Thị trường du lịch inbound: Visa chưa thông, phục hồi còn chậm

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp chậm phục hồi thị trường inbound phần lớn là do nhiều du khách còn vướng mắc thủ tục xin visa.
Thị trường du lịch inbound: Visa chưa thông, phục hồi còn chậm

Vướng víu Visa

Tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” tổ chức tại TP. HCM, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, Việt Nam đón hơn 700.000 lượt khách quốc tế, đạt 15% kế hoạch năm 2022 và bằng 8% cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Indochina Quảng Ninh, thị trường inbound đang phục hồi chậm, phần lớn là do nhiều du khách còn vướng mắc thủ tục xin visa nên phải điều chỉnh kế hoạch hoặc đổi chuyến sang các quốc gia khác

Chia sẻ nhận định này, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Event cho hay, thị trường khách châu Âu sẽ tiếp tục sẽ gặp khó vì vấn đề thiếu chuyến bay và chính sách visa Việt Nam chưa đủ tốt.

“Mùa hè này xem như không thể cứu vãn, nhưng mùa thu đông vẫn có cơ hội nếu thay đổi chính sách visa từ miễn 15 ngày lên 30 ngày. Hoạt động thu phí cần đơn giản hóa với quy trình cấp visa đoàn, visa lẻ… để đáp ứng xu hướng tham quan kết hợp Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái... của du khách", ông Toản nói.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, vấn đề visa là nội dung đã được ghi trong luật du lịch, nên cần có kiến nghị đề xuất với các bộ ngành liên quan để sớm tháo gỡ

Xu hướng du lịch quốc tế thay đổi

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, sau đại dịch Covid-19, một số xu thế du lịch mới đang hình thành và tăng trưởng như: Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe (Thiền, Detox, truyền thống…), trải nghiệm thiên nhiên bảo vệ môi trường, trải nghiệm văn hóa và đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, vừa nghỉ dưỡng dài hạn vừa làm việc online…

Ngoài ra, thay vì lựa chọn những sản phẩm đơn thuần, nhiều du khách hướng đến các tour du lịch mới nhằm trải nghiệm bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, đa số du khách đã định hình về điểm đến thông qua xu thế, định hướng của truyền thông hoặc trực tiếp tiềm kiếm thông tin điểm đến, sản phẩm du lịch trên internet…

Hiện tại, nhiều đoàn khách inbound đang yêu cầu các tour du lịch hướng đến sức khỏe, thiên nhiên, du lịch bền vững… bắt buộc doanh nghiệp nhanh chóng khảo sát thị trường và chuẩn bị các sản phẩm theo xu hướng mới.

Doanh nghiệp du lịch tiếp thị quảng bá sản phẩm

Doanh nghiệp du lịch tiếp thị quảng bá sản phẩm

Doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm

Theo ông Dũng, sự thay đổi nhu cầu của du khách đang là cơ hội và thách thức lớn với từng doanh nghiệp. Đây là giai đoạn cho ngành du lịch Việt Nam trở mình và có thể phát triển nhanh chóng trong thời gian tới

Theo ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc Công ty Vplus Việt Nam, doanh nghiệp đã tổ chức các giải thể thao trực tuyến như: chạy, bơi, đạp xe… và tích hợp cổng đăng ký dịch vụ du lịch khi người tham gia tới tham dự sự kiện thật tại điểm đến, giúp khách hàng trải nghiệm từ online tới offline.

Trong lựa chọn điểm đến hấp dẫn, ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Saco Travel thông tin: “Sắp tới chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cho Tây Ninh vì địa phương này mới. Ngoài ra, văn hóa, ẩm thực, cơ sở hạ tầng đang phát triển và thời gian di chuyển ngắn nên rất được kỳ vọng thu hút khách du lịch quốc tế đến theo mô hình trải nghiệm”.

Doanh nghiệp Việt đa dạng hoá sản phẩm để thu hút du khách

Doanh nghiệp Việt đa dạng hoá sản phẩm để thu hút du khách

Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc Sản phẩm Vidotour Indochina Travel cho hay, du lịch nội địa và quốc tế đang được doanh nghiệp này phân loại, tạo ra đa dạng sản phẩm mới trong các tour như: Văn hóa, khám phá, nghĩ dưỡng…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần làm mới các dòng sản phẩm đang được khai thác như: Du lịch biển đảo, sinh thái và đô thị. Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, du lịch kết hợp chữa bệnh…

Tin bài liên quan