Năng lượng: Giá dầu giảm trở lại
Giá dầu thế giới giảm trở lại trong tuần qua khi nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bị trì hoãn ít nhất 2 tháng nữa.
Cụ thể, kết thúc phiên 23/2, dầu thô Brent giảm 2,05 USD (-2,5%) về 81,62 USD/thùng, dầu thô Mỹ (WTI) giảm 2,12 USD (-2,7%) về 76,49 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm hơn 3%. Dù vậy, những lo ngại về nguồn cung có thể khiến giá dầu phục hồi trong những ngày tới.
Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết hôm thứ Năm rằng, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (fed) nên trì hoãn việc cắt giảm lãi suất của Mỹ ít nhất vài tháng nữa, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu mỏ.
Fed đã giữ lãi suất chính sách ổn định trong khoảng 5,25-5,5%/năm kể từ tháng 7/2023. Biên bản cuộc họp tháng trước cho thấy, hầu hết ngân hàng trung ương đều lo lắng về việc nới lỏng chính sách quá nhanh.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu nhìn chung vẫn ở mức tốt, bất chấp tác động của lãi suất cao, kể cả ở Mỹ.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết, các chỉ số nhu cầu của JPMorgan đang cho thấy nhu cầu dầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày (bpd) so với tháng trước cho đến ngày 21/2. Các nhà phân tích cho biết: “điều này so với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong tuần trước, có thể tăng từ nhu cầu đi lại tăng ở Trung Quốc và châu Âu”.
Công ty Dịch vụ năng lượng Baker HughesBKR.O cho hay, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần qua đã bổ sung nhiều giàn khoan dầu nhất kể từ tháng 11/2023 và nhiều nhất trong 1 tháng kể từ tháng 10/2022. Số giàn khoan dầu, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã tăng 6 giàn lên 503 giàn trong tuần và tăng 4 giàn trong tháng này.
Kim loại: Giá vàng hồi phục, nikel bật mạnh; quặng sắt tiếp tục giảm, thép biến động trái chiều
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng trong tuần qua do USD “mềm” hơn và nhu cầu trú ẩn an toàn từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông, ngay cả khi các quan chức Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất sớm trong năm nay.
Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.040,69 USD/ounce và tăng 1,4% hàng tuần. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,9% lên 2.049,4 USD/ounce.
Chỉ số USD giảm 0,1% và giảm tuần đầu tiên trong gần 2 tháng qua sau một đợt phục hồi gần đây được xây dựng dựa trên kỳ vọng Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm trong tuần, khiến vàng thỏi định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Dữ liệu gần đây cho thấy, giá tiêu dùng và sản xuất của Mỹ cao hơn dự kiến cũng làm tiêu tan suy đoán về việc cắt giảm lãi suất sớm, tiếp tục đè nặng lên vàng thỏi. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.
Một số kim loại quý khác: Bạch kim giao ngay giảm 0,1% xuống 901,21 USD/ounce; palladium tăng 1,9% lên 986,56 USD/ounce; bạc tăng 1% lên 22,98 USD/ounce, nhưng giảm 1,8% trong tuần.
Ở nhóm kim loại màu, giá niken đang hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất 7 tháng khi phương Tây mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Cụ thể, giá niken kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,8% lên 17.525 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2023 là 17.600 USD. Cả tuần, giá tăng 7% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2023.
Hy vọng nhu cầu niken từ Trung Quốc không tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán như dự báo, chiến lược gia Al Munro của Marex cho biết. Đồng thời, giá được hỗ trợ bởi suy đoán về việc chậm phê duyệt hạn ngạch khai thác của Indonesia, điều này có thể gây thắt chặt nguồn cung quặng, CITIC Futures cho hay.
Indonesia - nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, đang xem xét các đơn xin phê duyệt hạn ngạch khai thác trong 3 năm tới. Các khoáng sản khác đang phải đối mặt với vấn đề tương tự, với xuất khẩu thiếc tinh chế của nước này giảm 99% trong tháng 1/2024.
Một số kim loại màu khác: Nhôm giảm 0,6% xuống 2.184 USD/tấn; đồng giảm 0,3% xuống 8.560 USD/tấn sau khi chạm mốc 8.608,5 USD/tấn trong phiên trước đó - cao nhất kể từ ngày 31/1/2024 và tăng gần 5% kể từ ngày 9/2/2024; kẽm tăng 0,9% lên 2.407 USD/tấn; chì tăng 0,3% lên 2.094,50 USD và thiếc tăng 0,7% lên 26.350 USD/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán,giá quặng sắt kỳ hạn tiếp tục giảm trong bối cảnh lo lắng dai dẳng về nhu cầu ở Trung Quốc, cũng như lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Brazil do tai nạn tàu hỏa.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2024 tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc chốt phiên 23/2 tăng 0,45% lên 899 CNY (124,91 USD)/tấn và giảm 6,5% trong tuần.
Quặng sắt tháng 3/2024 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,43% lên 120,2 USD/tấn trong phiên cuối tuần qua, nhưng cũng giảm 5,6% trong cả tuần.
Nguồn cung dồi dào và nhu cầu phục hồi chậm tiếp tục đóng vai trò như một cơn gió ngược trong thời gian tới, hạn chế mức tăng giá đối với quặng sắt, các nhà phân tích cho biết.
Tại Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá thép biến động trái chiều. Thép cây và thép cuộn cán nóng ít thay đổi, thép không gỉ tăng 1,63%, trong khi thanh thép giảm 0,34%.
Sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 1/2024 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước xuống 148,1 triệu tấn, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới. Sản lượng thép thô từ Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, giảm 6,9% xuống còn 77,2 triệu tấn trong tháng này.
Giá than luyện cốc và than cốc cũng giảm 0,65% và 0,44%.
Nông sản: Đà giảm chưa dừng
Trong tuần qua, giá ngô kỳ hạn tại Chicago giảm còn xuống 4 USD/bushel trong hợp đồng giao tháng trước, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, do nguồn cung khổng lồ của Mỹ và toàn cầu đè nặng lên thị trường. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2024 của CBOT đã giảm hơn 9% từ đầu tháng đến nay, mức giảm phần trăm lớn nhất trong tháng 2 kể từ năm 1975.
Tương tự, giá lúa mì CBOT quay đầu giảm, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng rãi đối với nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu toàn cầu Nga. Giá lúa mì chốt phiên giảm 1,64% xuống 5,69-3/4 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn cũnggiảm 1,08% xuống 4,14 USD/bushel do áp lực nguồn cung và khi xuất khẩu hàng tuần của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, doanh số xuất khẩu đậu tương hàng tuần của Mỹ đạt mức thấp nhất niên vụ 2023-2024 là 55.900 tấn trong tuần tính đến ngày 15/2, so với ước tính của các nhà phân tích là 300.000-800.000 tấn.
Thay vào đó, người mua chuyển sang Nam Mỹ, nơi giá đậu nành xuất khẩu của Brazil thấp hơn khoảng 1,5-1,7 USD/giạ so với Mỹ, các thương nhân cho biết.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá ca cao tăng kỷ lục, cà phê và đường giảm
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 0,21 cent (-0,9%) xuống 22,62 cent/lb và giảm 2% trong cả tuần. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 1,2% xuống 612,10 USD/tấn và giảm 4,1% trong tuần.
Các đại lý cho biết, mưa ở miền Trung Nam Brazil có thể đã cải thiện triển vọng cho vụ mía tiếp theo.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 2,85 cent (-1,6%) xuống 1,803 USD/lb, một phần do tồn kho giao dịch tăng, cả tuần giảm 3,4%. Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 2,7% xuống 3.030 USD/tấn và giảm 4% trong tuần.
Dự trữ cà phê tại sàn ICE đứng ở mức 315.827 bao, tính đến ngày 22/2/2024, tăng từ mức thấp nhất trong 24 năm là 224.066 bao vào đầu tháng 12/2023.
Giá ca cao kỳ hạn tại London và New York trên sàn ICE đã tăng gần 20% trong tuần qua để đạt mức cao kỷ lục mới vào phiên cuối tuần do được thúc đẩy bởi những lo ngại ngày càng tăng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau vụ mùa kém ở những nước trồng hàng đầu Bờ Biển Ngà và Ghana.
Cụ thể, hợp đồng ca cao London kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 286 pound (+5,6%) lên 5.348 pound/tấn, sau khi đạt kỷ lục 5.366 pound/tấn. Hợp đồng này đã tăng 18% trong tuần.
Giá ca cao New York cùng kỳ hạn tăng 6,8% lên 6.256 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao kỷ lục 6.447 USD/tấn và tăng 17% trong tuần.
Các đại lý lưu ý những khó khăn về sản xuất ở cả 2 nhà sản xuất ca cao hàng đầu thế giới là Bờ Biển Ngà và Ghana đã dẫn đến thâm hụt toàn cầu lớn trong niên vụ 2023-2024 hiện tại và những dấu hiệu ban đầu cho niên vụ 2024-2025 cho thấy một thâm hụt toàn cầu khác có thể xảy ra. Theo các đại lý, nguồn cung ca cao đang trở nên rất eo hẹp và giá có thể sẽ tăng hơn nữa, khiến nhu cầu giảm sút.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |