,5% lên 28.965 USD/tấn; chì tăng 0,1% lên 2.082 USD/tấn. Sự phục hồi nhẹ của các kim loại này phần lớn nhờ kỳ vọng về các chính sách kinh tế hỗ trợ từ Trung Quốc và sự điều chỉnh tích cực từ các thị trường khác.
Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tăng tuần thứ ba liên tiếp, được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi nhờ các nhà sản xuất thép tái dự trữ và kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích tài chính hơn từ nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc trong tháng 12 này. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho cao ở cảng, biên lợi nhuận thép giảm và lo ngại về triển vọng nhu cầu thép trong năm tới vẫn là những yếu tố hạn chế mức tăng.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt tháng 1/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc giảm 0,37% xuống 802 CNY (110,58 USD)/tấn, nhưng tăng gần 1% trong tuần.
Giá quặng sắt chuẩn cùng kỳ hạn trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,63% lên 104,65 USD/tấn và tăng 0,6% trong tuần.
Sản lượng kim loại nóng, thường được sử dụng để đánh giá nhu cầu quặng sắt, dao động ở mức tương đối cao, làm nổi bật nhu cầu vững chắc đối với thành phần chính trong sản xuất thép. Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày đã giảm 0,5% trong tuần qua so với tuần trước nữa xuống 2,33 triệu tấn, nhưng cao hơn 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, Công ty Tư vấn Mysteel cho biết.
Hơn nữa, làn sóng bổ sung hàng tồn kho từ các nhà máy thép để chuẩn bị cho nhu cầu tiêu thụ vào tháng 2/2024 đã hỗ trợ giá quặng.
Các thành phần sản xuất thép khác trên sàn DCE đã mất giá, với than cốc DJMcv1 và than cốc DCJcv1 lần lượt giảm 1,09% và 1,04%. Theo đó, giá thép cây giao tháng 6/2025 giảm 32 CNY xuống 3.300 CNY/tấn.
Các chuẩn mực thép trên sàn Thượng Hải đều giảm: Thép cây giảm 0,79%; thép cuộn cán nóng giảm 0,57%; thép dây giảm 0,81% và thép không gỉ giảm 0,19%.
Nông sản: Ngô và đậu tương bật mạnh, đi ngược với lúa mì
Giá lúa mì tương lai trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã giảm vào phiên cuối tuần 6/12 do áp lực bán kỹ thuật và chốt lời sau khi tăng gần 2% trước đó. Cụ thể, hợp đồng lúa mì mùa Đông đỏ mềm tháng 3/ 2025 giảm 1 cent xuống 5,5725 USD/giạ, lúa mì cứng đỏ mùa Đông tháng 3 cũng giảm 0,25 cent xuống 5,5225 USD/giạ. Tương tự, lúa mì xuân tháng 3 tại Minneapolis giảm 2 cent xuống 5,9605 USD/giạ.
Các nhà phân tích cho biết, tình trạng mùa vụ không thuận lợi tại Nga - nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và kế hoạch tăng thuế xuất khẩu lúa mì của nước này đang là tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, sản lượng có thể vượt kỳ vọng tại Argentina, trong khi tình hình lúa mì mềm tại Pháp giảm nhẹ.
Giá ngô tháng 3/2025 trên CBOT tăng mạnh 5 cent lên 4,4 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 28/6/2024. Trong tuần, hợp đồng này tăng 1,6%. Hoạt động mua kỹ thuật cùng với doanh số xuất khẩu cao hơn dự báo đã thúc đẩy giá ngô, bất chấp kỳ vọng về vụ mùa bội thu ở Nam Mỹ.
Đậu tương tháng 1 trên CBOT giữ nguyên ở mức 9,9375 USD/giạ và giảm 0,4% trong tuần. Giá dầu đậu nành giao tháng 1/2025 tăng 0,66 cent lên 42,97 cent/pound, trong khi giá bột đậu nành giảm 3,7 USD xuống 287,4 USD/tấn. Thị trường chịu áp lực từ nguồn cung lớn và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dù giá dầu thực vật tăng và dự báo vụ mùa cải dầu Canada thấp hơn kỳ vọng đã hỗ trợ giá đậu tương.
Thời tiết thuận lợi ở Nam Mỹ tiếp tục tạo điều kiện cho triển vọng thu hoạch tại Brazil và Argentina, hạn chế đà tăng của ngô và đậu tương.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cà phê, ca cao, cao su, dầu cọ đồng loạt tăng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường tăng mạnh, đặc biệt là đường thô tháng 3. Hợp đồng đường thô tháng 3/2025 trên sàn ICE tăng 0,61 cent (+2,9%) lên 21,81 cent/pound, được hỗ trợ bởi báo cáo của Chính phủ Brazil, cho thấy xuất khẩu đường của quốc gia này trong tháng 11 đã giảm xuống còn 3,39 triệu tấn, thấp hơn so với mức 3,64 triệu tấn của cùng kỳ năm trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung đường toàn cầu, đặc biệt khi Brazil là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.
Tương tự, giá đường trắng cùng kỳ hạn tăng 2% lên 561 USD/tấn, phản ánh tình trạng cung cầu không ổn định trên thị trường đường, khi các yếu tố liên quan đến sản lượng giảm của Brazil và các quốc gia xuất khẩu lớn khác tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung.
Giá cà phê cũng chứng kiến một đợt tăng giá mạnh. Cà phê Arabica tăng 5,3% lên 3,3025 USD/pound, hướng tới mức đỉnh 3,3545 USD/pound - là mức cao nhất kể từ năm 1977. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất cà phê lớn, đặc biệt là Brazil, tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá này.
Các thương nhân tại Brazil cho biết, nông dân trong nước đã bán hầu hết lượng cà phê tồn kho và hiện chỉ còn lại một lượng nhỏ. Mặc dù Brazil xuất khẩu 4,75 triệu bao cà phê trong tháng 11/2024, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nguồn cung vẫn được cho là có khả năng thiếu hụt trong nửa đầu năm 2025. Điều này khiến giá cà phê Arabica duy trì ở mức cao và có thể tiếp tục tăng trong tương lai gần.
Tương tự, cà phê Robusta cũng tăng 5% lên 5.116 USD/tấn, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ từ các quốc gia tiêu thụ cà phê lớn, cùng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Giá ca cao đã lên đỉnh cao mới trong 5,5 tháng vào ngày 6/12, tiếp tục đà tăng khi thị trường lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Hợp đồng tương lai ca cao trên sàn ICE tăng 36 pound (+0,5%) lên 7.890 pound/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 là 8.075 pound/tấn. Báo cáo từ các quỹ đầu tư cho thấy, thị trường ca cao toàn cầu đang đối mặt với mức thâm hụt từ 160.000-200.000 tấn trong mùa vụ hiện tại, đánh dấu mùa thâm hụt thứ tư liên tiếp.
Ngoài ra, lo ngại về tình hình sản xuất trong tương lai cũng tiếp tục tác động mạnh đến thị trường. Chưa kể, tồn kho ca cao toàn cầu trên sàn ICE giảm xuống mức thấp kỷ lục hơn 1,5 triệu bao, càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Giá ca cao trên sàn New York gần như không thay đổi ở mức 9.853 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 là 10.092 USD/tấn, phản ánh tâm lý lo ngại vẫn còn hiện hữu trong bối cảnh cung - cầu không cân đối.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do thời tiết ẩm ướt tại nước sản xuất hàng đầu Thái Lan gây áp lực lên nguồn cung, trong khi các nhà đầu tư đánh giá tác động về luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn Osaka (OSE) tăng 5,3 JPY (+ 1,42%) lên 378,4 JPY (2,52 USD)/kg và cả tuần tăng 4,24%. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn Thượng Hải tăng 275 CNY (+1,47%) lên 19.030 CNY (2.621,68 USD)/tấn và cả tuần tăng 3,53%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Singapore tăng 2,4% lên 208,4 US cent/kg.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm do giảm bớt lo ngại nguồn cung, khi thời tiết tại nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới Malayisa được cải thiện, song giá dầu cọ có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn Bursa Malaysia giảm 3 ringgit (-0,06%) xuống 5.132 ringgit (1.161,87 USD)/tấn, nhưng cả tuần tăng 2,29%.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |