Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 27/7-3/8: Đa phần giảm giá, nông sản xuống mức thấp nhất 4 năm

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 27/7-3/8: Đa phần giảm giá, nông sản xuống mức thấp nhất 4 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 27/7-3/8, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến nhiều loại mặt hàng giảm giá, trong đó nông sản lùi xuống mức thấp nhất 4 năm, đường về mức thấp nhất gần 2 năm…

Năng lượng: Giá dầu tiếp tục lùi xuống dưới mốc 77 USD/thùng

Giá dầu phiên cuối tuần qua (2/8) giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024 sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 đã tạo thêm ít việc làm hơn dự kiến. Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc càng gây thêm áp lực giảm cho thị trường dầu.

Kết thúc phiên này, dầu thô Brent giảm 2,71 USD (-3,41%) xuống 76,81 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,79 USD (-3,66%) xuống 73,52 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu giảm khoảng 5 USD/thùng.

Số lượng việc làm mới ở Mỹ trong tháng 7 tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.

Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ yếu đi, làm tăng nguy cơ kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, gây áp lực lên thị trường dầu.

Hoạt động sản xuất giảm ở Trung Quốc cũng kìm hãm giá, làm gia tăng lo ngại về khả năng nhu cầu dầu tăng chậm lại sau khi dữ liệu tháng 6 cho thấy hoạt động nhập khẩu và lọc dầu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu từ LSEG Oil Research cho thấy nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất 2 năm, do nhu cầu yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng trong tháng 7, do nguồn cung của Ả Rập Xê-út phục hồi và mức tăng nhỏ ở những nơi khác đã bù đắp cho tác động của việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện đang diễn ra của các thành viên khác và liên minh OPEC+ rộng lớn hơn.

OPEC trong tháng 7 đã bơm 26,70 triệu thùng mỗi ngày (bpd), tăng 100.000 bpd so với tháng 6, theo khảo sát dựa trên dữ liệu vận chuyển và thông tin từ các nguồn trong ngành. Cuộc họp của OPEC+ tuần qua đã giữ nguyên chính sách sản lượng dầu của nhóm, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu nới lỏng kế hoạch cắt giảm sản lượng từ tháng 10 tới.

Các nhà đầu tư dầu mỏ cũng đang theo dõi tình hình ở Trung Đông, nơi nhóm Hezbollah cho biết xung đột với Israel đã bước vào giai đoạn mới. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng, không có sự gián đoạn đáng kể nào đối với nguồn cung dầu từ khu vực này vì chỉ vài ngày sau vụ ám sát các nhà lãnh đạo cấp cao của các nhóm chiến binh thì giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần.

Kim loại: Giá vàng và đồng cùng giảm, quặng sắt và thép diễn biến trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng vào đầu phiên 2/8 do hy vọng Mỹ cắt giảm lãi suất sau khi dữ liệu cho thấy số việc làm mà nền kinh tế Mỹ tạo ra trong tháng 7 ít hơn dự kiến, nhưng giảm về cuối phiên do hoạt động chốt lời.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 2.432,19 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,4% xuống 2.4769,8 USD//ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 1,8% do nhu cầu mua tài sản trú ẩn an toàn tăng trong nhiều phiên, khi căng thẳng ở gia tăng Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)cắt giảm lãi suất khiến kim loại này hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 28,49 USD/ounce; bạch kim ổn định ở mức 959,16 USD//ounce và palladium giảm 1,7% xuống 889,86 USD//ounce. Cả bạc và bạch kim đều ghi nhận mức tăng hàng tuần.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng tăng nhẹ bởi kỳ vọng ngày càng tăng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất và nhu cầu đồng vật chất tăng nhẹ ở Trung Quốc, mặc dù các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh dữ liệu kinh tế ảm đạm.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,3% lên 9.082 USD/tấn, sau khi giảm 1,9% vào thứ Năm. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm.

Giá đồng trên sàn Comex của Mỹ tăng 0,5% lên 4,10 USD/lb.

Về những kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME giảm 1,4% xuống 2.263,50 USD/tấn; kẽm giảm 1,7% xuống 2.661 USD/tấn; chì giảm 1,8% xuống 2.025 USD/tấn; trong khi giá thiếc tăng 0,9% lên 30.170 USD/tấn và niken tăng 0,1% lên 16.290 USD/tấn.

Dữ liệu việc làm Mỹ mới công bố yếu hơn dự kiến khiến giá USD giảm xuống, làm cho giá những hàng hóa được tính bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Mặc dù dữ liệu nhà máy gần đây từ Trung Quốc tiếp tục kém khả quan, nhưng đã có bằng chứng về một số hoạt động mua bổ sung đồng vật chất ở quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này.

Nhà chiến lược thị trường hàng hóa Fu cho biết, người tiêu dùng hạ nguồn đã bị thu hút bởi mức giá thấp hơn sau khi đồng giảm 18% kể từ mức đỉnh kỷ lục hơn 11.000 USD/tấn vào tháng 5.

Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 9/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã giảm 1,7% xuống 73.700 CNY (10.211,57 USD)/tấn.

Có một dấu hiệu hỗ trợ giá, đó là lượng đồng lưu trữ của sàn SHFE đã giảm 2% vào thứ Sáu (2/8), nhưng vẫn không cách xa so với mức cao nhất trong 4 năm. Những người tham gia thị trường kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại tại Trung Quốc bắt đầu từ tháng 9, thời điểm tiêu thụ mạnh theo mùa.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt giao dịch tại sàn Đại Liên tăng vào thứ Sáu (2/8) nhưng cả tuần vẫn giảm khi các nhà giao dịch đánh giá hậu quả của làn sóng cắt giảm sản lượng diễn ra với khắp các nhà sản xuất thép Trung Quốc trong bối cảnh thị trường thép này đang chững lại.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 2,16% lên 779 CNY (108,09 USD)/tấn, nhưng giảm 0,13% trong tuần.

Giá quặng sắt cùng kỳ hạn trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,41% lên 104,1 USD/tấn và cả tuần tăng 0,69%.

Công ty Tư vấn Mysteel cho biết, 19 nhà sản xuất thép trên khắp Trung Quốc đã tự nguyện bảo dưỡng thiết bị từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8 để cắt giảm sản lượng, dẫn đến tổng sản lượng dự kiến giảm 1,98 triệu tấn thép xây dựng. Việc hạn chế sản xuất diễn ra sau khi biên lợi nhuận trong sản xuất thép giảm.

Biên lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp thép chủ chốt của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 là 1,1%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng lợi nhuận giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty tư vấn Steelhome cho biết.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết việc cắt giảm nguồn cung sẽ làm giảm nhu cầu quặng sắt.

Tuy nhiên, tâm lý chung của thị trường thép có thể sẽ phục hồi đôi chút, với việc sản lượng giảm giúp cân bằng động lực cung - cầu của thị trường thép Trung Quốc, theo Trung tâm Giám sát giá của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc trong một báo cáo.

Ngoài ra, tổng lượng quặng sắt nhập khẩu tồn kho tại 45 cảng lớn của Trung Quốc đã phá vỡ mức tăng trong năm tuần, giảm 1,9 triệu tấn hoặc 1,2% so với tuần trước xuống còn 150,9 triệu tấn tính đến ngày 1/8/2024.

Các thành phần sản xuất thép khác trên sàn DCE đã giảm giá, với giá than cốc và than luyện cốc lần lượt giảm 1,52% và 0,44%.

Trên sàn SHFE, giá thép cây tăng gần 0,8%; thép cuộn tăng khoảng 0,3%; trong khi giá thép thanh giảm gần 0,3% và thép không gỉ giảm 0,04%.

Nông sản: Lúa mì, ngô và đậu tương cùng lùi về mức giá thấp nhất 4 năm

Trong phiên giao dịch 2/8, giá ngô và đậu tương tương lai tại Chicago tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhất 4 năm và giảm hàng tuần do dự báo thời tiết mát mẻ, mưa nhiều ở vành đai ngô của Mỹ đã cải thiện triển vọng nguồn cung.

Giá lúa mì tương lai cũng tăng và được thiết lập để tăng hàng tuần do các nhà giao dịch cân nhắc tác động sản xuất của thời tiết bất lợi ở châu Âu và Trung Quốc, nhưng giá vẫn gần mức thấp nhất 4 năm.

Cụ thể, hợp đồng đậu tương hoạt động mạnh nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 0,4% lên 10,21 USD/bushel trong phiên 2/8, nhưng giảm 2,7% trong tuần, sau khi lùi xuống mức 10,13 USD/bushel vào thứ năm (1/8) - mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Giá ngô tăng 0,4% lên 4,00-1/4 USD/bushel, nhưng giảm 2,4% trong tuần, sau khi giảm xuống 3,95 USD/bushel vào thứ Năm (1/8) - cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Các đại lý cho biết, nông dân Mỹ đã bắt đầu bán ngô và đậu tương được lưu trữ từ vụ thu hoạch năm 2023 vì khả năng giá cao hơn đã giảm bớt và họ muốn dành chỗ cho vụ mùa sắp tới.

Công ty môi giới hàng hóa StoneX dự báo sản lượng ngô của Mỹ năm 2024 đạt 15,207 tỷ bushel và sản lượng đậu tương đạt 4,483 tỷ bushel. Những nhà đầu cơ dự đoán nguồn cung dồi dào đã tích lũy các vị thế bán ròng lớn đối với đậu tương, ngô và lúa mì của CBOT.

Giá lúa mì tăng 0,5% lên 5,34-1/2 USD/bushel và tăng 2,1% trong tuần, song vẫn gần mức thấp nhất 4 năm là 5,14 USD/bushel đạt được vào thứ Năm (1/8).

Bão và dự báo về nhiều trận mưa rào hơn có thể làm dừng vụ thu hoạch lúa mì của Pháp một lần nữa, sau khi nông dân đạt được tiến triển trong đợt nắng nóng đầu tuần này.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung kêu gọi chính quyền địa phương tìm cách giảm thiểu thiệt hại trong nông nghiệp và đảm bảo thu hoạch ngũ cốc mùa thu bội thu sau khi mưa lớn và lũ lụt tấn công Hà Nam, tỉnh trồng lúa mì lớn nhất của đất nước.

Tuy nhiên, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu là Nga vẫn giữ nguyên dự báo thu hoạch ngũ cốc chính thức và lượng mưa ở vùng nông nghiệp trọng điểm của Argentina dự kiến sẽ thúc đẩy vụ mùa lúa mì.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường giảm thấp nhất gần 2 năm; cao su, cà phê và dầu cọ diễn biến trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô giảm khi thị trường tập trung vào việc liệu triển vọng vụ mía cải thiện ở Ấn Độ có mở đường cho xuất khẩu hay không.

Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 10/2024 giảm 2,05% xuống 18,12 cent/lb. Đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 1,1% xuống 517,50 USD/tấn, có thời điểm giảm xuống 517,2 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Thị trường đang theo dõi chặt chẽ Ấn Độ, nơi lượng mưa theo mùa mạnh hơn bình thường sẽ thúc đẩy vụ mía và có thể dẫn đến lượng tồn trữ tăng. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu bất chấp áp lực từ các nhà máy xay xát.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 0,2% xuống 4.218 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 2%, chịu áp lực bởi nguồn cung cà phê conillon (robusta) từ Brazil tăng bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, giá cà phê arabica cùng kỳ hạn tăng 1% lên 2,2945 USD/lb.

Tiến độ thu hoạch cà phê 2024/25 của Brazil đã đạt khoảng 87% tính đến thứ Hai tuần trước, Công ty Tư vấn Safras & Mercado cho biết. Trong khi đó, dữ liệu do Viện Cà phê quốc gia ICAFE công bố vào thứ Năm (1/8) cho thấy xuất khẩu cà phê của Costa Rica trong tháng 7 tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Sáu (2/8) do lo ngại về những trở ngại từ phía nguồn cung. Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 4 JPY (+1,28%) lên 315,3 JPY (2,11 USD)/kg. Tuy nhiên, hợp đồng này vẫn giảm 0,76% trong tuần.

Hợp đồng cao su giao cùng kỳ hạn trên sàn SHFE tăng 150 CNY (+0,97%) lên 15.680 CNY (2.175,84 USD)/tấn.

Xu hướng cao su thiên nhiên kỳ hạn tương lai tăng rõ ràng trong phiên cuối tuần qua phần lớn do tình trạng gián đoạn nguồn cung dai dẳng, Jom Jacob - nhà phân tích trưởng tại Công ty What Next Rubber của Ấn Độ cho biết.

Cơ quan khí tượng của Thái Lan, nhà sản xuất hàng đầu, đã cảnh báo về những trận mưa lớn, thậm chí rất lớn có thể gây ra lũ quét từ ngày 2-5/8.

Giá nguyên liệu thô vẫn ổn định và đã tăng dần, một nhà giao dịch tại Singapore cho biết. Ngoài ra, gợi ý của Fed về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới khiến USD yếu hơn và các loại tiền tệ địa phương mạnh hơn đã hỗ trợ giá.

Giá dầu cọ kỳ hạn tại Malaysia ngày 2/8 hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhưng vẫn giảm hàng tuần khi đồng ringgit tăng. Cụ thể, hợp đồng dầu cọ FCPOc3 giao tháng 10/2024 trên sàn Bursa Malaysia tăng lên mức 3.875 ringgit (851,65 USD)/tấn, song cả tuần vẫn giảm 1,31%.

Trên sàn DCE, giá dầu đậu tương DBYcv1 giảm 0,13% và dầu cọ DCPcv1 tăng 0,67%. Trên sàn CBOT, giá dầu đậu tương Boc2 của Mỹ tăng 0,39%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nhà khảo sát hàng hoá Societe Generale de ước tính xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 7 đạt 1,48 triệu tấn, tăng 23,6% so với tháng 6. Các nhà khảo sát Intertek Testing Services và Amspec Agri cũng ước tính tăng 22,8-30,91% lượng xuất khẩu trong cùng giai đoạn.

Đồng ringgit của Malaysia tăng 0,42% so với USD, khiến dầu cọ trở nên đắt hơn đối với các khách mua nước ngoài. Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá dầu cọ có thể hướng đến mức 3.809 ringgit/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Tin bài liên quan