Năng lượng: Dầu tăng giá tuần thứ 2 liên tục
Giá dầu thế giới giảm vào thứ Sáu (20/9), nhưng ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, nhận được sự hỗ trợ từ việc cắt giảm lãi suất của Mỹ và nguồn cung của nước này giảm.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 39 cent (-0,52%) xuống 74,49 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 3 cent (-0,4%) xuống 71,92 USD/thùng. Tuy nhiên, tính cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng hơn 4% - cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp
Giá đã phục hồi sau khi giá dầu Brent giảm xuống dưới 69 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 3 năm vào ngày 10/9/2024.
Dầu đã tăng hơn 1% vào thứ Năm (19/9), một ngày sau quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Khoảng 6% sản lượng dầu thô và 10% sản lượng khí đốt tự nhiên tại Vịnh Mexico của Mỹ đã ngừng hoạt động sau cơn bão Francine, Cục An toàn và Thực thi môi trường Mỹ cho biết.
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung, đã thúc đẩy thị trường dầu mỏ.
Tại Trung Quốc, sản lượng lọc dầu đã chậm lại trong tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 8 và tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt mức thấp nhất trong 5 tháng. Nước này cũng đã ban hành đợt hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu thứ ba và có thể là đợt cuối cùng trong năm, giữ khối lượng phù hợp với mức năm 2023. Động thái này cho thấy biên lợi nhuận của nhà máy lọc dầu yếu.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở châu Á, châu Âu và Mỹ phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Kim loại: Giá vàng vượt 2.600 USD/ounce; đồng, quặng sát, thép cũng tăng
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng vọt lên trên mức 2.600 USD USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử vào thứ Sáu (20/9), kéo dài đợt tăng giá được thúc đẩy bởi thị trường đặt cược rằng Mỹ sẽ hạ lãi suất thêm nữa và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Cụ thể, vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,3% lên 2.620,63 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 1,2% lên 2.646,20 USD/ounce.
Đợt tăng giá mới nhất của vàng thỏi đã được thúc đẩy sau khi Fed khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào thứ Tư (18/9) với mức lãi suất giảm 50 điểm cơ bản, làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với vàng.
Giá vàng đã tăng 27% từ đầu năm 2024 - mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2010, khi các nhà đầu tư cũng tìm cách phòng ngừa những bất ổn do xung đột kéo dài ở Trung Đông và những nơi khác gây ra.
Xu hướng hiện tại rất tích cực đối với vàng và nếu các điều kiện thuận lợi này kéo dài, giá có thể đạt từ 2.600-2.800 USD USD/ounce trong 12 tháng tới, Kyle Rodda - nhà phân tích thị trường tài chính tại Capital.com dự báo.
Ngoài ra, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu vàng từ Thụy Sỹ lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021 trong tháng 8/2024, theo dữ liệu hải quan từ trung tâm tiêu thụ, tinh chế và trung chuyển vàng lớn nhất thế giới.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 31,03 USD/ounce; palladium ổn định ở mức 1.080,25 USD/ounce; platinum giảm 0,2% xuống 986,95 USD/ounce và giảm khoảng 0,8% trong tuần này.
Ở nhóm kim loại màu, trong phiên giao dịch ngày 20/9/2024, giá đồng tăng phiên thứ 3 liên tiếp, cho thấy xu hướng tích cực trong tuần. Sự tăng trưởng này chủ yếu do quyết định cắt giảm lãi suất gần đây của Mỹ và sự lạc quan trở lại về các biện pháp kích thích từ Trung Quốc.
Cụ thể, giá đồng giao ba tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5% lên 9.564,50 USD/tấn - gần đạt mức cao nhất trong 2 tháng qua. Hợp đồng này đã tăng 3,3% trong tuần.
Trên Sàn Giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE), hợp đồng đồng tháng 10/2024 tăng 1,3% lên 75.870 CNY (10.751,03 USD)/tấn.
Quyết định của Fed khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ với mức cắt giảm lãi suất lớn hơn dự kiến đã thúc đẩy tài sản rủi ro toàn cầu. Thêm vào đó, kỳ vọng về các gói kích thích từ Trung Quốc để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giúp củng cố tâm lý thị trường, đặc biệt là khi việc nới lỏng của Fed mang lại cho Bắc Kinh nhiều không gian hơn để điều chỉnh chính sách tiền tệ mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đồng CNY.
Mặc dù Trung Quốc bất ngờ quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn trong việc điều chỉnh hàng tháng vào thứ Sáu vừa qua, tâm lý thị trường vẫn lạc quan.
Cũng trên sàn LME, giá nhôm giảm nhẹ 0,1% xuống 2.536 USD/tấn; trong khi kẽm tăng 0,2% lên 2.935 USD/tấn; nickel tăng 0,5% lên 16.415 USD/tấn; chì tăng 0,6% lên 2.087,5 USD/tấn và thiếc tăng 1,2% lên 32.200 USD/tấn.
Trên sàn SHFE, giá nhôm tăng 0,4% lên 20.045 CNY/tấn; nickel tăng 1,1% lên 125.800 CNY/tấn; kẽm tăng 1,1% lên 24.200 CNY/tấn; chì tăng 1,4% lên 16.635 CNY/tấn và thiếc tăng 2,1% lên 261.480 CNY/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tăng trong phiên 20/6 do triển vọng về gói kích thích tiền tệ mới từ Trung Quốc nâng cao tâm lý giao dịch, nhưng vẫn giảm trong tuần do sự phục hồi kinh tế chậm của nước tiêu thụ hàng đầu này và nguồn cung toàn cầu mạnh hơn khiến triển vọng mặt hàng này trở nên ảm đạm.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) tăng 1,47% lên 689 CNY(97,82 USD)/tấn. Hợp đồng quặng sắt chuẩn giao tháng 10/2024 trên Sàn Giao dịch Singapore cũng tăng 0,09% lên 92,75 USD/tấn.
Sự hồi phục vào ngày 19/9 liên quan đến việc cắt giảm lãi suất của Fed và kỳ vọng về việc Bắc Kinh sẽ cắt giảm lãi suất, nhưng tâm lý kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nghĩa là quặng sắt vẫn cần được xem xét với tâm lý giảm giá, theo ghi chú từ trang thông tin tài chính Trung Quốc.
Trong khi đó, tồn kho quặng sắt nhập khẩu tại 45 cảng lớn của nước này đã giảm 0,5% từ 13-19/9/2024, theo ghi chú từ Công ty Tư vấn Mysteel, đồng thời cho biết doanh số bán hàng của mặt hàng này đã tăng vào ngày 19/9.
Các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn DCE cũng tăng. Giá than cốc tăng 0,63% và giá cốc tăng 0,85%. Theo đó, hầu hết chỉ số trên sàn SHFE đều tăng. Cụ thể, giá thép cuộn nóng tăng 0,75%; thép thanh tăng gần 0,3%; thép không gỉ tăng 0,45%; trong khi thép cuộn giảm 0,7%.
Nông sản: Tăng giảm trái chiều
Giá ngô và đậu tương tại Chicago, Mỹ giảm nhẹ do tiến độ thu hoạch tăng dần. Ngược lại, giá lúa mì tăng do tình trạng khô hạn ở một số vùng sản xuất lớn trên thế giới.
Cụ thể, kết thúc phiên 20/9, giá ngô trên Sàn Giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giảm 4 US cent xuống 4,01-3/4 USD/bushel và cả tuần giảm 1,81%. Tương tự, giá đậu tương giảm 1-1/4 USD xuống 10,12 USD/bushel, nhưng cả tuần tăng 0,57%. Trong khi đó, giá lúa mì tăng 3 US cent lên 5,68-1/2 USD/bushel, song cả tuần giảm 4,91%.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường ghi nhận tuần tăng cao nhất trong 50 năm, cà phê điều chỉnh giảm, cao su diễn biến trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô kỳ hạn tương lai tăng hơn 3% vào thứ Sáu (20/9) và tăng 19,2% trong tuần - mức tăng hàng tuần cao nhất từ năm 2008 do lo ngại về nguồn cung của Brazil. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2024 tăng 0,73 cent (+3,3%) lên 22,66 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất gần 7 tháng là 23,13 cent/lb.
Nhà giao dịch Wilmar hôm thứ Năm đã cắt giảm dự báo sản lượng đường của Brazil xuống 38,8-40,8 triệu tấn so với ước tính ban đầu là 42 triệu tấn trong năm nay.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn LME chốt phiên 20/9 tại mức giá 5.059 USD/tấn - cao nhất trong gần 50 năm vào thứ Hai (16/9). Giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn New York ở mức 250,75 US cent/lb, kéo dài đà giảm từ mức cao nhất trong 13 năm chạm tới hôm 16/9. Tính chung cả tuần, giá robusta giảm 217 USD/tấn và arabica giảm 8,7 cent/lb.
Có một số trận mưa rào trên vành đai cà phê của Brazil và dự báo sẽ còn mưa nhiều hơn trong thời gian tới, là lý do chính khiến giá cà phê trên 2 sàn giảm.
USDA dự báo sản lượng cà phê robusta Việt Nam sẽ giảm 1% trong mùa vụ 2024-2025 xuống 27,85 triệu bao (loại 60kg) và giảm khoảng 9% so với mùa vụ 2021-2022. Điều này phản ánh xu hướng giảm sản lượng trong dài hạn, trong khi nhu cầu khắp thế giới vẫn tiếp tục tăng.
Tại Indonesia, quốc gia cung cấp khoảng 10% sản lượng robusta toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng cao cũng đang làm thu hẹp kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của quốc gia này dự kiến vẫn duy trì ở quanh mức 250.000 tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên thứ Sáu, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng do lo ngại về nguồn cung trên khắp các khu vực sản xuất chính, ngay cả khi triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc làm giảm triển vọng nhu cầu tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới này.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 2/2025 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 6,7 JPY (-1,79%) xuống 366,7 yên (2,56 USD)/kg. Trong khi đó, hợp đồng cao su tháng 1/2025 trên sàn SHFE tăng 20 CNY (+0,11%) lên 17.875 CNY (2.534,89 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |