Ngay cả trước khi Iran tấn công Israel vào cuối tuần qua làm dấy lên lo ngại về một cuộc leo thang rộng lớn hơn ở Trung Đông và sự gián đoạn nguồn cung dầu, giá dầu thô đã tăng đáng kể trong năm nay. Đà tăng của giá dầu cùng với sự khởi sắc mới trên thị trường kim loại quý và các nguyên liệu thô khác đã đẩy Chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg lên mức cao nhất trong gần 7 tháng.
Giá dầu tăng khiến xăng trở nên đắt hơn ở Mỹ, và giá xăng cũng là một vấn đề chính trị nóng bỏng, đặc biệt là trong năm bầu cử. Đồng – kim loại cần thiết cho hệ thống dây điện, hệ thống ống nước và máy móc công nghiệp – đã đạt mức cao nhất kể từ vào giữa năm 2022. Giá cà phê cũng tăng vọt trong năm nay, trong khi giá ca cao tăng vọt lên mức cao kỷ lục đã khiến thị trường socola rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Mỹ tăng cao hơn dự kiến đã làm trì hoãn kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Trevor Woods, Giám đốc đầu tư của Northern Trace Capital LLC cho biết: “Đợt phục hồi mới nhất của hàng hoá khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn hơn nhiều trong việc giảm lãi suất”.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư đang quay trở lại các quỹ ETF theo dõi các chỉ số hàng hóa, với 20 quỹ ETF hàng hóa lớn nhất đã thu về khoảng 1 tỷ USD kể từ đầu tháng 3. Đồng thời, các nhà đầu tư từng tháo chạy khỏi hàng hóa trong đợt bán tháo cuối năm 2023 hiện đang quay trở lại.
Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Marex cho biết: “Lạm phát cao hơn dự kiến là một phần quan trọng trong dòng vốn đổ vào các quỹ hàng hóa, tạo ra nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư…Việc quay trở lại hàng hóa sẽ không làm tôi ngạc nhiên do chỉ số CPI gần đây không đạt như kỳ vọng”.
Trong khi lĩnh vực hàng hóa bao gồm một nhóm nguyên liệu thô đa dạng được khai thác, tinh chế hoặc thu hoạch trên thực tế ở mọi múi giờ, nhiều thành phần chỉ số quan trọng nhất đang tăng mạnh cùng một lúc. Giá nguyên liệu thô cao hơn đang góp phần vào lạm phát và đe dọa giữ lạm phát ở mức cao lâu hơn.
Dầu - thị trường hàng hóa lớn nhất và quan trọng nhất - đã tăng giá trong năm nay trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông cùng với nhu cầu cao hơn dự kiến và nguồn cung ổn định. Tuần trước, giá dầu Brent đã giao dịch ở mức hơn 92 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10.
Nhìn chung, tất cả điều này đang tạo ra nguy cơ làm tăng giá cao hơn cho người tiêu dùng. Công ty quản lý tài sản Pacific Investment Management Co. gần đây đã cảnh báo rằng Fed có thể phải tăng lãi suất nếu lạm phát tiếp tục nóng. Các thị trường hiện đang dự báo lãi suất của Fed sẽ ở mức khoảng 4,9% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với kỳ vọng 3,8% vào đầu năm nay.
Mặt khác, vàng đã đạt mức cao mới khi mối lo ngại ngày càng tăng về áp lực lạm phát thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
J.D. Joyce, Chủ tịch của Joyce Wealth Management LLC cho biết: “Fed có thể mất thời gian để nới lỏng lãi suất và nếu lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn, chúng ta có thể sẽ thấy các ngân hàng trung ương khác trên thế giới nới lỏng lãi suất trước chúng ta”.
Tuy nhiên, không phải tất cả hàng hóa đều tăng giá. Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã thấp đến mức một số nhà sản xuất phải đóng cửa giếng. Ngoài ca cao, nhiều thị trường nông sản đã ổn định hơn nhờ triển vọng nguồn cung dồi dào, đồng nghĩa với việc ít rủi ro hơn đối với giá lương thực trên toàn cầu.
Cũng không chắc chắn rằng giá dầu có thể tiếp tục tăng hay không ngay cả khi căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Bất kỳ sự gia tăng giá dầu nào do rủi ro địa chính trị cao hơn có thể bị giảm bớt do các nhà sản xuất dầu quyết định phòng ngừa rủi ro về giá và mở vị thế bán hợp đồng kỳ hạn”.
Đà tăng giá lần này của hàng hóa hiện tại sẽ kéo dài bao lâu? Mặc dù các nhà phân tích tại Macquarie Group cho biết vào tháng trước rằng giá năng lượng và hàng hóa đang bước vào “giai đoạn đầu tiên của một chu kỳ đi lên”, nhưng hầu hết các nhà quan sát không gọi đây là sự khởi đầu của một siêu chu kỳ khác.
Nếu giá đầu vào tăng quá cao, cuối cùng có thể làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa thành phẩm. Và bất kỳ hình thức suy thoái kinh tế nào do lạm phát đều có thể là tin xấu đối với Tổng thống Joe Biden khi ông cố gắng thuyết phục cử tri rằng ông đã quản lý tốt nền kinh tế trong nhiệm kỳ của mình.
Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth cho biết: “Hàng hóa là đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp và giá cả tăng cao sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng nếu giá cao hơn không thể chuyển sang về phía người tiêu dùng”.