Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 11-18/11: Giá dầu, khí LNG giảm mạnh tuần thứ 2 liên tiếp, vàng và nông sản chưa dứt đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 11-18/11, lo ngại nhu cầu giảm ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới Trung Quốc và lãi suất USD tăng khi giá dầu mỏ, khí đốt ghi nhận tuần lao dốc thứ 2 liên tục, trong khi vàng và nông sản tiếp tục đi lên.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 11-18/11: Giá dầu, khí LNG giảm mạnh tuần thứ 2 liên tiếp, vàng và nông sản chưa dứt đà tăng

Năng lượng: Dầu giảm tiếp 10%, khí LNG giảm 5%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm vào thứ sáu (18/11), đánh dấu tuần giảm thứ hai, do lo ngại về nhu cầu giảm ở Trung Quốc và lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 2,16 USD (-2,4%) về mức 87,62 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,56 USD (-1,9%) về mức 80,08 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm khoảng 9% và dầu WTI giảm khoảng 10%.

Việc USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, đã đẩy giá dầu thô giảm.

Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc thấp hơn so với các quốc gia khác, song nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế gới này vẫn duy trì các chính sách nghiêm ngặt để ngăn chặn các đợt bùng phát sớm, qua đó làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã bất ngờ tụt xuống dưới mức 8% trong tháng 10/2022, củng cố nhận định của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất quy mô nhỏ hơn sau 4 lần nâng 75 điểm cơ bản liên tiếp. Theo các nhà kinh tế được Reuters khảo sát, Fed nhiều khả năng sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12/2022 xuống 50 điểm cơ bản.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm vào thứ Sáu (18/11), sau khi cơ sở xuất khẩu Freeport LNG dự kiến khởi động lại nhà máy xuất khẩu LNG ở Texas vào tháng 12 tới.

Cụ thể, giá LNG tại Mỹ giảm 6,6 cent (-1%) xuống mức 6,303 USD/mmBtu trong phiên 18/1. Hợp đồng này đã giảm hơn 5% trong tuần.

Giá khí đốt tăng khoảng 70% từ đầu năm đến nay do giá toàn cầu cao. Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm xuất khẩu, sẽ tăng từ 122,2 bcfd trong tuần này lên 125,9 bcfd vào tuần tới khi thời tiết lạnh hơn.

Kim loại: Giá vàng, quặng sắt, thép vẫn tăng; giá đồng điều chỉnh giảm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giao ngay tăng lên gần mức cao nhất 3 tháng trong đầu phiên 18/11, do việc mua vào phòng hộ sau tin tức 2 người bị tử vong bởi tên lửa tại miền đông Ba Lan gần biên giới Ukraine.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.776,64 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2022 đóng cửa giảm nhẹ 0,1 USD xuống 1.776,8 USD/ounce.

Một nhà phân tích cao cấp của OANDA cho biết, số liệu lạm phát hạ nhiệt là tin tức tốt cho vàng, nhưng vùng giá 1.800 USD/ounce là một rào cản mạnh.

Chỉ số USD tăng nhẹ từ mức thấp nhất 3 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Chủ tịch Fed tại Atlanta, Raphael Bostic cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ tích cực đang làm chậm lạm phát, dự đoán sẽ cần tăng lãi suất nhiều lần nữa để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% của Fed.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do số ca nhiễm Covid-19 tăng và hoạt động sản xuất yếu tại Trung Quốc.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,2% xuống 8.356,5 USD/tấn sau khi đạt 8.600 USD/tấn trong phiên liền trước.

Bất chấp sự phục hồi trong những tháng gần đây, giá kim loại này đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh 10.845 USD/tấn hồi tháng 3.

Một dấu hiệu nguồn cung được cải thiện, giá đồng giao ngay trên sàn LME chuyển thành thấp hơn hợp đồng giao sau 3 tháng 27,5 USD từ cao hơn 100 USD trong tháng 9 và tháng 10.

Đồng đã tăng hơn 10% giá trị trong hai tuần đầu tháng 11 do dự đoán nới lỏng việc kiểm soát Covid của Trung Quốc và lãi suất của Mỹ tăng chậm lại dấy lên hy vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại sẽ cải thiện.

Tuy nhiên, trong khi số liệu giá sản xuất của Mỹ bổ sung thêm bằng chứng rằng lạm phát có thể đang hạ nhiệt, làm giảm sự cần thiết phải tăng lãi suất Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại lớn nhất - vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

JPMorgan cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 2,9%.

Giá quặng sắt tăng do động thái nới lỏng một số hạn chế về Covid-19 và việc hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã dấy lên hy vọng phục hồi nhu cầu.

Các kim loại đen trên sàn giao dịch Thượng Hải và các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cũng tăng, ngay cả sau khi số liệu cho thấy đầu tư bất động sản tại Trung Quốc tháng 10/2022 giảm với tốc độ nhanh nhất trong 32 tháng qua.

Một số chỉ số khác cũng chỉ ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn đang vật lộn hạn chế Covid-19 và lĩnh vực bất động sản suy giảm.

Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 đóng cửa tăng 0,1% lên 719 CNY (102,08 USD)/tấn. Trước đó, trong phiên giá đã tăng lên 727 CNY/tấn, không xa mức đỉnh 5 tuần tại 735,5 CNY/tấn đã chạm tới trong phiên liền trước.

Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 1,5% lên 94,9 USD/tấn.

Sau đợt sụt giảm trong tháng 10 trong bối cảnh lo lắng về triển vọng nhu cầu, quặng sắt Đại Liên đã phục hồi 17% trong tháng này, nhưng đã mất 18% từ mức đỉnh của năm đạt tới trong tháng 6/2022.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 1% và thép không gỉ tăng 0,3%.

Sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 8,3% so với tháng 9 do những hạn chế về Covid và sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản ảnh hưởng tới nhu cầu.

Nông sản: Tiếp tục tăng giá

Ngũ cốc của Mỹ tăng do các báo cáo rằng tên lửa của Nga đã bay vào Ba Lan làm gia tăng mối lo ngại về căng thẳng chính trị leo thang.

Cụ thể, hợp đồng lúa mì trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng 9-3/4 US cent lên 8,28-1/4 USD/bushel. Ngô tăng 9-1/2 US cent lên 6,66-3/4 USD/bushel. Đậu tương cũng tăng với hợp đồng kỳ hạn tháng 1 tăng 16-3/4 US cent lên 14,57-1/4 USD/bushel.

Các nhà kinh doanh ngũ cốc cho biết đang chờ Nga đưa ra tuyên bố về báo cáo tên lửa bắn vào Ba Lan, một quốc gia thuộc NATO, điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá dầu cọ, cà phê và bông giảm; đường, cao su tiếp tục tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 0,46 US cent (+2,3%) lên 20,29 US cent/lb sau khi đạt 20,32 US cent – mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2022. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 đáo hạn phiên 18/11/2022 tăng 10,7 USD (+1,9%) lên 579,2 USD/tấn.

Các nhà máy đường Ấn Độ đang đàm phán lại và phá vỡ các hợp đồng cung cấp 400.000 tấn đường cho khách hàng nước ngoài khi giá tăng vọt sau khi chính phủ nước này cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu của năm nay. Các đại lý cho biết, thị trường đang mua vào quá nhiều về mặt kỹ thuật, dẫn đến việc giá điều chỉnh nhẹ.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa giảm 4,4% về 1,5950 USD/lb, giá đã xuống mức thấp nhất trong hơn 15 tháng tại mức 1,5755 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 1,2% xuống 1.802 USD/tấn.

Dự trữ cà phê được chứng nhận bởi sàn ICE tăng lên 468.291 bao tính tới ngày 14/11/2022, tăng tiếp từ mức thấp nhất 23 năm tại 382.695 bao thiết lập trong ngày 3/11/2022. Có 541.030 bao tại Antwerp đang chờ phân loại, vượt quá tổng số tồn kho được chứng nhận. Dự kiến cà phê mới của Brazil sẽ tới sàn giao dịch vào cuối tháng 11/2022, có thể tiếp tục gây áp lực lên giá, mặc dù các nhà rang xay muốn mua ở mức giá này.

Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 3 liên tiếp, được hỗ trợ bởi thị trường Thượng Hải đi lên và chứng khoán trong nước tăng khi Trung Quốc nới lỏng những hạn chế về Covid-19. Cụ thể, trên sàn giao dịch Osaka, hợp đồng cao su giao tháng 4/2023 tăng 2,6 JPY (+1,2%) lên 220,1 JPY (1,57 USD)/kg. Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 40 CNY lên 12.650 CNY (1.796 USD)/tấn.

Sản xuất của nhà máy Trung Quốc tăng chậm hơn dự kiến và doanh số bán lẻ bất ngờ giảm trong tháng 10 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà khi phải vật lộn với việc hạn chế Covid-19 kéo dài và suy thoái lĩnh vực bất động sản.

Kinh tế Nhật Bản quý III/2022 bất ngờ giảm lần đầu tiên trong năm do nguy cơ suy thoái toàn cầu, một đồng JPY yếu và chi phí nhập khẩu tăng mạnh gây áp lực lên giá cao su.

Kết thúc tuần giao dịch, lực bán áp đảo trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, dầu cọ thô dẫn đầu đà sụt giảm sâu với mức giảm 10% trong bối cảnh đồng Ringgit bất ngờ hồi phục và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ gia tăng.

Đồng Ringgit hồi phục khiến cho giá dầu cọ thô trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ USD, từ đó hạn chế lực mua và gây sức ép lên giá.

Bên cạnh đó, việc tồn kho tại Malaysia ở mức cao nhất trong hơn 3 năm, trong khi Indonesia vẫn đẩy mạnh xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu cải thiện rõ ràng do Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid” gây sức ép khiến giá đi xuống.

Giá bông giảm sau 2 tuần tăng liên tiếp. Số liệu bán hàng bông Mỹ trong tuần qua cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là từ Trung Quốc khi các ca mắc mới Covid-19 vẫn ở mức cao.

Điều này khiến thị trường lo ngại về nhu cầu trong thời gian tới, trong khi tiến độ thu hoạch bông tại Mỹ vẫn diễn ra tích cực gây sức ép khiến giá quay đầu giảm.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan