Cơ hội đầu tư chứng khoán sẽ rõ nét hơn khi thanh khoản trên thị trường tài chính thông suốt.

Cơ hội đầu tư chứng khoán sẽ rõ nét hơn khi thanh khoản trên thị trường tài chính thông suốt.

Thị trường giảm, tin đồn tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tin đồn nở rộ trong bối cảnh thị trường đi xuống, thanh khoản sụt giảm, giúp giá không ít cổ phiếu bật tăng, nhưng rồi nhanh chóng bị xả hàng…

Bẫy tăng giá

Nói về diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay, nhà đầu tư lâu năm Trần Phong cho biết, trong xu hướng giảm luôn xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật lẻ tẻ, với sự trợ giúp của các thông tin, có thể là tin chính thức về ngành, vĩ mô, doanh nghiệp, hoặc tin đồn, tin thổi phồng.

Tất cả các thông tin này được xới lên đều có khả năng là có chủ đích tạo giá tăng để phân phối hàng cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn dễ hưng phấn và dễ bị các tin tức dẫn dắt. Lấy ví dụ gần nhất là nhịp hồi từ ngày 15 - 20/2/2023, với loạt tin tức tích cực về bất động sản (họp giải cứu, sửa Nghị định 65), về thép (giá thép phục hồi), về cá tra (giá cá tăng)...

“Sau tất cả, thị trường và cổ phiếu vẫn tạo đáy sau thấp hơn đáy trước và tổn thương ngày càng rộng. Vì thế, nhà đầu tư cần tỉnh táo, bàng quan trước các nhịp hồi nếu có tại thời điểm này”, nhà đầu tư Trần Phong nói.

Nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm khác cũng nhìn nhận, thị trường tài chính vẫn đang đối diện với những vấn đề lớn, như không dễ dự báo về chính sách tín dụng sắp tới. Đặc biệt, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ước tính trong quý II/2023 là 93.130 tỷ đồng, quý III/2023 là 89.488 tỷ đồng, trong khi thanh khoản vẫn căng thẳng.

Thực tế, không ít đơn vị bất động sản đã và đang rao bán tài sản để bù đắp thanh khoản, tiếp tục xoay xở để tiếp cận các nguồn vốn mới, song song đó là đàm phán giãn, hoãn thời gian trả nợ cho các trái chủ, ngân hàng.

Đáng lưu ý, tin đồn nở rộ trong bối cảnh thị trường đi xuống, thanh khoản sụt giảm, tạo ra “bẫy tăng giá” (bull trap). Cuối năm 2022, đủ các thể loại tin đồn liên quan đến cổ phiếu EIB xuất hiện, đa phần xoay quanh những chuyển động cơ cấu cổ đông/nhóm cổ đông, rất nhiều cái tên được đưa ra (hiện chưa bên nào lên tiếng xác nhận).

Thậm chí, thông tin về giá thoái vốn của cổ đông ngoại SMBC, mức giá thoả thuận giữa các nhóm cổ đông… được đưa ra ở nhiều mức như 28.000 đồng/cổ phiếu, trên 3x, kỳ vọng 34.000 đồng/cổ phiếu. Đi kèm với EIB là tin đồn về VPB, vì câu chuyện kỳ vọng cổ đông Nhật Bản SMBC thoái vốn xong EIB sẽ đủ điều kiện để trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% tại VPB và mức giá cổ phiếu được rỉ tai nhau là 3x.

Sau đợt thị trường lao dốc trong nửa đầu tháng 11/2022, cộng hưởng thêm áp lực bán giải chấp, giải chấp chéo, giá nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng thấp trong vài năm qua. Mã EIB cũng vậy, bởi câu chuyện kỳ vọng giá thoái vốn ở trên và mua vào lúc mặt bằng giá thấp (có lúc về dưới 18.000 đồng/cổ phiếu), nhiều nhà đầu tư có lãi khá tốt. Vấn đề nằm ở chỗ, các tin đồn không rõ đến khi nào sẽ thành tin thật, nhưng vẫn được kéo dài, mang đến cảm giác “thương vụ” chưa xong với những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm.

Chia sẻ với người viết, nhiều nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ EIB ở vùng giá 26.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu (thị giá hiện tại là 18.000 đồng/cổ phiếu). Còn với VPB, sau nhiều nhịp tăng ngắn, tưởng chừng giá có thể bứt phá, nhưng đến nay chưa thoát khỏi xu hướng giảm.

Đầu cơ hay đầu tư

Về EIB, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho rằng, EIB đã tạm hoàn thành tái cơ cấu, mọi thứ đang dần ổn định trở lại. Lợi nhuận phục hồi tốt và Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng 35% cho năm 2023, mục tiêu đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh thị trường chung có triển vọng tăng trưởng thấp, con số tăng trưởng này sẽ là “hàng hiếm” và thu hút sự chú ý của thị trường. Đây là điểm cộng cho cổ phiếu EIB.

Nhưng điểm trừ đến từ việc EIB đã “hụt hơi” nhiều so với các ngân hàng tốp đầu. Bên cạnh đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng nhiều khả năng sẽ không mạnh trong năm 2023.

Chính vì vậy, dù EIB được kỳ vọng tăng trưởng nổi bật, nhưng đánh giá chất lượng tổng quan của Ngân hàng (nằm ở nhóm bình thường) và diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán, thì EIB được định giá ở mức P/B mục tiêu hơn 1 lần. Dựa trên lợi nhuận kế hoạch thì giá trị sổ sách mỗi cổ phần khoảng 19.500 đồng/cổ phiếu, định giá theo P/B từ 19.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu.

“Đây là con số nhà đầu tư có thể tham khảo để có chiến thuật giao dịch ngắn hạn phù hợp, còn nếu nghe theo tin chưa chính thống về các mức giá trao tay giữa các nhóm cổ đông sẽ đối diện với rủi ro tin đồn chỉ là tin đồn, tài khoản thua lỗ vì mua vùng giá cao với kỳ vọng bán với giá cao hơn theo tin đồn”, vị giám đốc phân tích trên nói.

Ở thời điểm hiện tại, EIB đã có Hội đồng quản trị mới, tín hiệu được cho là đã tạm kết thúc “game” và giới đầu tư đang chờ đợi những chuyển động mới của Ngân hàng. Trước mắt, tin vui cho các cổ đông là EIB sẽ chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, sau 10 năm không chia cổ tức.

Câu chuyện của EIB còn lan sang nhiều tổ chức khác, bởi những thông tin không chính thống đều dẫn đến có sự liên hệ giữa NVL và ông Nguyễn Văn Tuấn (thành viên Hội đồng quản trị GEX), là “cổ đông ngầm” của EIB. Các tin đồn này được không ít nhà đầu tư suy diễn là thật, khi vào trung tuần tháng 2/2023, một số công ty chứng khoán nhận được yêu cầu từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM về việc cung cấp thông tin các tài khoản giao dịch cổ phiếu EIB, trong đó có tài khoản của một quỹ ngoại.

Đầu cơ thì nương theo dòng tiền, còn đầu tư cần xoáy sâu vào doanh nghiệp.

Trước những tin đồn thất thiệt, GEX vừa phát đi thông báo gửi các nhà đầu tư. Theo đó, GEX khẳng định, những thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, cũng như xâm phạm quyền lợi của cổ đông.

“Đúng là thời của tin đồn, cái gì cũng có thể đồn được”, một nhà đầu tư ngán ngẩm viết khi nhận được những tin đồn trong “room chat”. Gần đây nhất, ngày 28/2/2023 có tin đồn về tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan - Central Retail sẽ mua lại các toà nhà trung tâm thương mại đắc địa ở TP.HCM với số vốn gần 1,5 tỷ USD, hay VHM sẽ bán/chuyển nhượng một phần bất động sản tại Hải Phòng cho nhóm ẩn danh để có thêm nguồn tiền chủ động xử lý trái phiếu đến hạn.

Thông tin Central Retail đầu tư 1,45 tỷ USD vào Việt Nam cho 5 năm tới được các “chứng sĩ” sử dụng như “bằng chứng tin cậy” cho thông tin trên. Trên sàn chứng khoán, phiên 28/2/2023, bộ ba “họ Vin” gồm VRE tăng 3,69%, VHM tăng 1,47%, VIC tăng 0,19%, các phiên sau đó giảm giá hoặc chỉ tăng nhẹ.

Ở góc nhìn thị trường, hầu hết môi giới và nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, nhóm cổ phiếu Vingroup có vốn hoá lớn nên tác động không nhỏ đến chỉ số chứng khoán, đồng nghĩa với những thông tin liên quan đến chuyển động trong tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung. Với đặc tính này, mọi thông tin không chính thống được phát ra, nhà đầu tư đều phải cẩn trọng, tỉnh táo.

Lịch sử cho thấy, nhiều “chứng sĩ” dần “bốc hơi” tài khoản vì đua theo những thông tin chưa được kiểm chứng.

“Nhà đầu tư không nên đồn đoán kẻo “lên phường” và cũng không nghe theo những lời đồn đoán để hành xử kẻo sau này hối tiếc. Đầu cơ thì nương theo dòng tiền, còn đầu tư cần xoáy sâu vào doanh nghiệp. Cơ hội sẽ rõ nét hơn khi thanh khoản trên thị trường tài chính thông suốt. Thị trường giai đoạn này tuy khó kiếm lời, nhưng cũng sẽ không phụ người tâm huyết”, nhà đầu tư Trần Phong nói.

Tin bài liên quan