Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 12-19/8: Dầu ngắt chuỗi tăng giá 7 tuần liên tục, kim loại và nông sản vẫn đi lên

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 12-19/8: Dầu ngắt chuỗi tăng giá 7 tuần liên tục, kim loại và nông sản vẫn đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 12-19/8, trong khi chuỗi tăng dài 7 tuần liên tục của giá dầu chính thức dừng lại sau khi giảm 2% trong tuần, thì hầu hết các mặt hàng khác trong nhóm kim loại, nông sản… vẫn tăng.

Năng lượng: Dầu ngắt chuỗi tăng 7 tuần liên tiếp, khí LNG tăng cao nhất 5 tháng

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu vẫn tăng khoảng 1% vào thứ Sáu (18/8), nhưng tính chung cả tuần, cả hai loại dầu thô đã kết thúc đợt tăng hàng tuần dài nhất trong năm 2023 do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu.

Cụ thể, dầu thô Mỹ (WTI) tăng 86US cent (+1,1%) lên 81,25 USD/thùng và dầu thô Brent tăng 68 US cent (+0,8%) lên mức 84,80 USD/thùng.

Cả hai loại dầu đều tăng cao hơn vào thứ Sáu (18/8) sau khi dữ liệu ngành cho thấy số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ - một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai - giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp. Sự sụt giảm trong sản xuất của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến trong suốt thời gian còn lại của năm nay.

Những lo ngại đó được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước sản xuất lớn (OPEC+), đã giúp dầu Brent tăng 18% và dầu WTI tăng 20% trong bảy tuần kết thúc vào ngày 11/8/2023.

Tuy nhiên, trong tuần qua, giá dầu đã giảm khoảng 2% so với tuần trước nữa, do cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm của nước này và làm giảm nhu cầu tìm đến tài sản rủi ro.

Mối lo ngại cũng gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất để giải quyết lạm phát. Chi phí vay cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu chung đối với dầu mỏ.

Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của công ty Infrastructure Capital Management dự đoán nhu cầu sẽ ổn định ở Trung Quốc, cho dù nền kinh tế của nước này đang chậm lại và dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 75-90 USD/thùng trong những tháng tới.

Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á tuần qua tăng lên mức cao nhất 5 tháng, do nguy cơ có thể xảy ra đình công tại một số cơ sở sản xuất LNG của Úc làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Cụ thể, giá LNG trung bình kỳ hạn tháng 10/2023 tới Đông Bắc Á tăng lên 14 USD/mmBtu, từ mức 11,5 USD/mmBtu của tuần trước nữa - mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023.

Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản của thị trường khí đốt châu Âu vẫn tạo xu hướng giảm giá, với việc khu vực này đang trên đà đạt được lượng dự trữ hơn 100 tỷ mét khối vào cuối tháng 10 tới.

Giá LNG ở Tây Bắc Âu kỳ hạn tháng 9/2023 trên cơ sở xuất xưởng (DES) ở mức 12,799 USD/mmBtu vào ngày 17/8, giảm 0,70 USD/mmBtu so với khí kỳ hạn tháng 10 tại trung tâm gas TTF của Hà Lan.

Kim loại: Giá vàng, đồng, nhôm, quặng sắt… tăng, thép biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng ít thay đổi vào thứ Sáu (18/8), nhưng giảm tuần thứ ba liên tiếp do dữ liệu kinh tế khả quan gần đây của Mỹ làm tăng khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Cụ thể, vàng giao ngay kết thúc phiên ổn định ở mức 1.887,79 USD/ounce và giảm 1,4% trong cả tuần. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2023 tăng 0,1% lên 1.916,5 USD/ounce.

Giúp hạn chế đà giảm của giá vàng trong phiên này là USD giảm 0,2%, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Các thương nhân kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất trong khoảng 5,25-5,5%/năm cho đến năm 2024, trong khi chờ thông tin từ Hội nghị Thượng đỉnh Jackson Hole vào tuần tới.

Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất trong 2,5 tháng do sự phục hồi của đồng tiền của nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc sau các biện pháp hỗ trợ.

Cụ thể, đồng kỳ hạn giao 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,8% lên 8.235 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất 8.120 USD/tấn vào ngày 1/6/2023.

Giá đồng kỳ hạn trên sàn Comex của Mỹ tăng 0,7% lên 3,69 USD/lb.

Đà tăng diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm thêm thanh khoản vào thị trường để hỗ trợ các tài sản tài chính, trong khi các ngân hàng quốc doanh lớn bán USD để mua CNY.

Hỗ trợ cho mức tăng còn là chỉ số USD yếu hơn. Sự yếu kém của đồng tiền Mỹ làm cho hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.

Thực tế, đồng LME đã giảm hơn 8% từ mức cao nhất vào đầu tháng 8. Trước đó, giá đồng tăng mạnh vào tháng 7 với hy vọng Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp kích thích, trước khi giảm trở lại do các sự chậm chạp của chính phủ.

Giá các kim loại cơ bản khác cũng có sự thay đổi: Nhôm tăng 0,1% lên 2.144,5 USD/tấn; nikel tăng 2,61% lên 20.320 USD/tấn; kẽm tăng 0,5% lên 2.296 USD/tấn; chì tăng 0,9% lên 2.139 USD/tấn; thiếc tăng 0,6% lên 25.225 USD/tấn.

Về nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tăng tuần thứ hai liên tiếp do các nhà máy thép ở Hà Bắc - địa phương sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc chưa cắt giảm sản lượng, ngay cả khi nghi ngờ về nhu cầu dài hạn vẫn còn.

Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 1/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 2,94% lên 771,5 CNY (tương đương 105,87 USD)/tấn - tăng phiên thứ bảy liên tiếp.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt chuẩn tháng 9/2023 tăng 0,8% lên 106,5 USD/tấn.

Như vậy, giá quặng sắt tương lai của Singapore và của Đại Liên tăng mangh tương ứng tăng 5,1% và 3,5% trong tuần qua do có thông tin các nhà máy thép ở Hà Bắc vẫn chưa thực hiện cắt giảm sản lượng.

ANZ cho biết, xuất khẩu giảm từ Úc và Brazil đã làm giảm tồn kho quặng sắt ở Trung Quốc.

Tồn kho quặng tinh quặng sắt nhập khẩu do 64 nhà sản xuất thép Trung Quốc nắm giữ - theo khảo sát hàng tuần của Mysteel - đã giảm xuống 8,7 triệu tấn vào ngày 16/8, giảm 2,1% so với tuần trước nữa và giảm 31% so với cùng kỳ.

Mysteel Global cho biết, nhiều nhà máy đã giảm hoạt động mua quặng sắt do các biện pháp kiểm soát sản lượng thép tăng lên và tỷ suất lợi nhuận trên doanh số bán thép giảm.

Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Tòa án Mỹ, làm tăng thêm nỗi lo lây lan trên thị trường bất động sản.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, hợp đồng thanh cốt thép được giao dịch nhiều nhất giảm 0,1%; thép cuộn tăng 0,1%; thép dây giảm 0,1%; thép không gỉ tăng 0,7%.

Trên sàn Đại Liên, giá các nguyên liệu sản xuất thép khác như than cốc và than luyện cốc tăng lần lượt 2,8% và 1,5%.

Nông sản: Đồng loạt tăng giá

Giá lúa mì trên Sàn thương mại Chicago tăng gần 4% vào thứ Sáu (18/8) do nguy cơ gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen. Giá đậu tương kỳ hạn tăng phiên thứ ba lên mức cao nhất trong tháng 7 do dự báo thời tiết nóng và khô của Mỹ làm dấy lên lo ngại về căng thẳng mùa màng. Ngô kỳ hạn cũng kết thúc ở mức tăng.

Cụ thể, trên sàn CBOT, hợp đồng lúa mì tăng 23-3/4 cent (+4%) lên mức 6,39 USD/bushel. Đầu tuần qua, hợp đồng này chạm mức giá thấp nhất kể từ ngày 1/6/2023. Đậu tương tăng 23-1/4 cent lên 13,53-1/4 cent/bushel - cao nhất kể từ ngày 31/7/2023. Ngô tăng 7-1/4 cent lên 4,93 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su tăng giá, cà phê diễn biến trái chiều

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2023 tăng 0,9 cent (+0,6%0 lên 1,5 USD/lb, sau khi chạm mức thấp 1,472 USD/lb. Ngược lại, cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2023 giảm 28 USD (-1,2%) xuống 2.363 USD/tấn.

Các đại lý cà phê tại Brazil đã chốt nhiều thương vụ xuất khẩu trong tháng 7 do thấy giá cả phù hợp. Các giao dịch này có thể sẽ được chuyển hàng ngay nên số liệu xuất khẩu arabica tháng 8 của Brazil rất có thể sẽ đạt mức cao. Trong khi đó, giá cà phê robusta được dự báo sẽ kết thúc năm dưới mức hiện tại, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng hàng năm là 28%.

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng phiên thứ 4 liên tiếp và ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 10 tuần qua nhờ JPY yếu hơn, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 của Sở giao dịch Osaka tăng 2,3 JPY (+1,2%) lên 198,6 yên (1,37 USD)/kg và cả tuần tăng 1,1%. Hợp đồng cao su cùng kỳ hạn trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 15 CNY lên 12.147 CNY (1.667,19 USD)/tấn.

Tuy nhiên, hầu hết người tham gia đều đứng ngoài cuộc vì giá thực tế không giảm nhanh như hợp đồng tương lai và các chuyển động đều do diễn biến tỷ giá.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)
Tin bài liên quan