Thị trường hàng hoá phát triển nhanh, nhưng chưa đạt kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến thị trường giao dịch hàng hoá. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa đạt đến kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân. 
Thị trường hàng hoá phát triển nhanh, nhưng chưa đạt kỳ vọng

Giao dịch hàng hóa được biết đến là kênh đầu tư tiềm năng song song với các kênh truyền thống như chứng khoán, ngoại hối… Ông có thể chia sẻ về tình hình thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam trong năm 2024?

Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam hiện nay đang có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều bước tiến đáng chú ý. Năm 2024 có thể nói là một năm biến động lịch sử của thị trường khi các mặt hàng đua nhau thiết lập đỉnh mới. Thị trường đã trải qua một năm giao dịch đầy sôi động.

Khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV năm 2024 tăng hơn 10% so với năm 2023. Giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng/ngày. Đặc biệt, ngày 19/4, thị trường ghi nhận giá trị giao dịch kỷ lục, đạt gần 11.000 tỷ đồng.

Năm 2024 cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản giao dịch, với hơn 10.000 tài khoản được mở mới, nâng tổng số tài khoản trên thị trường lên 40.000 tài khoản. Điều này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với thị trường giao dịch hàng hoá.

Theo ông, đâu là những ưu điểm của thị trường giao dịch hàng hóa để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia như hiện tại?

Trước hết, thị trường giao dịch hàng hoá có tính linh hoạt cao với giao dịch T0 và khả năng giao dịch cả hai chiều mua và bán, nên dù giá tăng hay giảm thì các nhà đầu tư đều có thể mở vị thế để thu về lợi nhuận. Đây là đặc điểm nổi bật của thị trường hàng hoá so với các thị trường truyền thống, nơi nhà đầu tư chỉ có thể kiếm lợi nhuận khi giá tài sản tăng.

Do là thị trường liên thông với quốc tế, nên tính minh bạch và thanh khoản của thị trường giao dịch hàng hóa đều rất cao. Nhà đầu tư có thể giao dịch dễ dàng, hiệu quả mà không gặp tình trạng thao túng giá.

Bên cạnh đó, với thời gian giao dịch 24 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến sáng thứ Bảy, cùng với danh mục sản phẩm phong phú, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia thị trường vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, lựa chọn khung giờ phù hợp và đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường.

Hiện nay, sàn giao dịch hàng hóa đang niêm yết giao dịch các loại hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng chênh lệch giá. Đây vừa là kênh đầu tư, vừa là công cụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại đều sử dụng các công cụ bảo hiểm giá trong hoạt động kinh doanh. Với công cụ này, các doanh nghiệp sẽ không rơi vào tình trạng bị động trước những cơn sốt giá và chủ động trong mọi diễn biến. Khi công cụ này được triển khai sâu rộng tới các doanh nghiệp, sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc MXV.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc MXV.

Là một kênh đầu tư sinh lời ắt sẽ không tránh khỏi rủi ro. Theo ông, nhà đầu tư cần lưu ý những điều gì khi tham gia thị trường này?

Trên thị trường giao dịch hàng hóa, với đặc tính T0 và tính đòn bẩy cao, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận lớn so với số vốn nhỏ ban đầu. Nhưng cùng với đó, nhà đầu tư có thể đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có thời gian cũng như kinh nghiệm cập nhật tin tức thị trường và quản lý danh mục đầu tư. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm vững kiến thức và có những phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả.

Khi tham gia thị trường, các nhà đầu tư cần lưu ý đến 6 vấn đề lớn.

Thứ nhất, tìm hiểu rõ đặc tả của hàng hóa, từ đó lựa chọn mặt hàng giao dịch phù hợp với chuyên môn, năng lực tài chính, kế hoạch kinh doanh cũng như khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Thứ hai, cập nhật diễn biến thị trường thường xuyên và đều đặn; lựa chọn phương pháp tiếp cận và giao dịch khoa học, tuân thủ các quy tắc trong giao dịch.

Thứ ba, các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư doanh nghiệp cần kiểm soát quy trình và tránh tạo lỗ hổng trong quản lý giao dịch.

Thứ tư, liên tục đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro đồng thời xây dựng phương án và lựa chọn chiến lược giao dịch và sử dụng dòng tiền phù hợp.

Thứ năm, không ngừng thực hành, làm quen với các hệ thống giao dịch demo và quan sát thời gian hợp lý để có tâm lý vững vàng trước các biến động của thị trường.

Thứ sáu, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hiểu rõ các hình thức lệnh giao dịch, tham khảo một số sự hỗ trợ từ các đội ngũ giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp.

Thị trường giao dịch hàng hoá đang ngày càng được quan tâm với những kết quả như ông chia sẻ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tại Việt Nam, thị trường này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Ông cho biết đâu là vấn đề nổi cộm hiện nay?

Được thành lập vào năm 2010, nhưng thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018 tới nay. Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã tháo nút thắt quan trọng nhất khi cho phép thị trường Việt Nam được giao dịch liên thông với các Sở Giao dịch trên thế giới. Đây là bước ngoặt giúp hoạt động giao dịch trở nên minh bạch và chuyên nghiệp, thu hút sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển và hội nhập với thị trường quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức về việc phải liên tục cập nhật, thay đổi để theo kịp các xu hướng trên thế giới.

Pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua MXV tại Việt Nam cũng chưa phát huy hiệu quả điều chỉnh, trong khi đối với thế giới, pháp luật về hoạt động này đã đầy đủ và phát huy tính hiệu quả thi hành trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ trong các chính sách, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các Bộ ngành khác có liên quan. Các quy định cần phải sớm được hoàn thiện, ban hành để phù hợp với thị trường quốc tế.

Trong năm 2024, MXV đã tích cực đóng góp ý kiến vào việc xây dựng Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, MXV sẽ có những định hướng ra sao để phát triển thị trường, thưa ông?

Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, MXV đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng khung pháp lý vững chắc. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn. Trong năm 2025, MXV sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các Luật và Nghị định liên quan, xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ và phù hợp với các quy chuẩn quốc tế.

Đồng thời, MXV đã tập trung nghiên cứu và tạo nền móng cho việc tổ chức, niêm yết giao dịch các sản phẩm đặc thù của Việt Nam như cao su, thịt heo... Việc niêm yết giao dịch tập trung trên Sàn giao dịch hàng hóa giúp giải quyết nhiều bài toán đối với từng mặt hàng cụ thể. Đây là một trong những kế hoạch trọng tâm của MXV trong giai đoạn 2023 – 2028, giúp phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam lên tầm cao mới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, MXV đã và đang tích cực phối hợp với UBND TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để sớm triển khai việc niêm yết giao dịch cao su và thịt heo trong năm 2025.

Ngoài ra, MXV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác trong nước và quốc tế, trọng tâm là các sàn giao dịch hàng hóa và các đối tác công nghệ lớn trên thế giới. Trước đó, MXV đã có chuyến thăm và làm việc với các sở tại Trung Quốc, để niêm yết giao dịch các sản phẩm của nước này. Việc liên thông với thị trường tỉ dân sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có đối các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, giúp tối ưu hóa hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm giá và đầu tư.

Tin bài liên quan