Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/5-1/6: Dầu và nông sản đồng loạt giảm giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)   Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5/2024 (từ 25/5-1/6), thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận giá vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp, cho dù đã hạ nhiệt trong tuần, trong khi giá dầu giảm về mức thấp nhất 5 tháng qua. Các mặt hàng nông sản, nguyên liệu công nghiệp cũng hầu hết giảm giá.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/5-1/6: Dầu và nông sản đồng loạt giảm giá

Năng lượng: Giá dầu giảm thấp nhất 5 tháng, khí đốt tăng mạnh nhất 10 tháng

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm vào thứ Sáu (31/5) và ghi nhận mức giảm hàng tuần, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp OPEC+ sẽ quyết định việc cắt giảm sản lượng của nhóm nhà sản xuất này.

Cụ thể, đóng cửa phiên 31/5, giá dầu Brent giao tháng 7/2024 giảm 24 cent (-0,3%) xuống 81,62 USD/thùng, hợp đồng giao tháng 8/2024 giảm 77 cent (-0,8%) xuống 81,11 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 92 cent (-1,2%) xuống 76,99 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu Brent giảm 0,6% và dầu WTI giảm 1%.

Các thị trường đang chờ đợi cuộc họp của OPEC+ với thỏa thuận cho phép họ gia hạn một số đợt cắt giảm sản lượng dầu sâu đến năm 2025.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng trong tháng 3/2024 lên mức cao nhất trong năm nay, trong khi sản phẩm nhiên liệu giảm 0,4% xuống 19,9 triệu thùng mỗi ngày.

Thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực trong những tuần gần đây do triển vọng chi phí đi vay của Mỹ sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn, điều này làm hạn chế nguồn vốn và có thể hạn chế nhu cầu dầu.

Cả hai loại dầu chuẩn đều hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2023 do tồn kho nhiên liệu của Mỹ bất ngờ tăng.

Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes BKR.O cho biết, các công ty năng lượng Mỹ giữ số giàn khoan dầu và khí đốt - một chỉ số sớm về sản lượng tương lai - ổn định ở mức 600 giàn trong tuần tính đến ngày 31/5/2024.

Số giàn khoan dầu giảm 1 giàn xuống 496 giàn trong tuần qua, trong khi số giàn khoan khí tăng 1 giàn lên 100 giàn. Tuy nhiên, tổng số giàn khoan đã giảm 13 giàn trong tháng 5/2024 - tháng giảm thứ ba liên tiếp, cũng là mức giảm nhiều nhất trong một tháng kể từ tháng 8/2023.

Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho biết, các nhà quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ròng hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu thô Mỹ trong tuần.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 1% vào thứ Sáu (31/5) do dự báo nhu cầu trong tuần này sẽ nhiều hơn dự kiến trước đó và lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiếp tục tăng. Các nhà phân tích dự báo tồn kho khí đốt cao hơn khoảng 25% so với bình thường vào thời điểm này trong năm.

Cụ thể, giá khí đốt giao tháng 7/2024 trên Sàn Giao dịch hàng hóa New York tăng 1,5 cent (+0,6%) đạt 2,587 USD/mmBtu. Tính cả tuần, giá tăng khoảng 3%, sau khi giảm khoảng 4% vào tuần trước nữa.

Trong tháng 5, hợp đồng này tăng 30% - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2022 (tăng khoảng 52%), sau khi đã tăng 13% trong tháng trước đó.

Theo Công ty Tài chính LSEG, sản lượng khí đốt tại 48 tiểu bang của Mỹ giảm xuống mức trung bình 97,8 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 5 đến nay, giảm từ 98,2 bcfd trong tháng 4. Con số này so sánh với kỷ lục hàng tháng là 105,5 bcfd vào tháng 12/2023.

Xuất khẩu LNG của Mỹ sang Mexico tăng lên mức trung bình 7,2 bcfd từ đầu tháng 5 đến nay, tăng từ 6,5 bcfd trong tháng 4 và kỷ lục hàng tháng hiện tại là 7,0 bcfd vào tháng 8 năm 2023.

Các nhà phân tích cho biết, xuất khẩu sang Mexico tăng do các máy phát điện nơi đây sử dụng nhiều khí đốt hơn để sản xuất điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng kỷ lục và khi công ty năng lượng New Fortress Energy NFE.O của Mỹ chuẩn bị bắt đầu sản xuất LNG tại nhà máy xuất khẩu Altamira của mình.

Kim loại: Giá vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp, quặng sắt và thép cũng giảm, đồng đi lên

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm do báo cáo lạm phát của Mỹ phần lớn phù hợp với ước tính, mặc dù dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, khiến vàng ghi nhận tháng tăng thứ 4 liên tiếp.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 2.326,9 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6/2024 giảm 0,9% xuống 2.345,8 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá vàng tăng 1,8% trong tháng này. Trong ngày 20/5, giá vàng đã lên mức cao nhất lịch sử 2.449,89 USD/ounce.

Tương tự, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm do sự không chắc chắn của yếu tố vĩ mô. Chốt phiên, giá bạc giảm 2,59% về 31,53 USD/ounce, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Giá bạch kim giảm 0,94% về 1.038 USD/ounce.

Trong 2 tuần trở lại đây, các quan chức Fed liên tục phát đi thông điệp rằng lạm phát tại Mỹ chưa hạ nhiệt đủ nhanh và cần giữ lãi suất cao lâu hơn. Điều này đã giảm bớt tâm lý lạc quan trên thị trường và hạn chế đà tăng của kim loại quý.

Ở nhóm kim loại màu, giá cơ bản tăng, được hỗ trợ bởi triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu, USD yếu hơn và các động thái của Trung Quốc nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, giá đồng giao sau ba tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,2% lên 10.448,50 USD/tấn.

Hợp đồng giao tháng 7/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 0,9% lên 84.600 CNY (11.673,96 USD)/tấn, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tục giảm giá.

Các nhà hoạch định chính sách quan trọng cho biết, có khả năng cắt giảm lãi suất khi lạm phát chậm lại, nhưng họ phải mất thời gian để nới lỏng chính sách.

Trong khi đó, USD giảm nhẹ sau khi khẩu vị rủi ro tăng nhẹ, nhưng giữ ở phạm vi hẹp so với các đồng tiền khác trước dữ liệu lạm phát quan trọng từ các nền kinh tế lớn trong tuần này. Điều đó khiến kim loại được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế do chi phí vay thấp hơn, tạo khả năng cải thiện nhu cầu kim loại vật chất. Ngoài ra, các nhà chức trách ở Trung tâm thương mại Thượng Hải đã nới lỏng các hạn chế mua bất động sản, điều này cũng giúp cải thiện triển vọng nhu cầu kim loại.

Dự trữ đồng trong các kho được SHFE theo dõi tiếp tục tăng cao, trên mức trung bình lịch sử vào thời điểm này trong năm. Trong khi đó, tồn kho thiếc tại kho SHFE tiếp tục tăng và phá kỷ lục mới vào thứ Sáu (31/5).

Theo đó, trên sàn SHFE, giá nhôm tăng 0,9% lên 21.190 CNY/tấn; nikel tăng 1,3% lên 154.880 CNY/tấn; kẽm tăng 0,3% lên 24.795 CNY/tấn; chì tăng 1,9% lên 18.860 CNY/tấn và thiếc tăng 1,7% lên 277.310 CNY/tấn.

Trên sàn LME, giá nhôm tăng 1,3% lên 2.697 USD/tấn; nikel tăng 0,9% lên 20.425 USD/tấn; kẽm tăng 1,4% lên 3.100 USD/tấn; chì tăng 1,6% lên 2.335,5 USD/tấn và thiếc tăng 2,4% lên 34.025 USD/tấn.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tiếp tục sụt giảm trong phiên cuối tuần qua (31/5) do nhu cầu ngắn hạn yếu và số liệu sản xuất ảm đạm từ Trung Quốc.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2024 trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,7% xuống 865 CNY/tấn và ghi nhận tuần giảm 4,7%.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2024 tại Singapore giảm 0,03% xuống 115,6 USD/tấn, giảm 4,3% so với tuần trước nữa.

Sản lượng thép trung bình hàng ngày của các nhà sản xuất giảm 0,4% trong tuần xuống khoảng 2,36 triệu tấn, theo số liệu từ Công ty Tư vấn Mysteel.

Một số nhà máy thép chọn cách tiếp cận chờ đợi và xem xét, từ đó giảm nhiệt tình hình mua quặng sắt.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 5/2024, qua đó tiếp tục kêu gọi các biện pháp kích thích mới khi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài gây sức ép lên doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Tại Thượng Hải, giá thép thanh giảm 1,78% về 3.706 CNY (511,6 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,67% về 3.833 CNY (529,13 USD)/tấn; dây thép cuộn giảm 1,27% về 3.956 CNY (546,11 USD)/tấn và thép không gỉ giảm 0,98% về 14.610 CNY (2.016,87 USD)/tấn.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Trên sàn Chicago, Mỹ (CBOT), giá đậu tương giảm phiên thứ 4 do áp lực từ các nguồn cung Nam Mỹ và giao dịch kỹ thuật, khi các nhà giao dịch điều chỉnh vị thế vào cuối tháng. Cụ thể, đậu tương kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 4-3/4 US cent trong phiên 31/5 xuống 12,05 USD/bushel và giảm 3,45% trong tuần qua - tuần giảm đầu tiên kể từ ngày 15/4/2024.

Giá ngô cũng giảm phiên thứ 4 liên tiếp do sự suy yếu trong các thị trường lúa mì. Cụ thể, ngô kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 2,5 US cent xuống 4,46-1/4 USD/bushel và cả tuần giảm 4,08%.

Tương tự, lúa mì giảm phiên thứ hai liên tiếp, do tin tức khả năng mưa có lợi tại Nga và các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá hồi đầu tuần. Cụ thể, lúa mì kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 2-1/2 US cent xuống 6,78-1/2 USD/bushel và cả tuần giảm 2,54%.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cao su và cà phê cùng giảm giá, dầu cọ giữ đà tăng

Thị trường đường thế giới tháng 5/2024 đồng loạt sụt giảm, với giá đường trắng giảm 4,59% và giá đường thô giảm 6,13% so với tháng 4/2024. Lo ngại thời tiết nắng nóng ở Thái Lan cũng như thời tiết khô hạn ở miền Trung Nam Brazil có thể gây thiệt hại cho cây mía, đã góp phần hỗ trợ giá.

Cụ thể, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn London chốt ở mức 537,8 USD/tấn. Trong tháng, mức giá cao nhất chốt ở mức 572 USD/tấn vào phiên 3/5/2024, thấp nhất ở mức 534,7 USD/tấn vào phiên 17/5/2024.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn New York chốt ở mức 18,21 Us cent/lb. Trong tháng, mức giá cao nhất chốt ở mức 19,4 Us cent/lb vào phiên 26/4/2024 và thấp nhất ở mức 18,13 Us cent/lb vào phiên 17/5/2024.

Giá đường trong nước tháng 5/2024 dao động quanh mức 21.000 đồng/kg, tương đương mức giá hồi tháng 2/2024 và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngân hàng Thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6% bởi sản xuất đường toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/24.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2024 đóng cửa phiên 31/5 giảm 150 USD (-3,5%) về 4.120 USD/tấn, giá đã lên mức cao nhất 1 tháng tại 4.388 USD/tấn vào phiên trước đó. Cà phê arabica cùng kỳ hạn cũng giảm 4,6% xuống 2,2235 USD/lb.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam được dự kiến thu hoạch 29 triệu bao cà phê (60 kg/bao) trong niên vụ 2024/25. Tình trạng thời tiết tại Việt Nam đang cải thiện, đây là tín hiệu tốt cho niên vụ 2024-2025, mùa mưa đang diễn ra và tình trạng khô hạn trước đó không đủ để làm giảm đáng kể vụ tiếp theo.

Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil đã đạt 21% tính tới ngày 28/5/2024, tăng nhẹ so với mức 20% được ghi nhận trong năm trước đó.

Cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi tăng 7 ngày trong bối cảnh chốt lời do số liệu hoạt động sản xuất của Trung Quốc yếu gây sức ép lên tâm lý, nhưng vẫn ghi nhận tuần và tháng đều tăng.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 11/2024 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên 31/5 giảm 5,2 JPY (-1,5%) xuống 341 JPY (2,17 USD)/kg. Tuy nhiên, giá vẫn tăng 2,93% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp và tăng 11,07% trong tháng. Tại Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 285 CNY xuống 15.350 CNY (2.119,23 USD)/tấn.

Giá cao su tăng mạnh gần đây có thể do giá cước vận tải đường biển tăng đột ngột do thiếu container.

Giá dầu cọ kỳ hạn tại Malaysia tăng trở lại và ghi nhận tuần tăng gần 4%. Kỳ vọng xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 5/2024 tăng 20% đã hỗ trợ giá kỳ hạn.

Cụ thể, hợp đồng dầu cọ FCPOc3 giao tháng 8/2024 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên tăng 40 ringgit (+1%) lên 4.033 ringgit (858,09 USD)/tấn và chốt phiên ở mức 4.043 ringgit (859,12 USD)/tấn.

Đồng ringgit của Malaysia tăng 0,02% so với USD. Đồng ringgit hồi phục khiến dầu cọ trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách mua nước ngoài.

Trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), giá dầu đậu tương giảm 0,25%; trong khi giá dầu cọ lại tăng 0,08%. Trên sàn Chicago (Mỹ), giá mặt hàng này tăng 0,15%.

Giá dầu hướng dương tăng gần đây khiến người mua chuyển sang tiêu thụ dầu cọ nhiều hơn. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá các loại dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Theo quy định của Bộ Thương mại Indonesia, nước này đã ấn định giá tham chiếu dầu cọ thô trong tháng 6/2024 ở mức 778,82 USD/tấn, giảm xuống so với mức tham chiếu 877,28 USD/tấn trong tháng 5/2024.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan