Thuật ngữ này thông thường được dùng để mô tả tổng thể thị trường và các dự đoán về xu hướng thị trường, song đôi khi nó còn được sử dụng để nói về một loại chứng khoán nào đó, một mặt hàng hay cũng có thể là một ngành.
Xét về cung - cầu, khi thị trường được coi là theo chiều giá lên thì nhiều nhà đầu tư muốn mua vào cổ phiếu, trong khi rất ít người muốn bán ra, kết quả là giá cổ phiếu càng bị đẩy lên cao.
Ngược lại với thị trường giá lên là thị trường theo chiều giá xuống (bear market), trong đó giá các loại chứng khoán giảm một cách đột ngột, liên tục và kéo dài. Tất nhiên, vì giá cổ phiếu thường biến động, nên không phải sự giảm giá nào cũng làm cho thị trường trở thành thị trường giá xuống. Theo các nhà phân tích, chỉ khi có sự giảm giá ít nhất 20% của các chỉ số chứng khoán chính từ mốc giá cao nhất, trong thời gian ít nhất là 2 tháng, thị trường mới được coi là thị trường giá xuống.
Thị trường giá xuống nhìn chung không hấp dẫn nhà đầu tư, song đây lại là cơ hội tốt để nhà đầu cơ giá xuống thu lợi lớn. Khi thị trường có dấu hiệu đi xuống, nhà đầu cơ nhạy bén lập tức vay một lượng cổ phiếu lớn, rồi bán ngay theo thị giá (đối với thị trường được phép thực hiện nghiệp vụ bán khống chứng khoán). Sau một thời gian, giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, họ mua ngược trở lại, trả hết số cổ phiếu đã vay và hưởng phần chênh lệch.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân biệt rõ thị trường giá lên và thị trường giá xuống với bẫy tăng giá và bẫy giảm giá, bởi loại bẫy này rất nguy hiểm đối với nhà đầu tư ngắn hạn, thích lướt sóng. Bẫy tăng giá (bull trap) xuất hiện trong xu hướng thị trường đi xuống, là một tín hiệu giả cho thấy, dường như chứng khoán đang có dấu hiệu đảo chiều, bắt đầu tăng giá sau một đợt sụt giảm. Nhưng thực tế, chứng khoán quay trở lại xu thế giảm sau tín hiệu phục hồi đó. Nó như một cái bẫy đánh lừa nhà đầu tư mua vào vì họ nghĩ rằng, chứng khoán đã đi lên. Bẫy tăng giá thường được một số nhà đầu tư lớn giăng ra, khi họ muốn tiếp tục mua cổ phiếu với giá hời hoặc khi họ thực hiện giao dịch bán khống. Trái lại, bẫy giảm giá (bear trap) xuất hiện trong xu hướng thị trường đi lên, là một tín hiệu giả cho thấy, dường như chứng khoán đang có dấu hiệu đảo chiều, bắt đầu giảm giá sau một đợt tăng liên tiếp. Nhưng thực tế, chứng khoán lại quay trở lại xu thế tăng sau tín hiệu đi xuống đó. Nó như một cái bẫy đánh lừa nhà đầu tư bán ra vì họ nghĩ rằng, chứng khoán đã quay đầu bước vào thời kỳ đi xuống.