Năng lượng: Giá dầu giảm 6%, khí đốt giảm 4%
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua 14/10 do lo ngại suy thoái toàn cầu và nhu cầu dầu yếu, đặc biệt là Trung Quốc, làm lu mờ sự hỗ trợ từ mục tiêu cắt giảm lớn nguồn cung của OPEC+.
Cụ thể, đóng cửa phiên 14/10, dầu thô Brent giao sau giảm 2,94 USD (-3,1%) xuống 91,63 USD/thùng, còn dầu thô Mỹ (WTI) giao sau giảm 3,50 USD (-3,9%) xuống 85,61 USD/thùng. Tính chung cả tuần, hai hợp đồng Brent và WTI giảm lần lượt 6,4% và 7,6%.
Việc USD mạnh hơn làm giảm nhu cầu đối với dầu, bởi làm cho nhiên liệu này trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Các công ty năng lượng trong tuần qua đã bổ sung thêm 8 giàn khoan dầu để nâng tổng số lên 610 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết.
Trong cuộc họp chính sách ngày 5/10 tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 này. Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Trong dự báo của OPEC cho rằng nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng thêm 2,64 triệu thùng/ngày trong năm 2022, tức giảm 460.000 thùng so với dự báo công bố hồi tháng 9/2022. OPEC cũng hạ mức tăng trưởng nhu cầu của thế giới trong năm 2023.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Năm đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu cho năm nay và năm sau.
Trong khi đó, các nhà quản lý tiền tệ đã tăng giá trị hợp đồng thô dài hạn ròng và các vị thế quyền chọn thêm 20.215 hợp đồng, lên mức 194.780 hợp đông trong tuần tính đến ngày 11/10, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC) cho hay.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần ba tháng vào thứ Sáu (14/10) do sản lượng cao và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm.
Cụ thể, giá khí đốt kỳ hạn giảm 28,8 cent (-4,3%) xuống 6,453 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), gần với mức thấp nhất 3 tháng là 6,435 USD/mmBtu vào ngày 10/10 và ngày 12/10. Trong tuần, hợp đồng này giảm khoảng 4%.
Tính từ đầu năm đến nay, giá LNG của Mỹ vẫn tăng khoảng 74%.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 99,9 bcfd cho đến nay vào tháng 10, tăng từ mức kỷ lục hàng tháng là 99,4 bcfd vào tháng 9.
Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 92,8 bcfd tuần qua lên 99,3 bcfd vào tuần này khi thời tiết lạnh hơn, trước khi giảm trở lại 97,2 bcfd trong 2 tuần kế tiếp.
Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ cho đến nay đã giảm xuống 10,9 bcfd trong tháng 10 từ mức 11,5 bcfd trong tháng 9. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 12,9 bcfd vào tháng Ba.
Kim loại: Giá vàng, bạc, nhôm giảm; quặng sắt biến động trái chiều; thép tăng
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm hơn 1% trong phiên 14/10 và có tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2022, chịu áp lực giảm bởi USD tăng mạnh và lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,3% xuống 1.643,9 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 2,9%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York giảm 1,6% xuống 1.649,5 USD/ounce.
USD tăng hơn 0,6% so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Vàng thường nhạy cảm với việc tăng lãi suất, điều này thúc đẩy lợi tức trái phiếu và làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng không sinh lời.
Tương tự, giá bạc giảm 3,5% xuống 18,22 USD/ounce và có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm do tồn trữ tăng, sau thông tin Mỹ có thể cấm nhập khẩu kim loại của Nga trong tuần này.
Cụ thể, giá nhôm trên sàn London giảm 2,5% xuống 2.300,5 USD/tấn, sau khi tăng 3,1% hôm 12/10 và tăng 2,4% hôm 13/10/2022.
Tồn trữ nhôm tại London tăng thêm 41.400 tấn lên mức 367.200 tấn và tồn trữ nhôm tại Thượng Hải tăng thêm 12.293 tấn lên mức 186.804 tấn.
Giá quặng sắt tại Đại Liên có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần do lo ngại các quy định và hạn chế nghiêm ngặt về zero-Covid tại nước sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc trước thềm Đại hội Đảng.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 702,5 CNY (97,93 USD)/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore tăng 1,5% lên 93,4 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng (95,5 USD/tấn) trong tuần qua, Công ty Tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,4%, thép dây tăng 0,6% và thép cuộn cán nóng tăng 0,1%. Giá thép không gỉ đạt mức cao nhất 1 tháng, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung quặng nickel thắt chặt.
Nông sản: Lúa mì giảm giá tuần thứ 2 liên tiếp, giá ngô và đậu tương tăng
Giá lúa mì tại Mỹ giảm sau khi tăng mạnh phiên trước đó do USD tăng và kỳ vọng tiến triển trong các cuộc đàm phán để duy trì hành lang xuất khẩu ngũ cốc khu vực Biển Đen của Ukraine.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 32-1/2 US cent xuống 8,59-3/4 USD/bushel và cả tuần giảm 2,3% - tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Cùng kỳ hạn, giá ngô giảm 8 US cent xuống 6,89-3/4 USD/bushel và giá đậu tương giảm 12 US cent xuống 13,83-3/4 USD/bushel. Tuy nhiên, cả 2 mặt hàng này vẫn có tuần tăng giá, với ngô tăng 1% và đậu tương tăng 1,2%.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường nhích nhẹ, dầu cọ bật mạnh, cao su biến động trái chiều, cà phê giảm mạnh
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,03 US cent (+0,2%) lên 18,84 US cent/lb. Tính chung cả tuần, giá đường tăng 0,8%. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn London tăng 2,1 USD (+0,4%) lên 559,3 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm gần 10% trong tuần qua, xuống mức thấp nhất 1 năm, do triển vọng vụ thu hoạch tới tại Brazil được cải thiện bởi thời tiết thuận lợi, thúc đẩy hoạt động bán ra.
Cụ thể, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 5,45 US cent (-2,7%) xuống 1,967 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 năm (1,9565 USD/lb) trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá arabica giảm 9,8%.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London giảm 46 USD (-2,2%) xuống 2.051 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng theo xu hướng thị trường chứng khoán nội địa tăng mạnh, song vẫn có tuần giảm do các hạn chế Covid-19 mới tại nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc giảm, gây áp lực lên thị trường.
Cụ thể, trên sàn Osaka, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 0,6 JPY (+0,3%) lên 229,4 JPY (1,56 USD)/kg, nhưng cả tuần giảm 2,2%.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 30 CNY lên 12.830 CNY (1.788 USD)/tấn.
Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 0,2% lên 131,8 US cent/kg.
Giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 9/2022 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2020 chủ yếu do chi phí thực phẩm, hạn chế phạm vi nới lỏng chính sách hơn để thúc đẩy nền kinh tế suy yếu bởi các hạn chế Covid-19 và sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng khi Nga đe dọa rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc khu vực Biển Đen và mưa lớn tại Malaysia làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu thực vật toàn cầu.
Cụ thể, gá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 169 ringgit (+4,61%) lên 3.834 ringgit (815,74 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |