Thị trường taxi và gọi xe công nghệ thay đổi mạnh sau sự tham gia của GSM. Ảnh: Internet

Thị trường taxi và gọi xe công nghệ thay đổi mạnh sau sự tham gia của GSM. Ảnh: Internet

Thị trường gọi xe công nghệ: Lái mới tăng ga, tài già ép số

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường gọi xe công nghệ không còn là cuộc chơi của Grab, Gojek, Be nữa, khi Taxi Xanh SM đang ráo riết mở rộng hoạt động.

Tân binh tiến thần tốc

Thông tin Taxi Xanh SM tuyển giám đốc vận hành xe máy điện, tuyển dụng 20.000 tài xế xe máy điện cho thấy, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility - GSM) đang chuẩn bị cho cuộc tiến quân rầm rộ vào ngách xe máy công nghệ.

Động thái trên không quá bất ngờ bởi hồi tháng 3/2023, khi rót vốn thành lập GSM, Vingroup cho biết, mục tiêu của họ là cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi sử dụng xe VinFast, với quy mô đầu tư lên tới 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Ông Nguyễn Văn Thanh, CEO GSM cho biết: "Xe ôm điện công nghệ là một phần kế hoạch hoạt động của Taxi Xanh SM. Chúng tôi đã hoàn thiện kế hoạch và giao diện. Cũng giống các ứng dụng khác, chúng tôi phục vụ các dịch vụ giao hàng, xe ôm và taxi chạy bằng xe điện VinFast. Tất cả được tích hợp cùng ứng dụng là Taxi Xanh SM. Xe ôm điện công nghệ sẽ được ra mắt trong thời gian tới".

GSM mới chính thức hoạt động từ ngày 14/4/2023, nhưng đã mở rộng quy mô một cách thần tốc. GSM công bố đã đạt 1 triệu chuyến đi tính đến cuối tháng 6/2023, đã mở rộng quy mô tới 5 thành phố, bắt tay với 14 đối tác để bắt đầu chuyển dịch sang sử dụng taxi điện.

Ông Thanh cũng cho biết, mục tiêu của Taxi Xanh SM là phủ xanh ít nhất 27 tỉnh, thành phố trong năm 2023. Công ty sẽ vận hành 3 dịch vụ chính, gồm taxi, xe ôm công nghệ (Greenbike) và chở hàng (Greendelivery).

Không những thế, GSM cho biết đã làm việc với một số đối tác ở Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia và Philippines để đàm phán và tiến tới hợp tác triển khai dịch vụ.

Bắt đầu cuộc chiến mới

Theo báo cáo của Google Temasek Bain & Company, quy mô lĩnh vực gọi xe công nghệ (gồm vận tải và giao đồ ăn) tại Việt Nam ước đạt 3 tỷ USD vào năm 2022 và có thể lên tới 5 tỷ USD vào năm 2025. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022-2025 đạt khoảng 21%.

Trước khi có sự gia nhập của Taxi Xanh SM, thị trường gọi xe công nghệ thuộc về các “tài già” là Grab, Gojek và Be. Ba công ty này chiếm tới 99% thị phần. Tổng hợp dữ liệu cho thấy, Grab và Gojek cùng sở hữu khoảng 200.000 đối tác (gồm cả xe 2 bánh và 4 bánh), còn ứng dụng của Be Group sở hữu khoảng 300.000 tài xế. Ứng dụng giao hàng Ahamove có 100.000 tài xế. Như vậy, chỉ riêng lĩnh vực xe ôm công nghệ, các “ông lớn” đang có khoảng 600.000 tài xế.

Chiến lược gia nhập bằng xe điện của Vingroup đã tác động ngay đến thị trường gọi xe công nghệ. Sau khi thành lập, GSM đã rót vốn vào Be Group (công ty mẹ của nền tảng gọi xe công nghệ Be) nhằm hỗ trợ các tài xế công nghệ chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Hiện nền tảng Be đã đưa vào dịch vụ taxi điện của GSM thông qua tính năng beVinFast, nhưng chưa có dịch vụ gọi xe ôm chạy điện.

Trong khi đó, một đối thủ khác là Gojek Việt Nam cũng đã bắt tay với start-up xe máy điện Dat Bike trong hoạt động vận tải khách bằng xe hai bánh và giao đồ ăn tại Việt Nam.

"Việc sử dụng xe điện Dat Bike có thể giúp các đối tác tài xế Gojek hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường", đại diện Gojek cho biết.

Trên thực tế, Gojek đã cam kết loại bỏ khí thải carbon vào năm 2030, thông qua việc chuyển đổi phương tiện vận hành sang xe điện. Từ tháng 5/2021, Gojek đã công bố kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy và xe ô tô đang hoạt động trên nền tảng của Gojek tại Indonesia sang xe điện vào năm 2030, thông qua hợp tác với các nhà sản xuất và hợp đồng cho thuê.

“Gojek tham gia các dự án thử nghiệm cho phép tài xế thuê xe máy điện..., với sự hợp tác của công ty nhiên liệu quốc gia, các nhà sản xuất xe xuất xe tay ga và các tập đoàn sản xuất xe hơi nổi tiếng. Tại các nước mà Gojek đang hoạt động, trong đó có Việt Nam, Gojek tiếp tục tìm kiếm cơ hội để có thể giúp Công ty duy trì cam kết loại bỏ khí thải, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai”, đại diện Gojek cho biết.

Trong khi đó, ông lớn khác là Grab chọn Selex Motors để triển khai thử nghiệm giao hàng bằng xe điện tại TP.HCM. Đồng thời, Selex Motors cũng đưa vào hoạt động 24 điểm đổi pin tự động trên toàn Thành phố. Khi pin hết dung lượng, tài xế Grab có thể tìm và đổi pin tại các trạm đổi pin tự động thông qua ứng dụng Selex.

Cũng giống Gojek, năm 2021, Grab đã thí điểm chương trình ô tô điện tại Singapore và cho biết sẽ mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Việt Nam. Grab hợp tác với Hyundai Motor để thúc đẩy ứng dụng ô tô điện tại Đông Nam Á. Cả hai công ty sẽ khám phá các chương trình thí điểm xe điện cho tài xế và đối tác giao hàng của Grab. Các sáng kiến này nhằm hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt là chi phí sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của Grab, theo tiết lộ của CEO Grab Anthony Tan, là chi phí mạng lưới trạm sạc và pin.

Không chỉ 3 “ông lớn” taxi công nghệ phản ứng, các hãng còn lại cũng nhanh chóng thay đổi. Mới đây nhất, ngày 13/7, Công ty Vinasun tiết lộ kế hoạch “thay thế dần 3.000 xe bằng xe điện ở thời điểm thích hợp”. Tháng 6/2023, CTCP Sun Taxi ký hợp đồng mua 3.000 xe ô tô điện của VinFast. Trong khi đó, Lado Taxi ký hợp đồng mua thêm 300 xe điện VinFast, nâng tổng số xe ô tô điện lên gần 1.000 chiếc vào cuối năm nay…

Với những động thái trên, rất có thể, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam sẽ bước vào cuộc đua mới, hứa hẹn nhiều bất ngờ.

Tin bài liên quan