Thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang đạt doanh thu khoảng 133 triệu USD.
Các doanh nghiệp mong muốn chính sách cần thông thoáng hơn nữa, kịp thời hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển.
Cuộc “lật đổ” của doanh nghiệp Việt
Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính, thị trường đám mây công cộng thế giới đạt khoảng 266 tỷ USD trong năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng 17,3%. Hơn 1.300 tỷ USD ngân sách dành riêng cho các hoạt động công nghệ thông tin sẽ chịu ảnh hưởng khi doanh nghiệp “lên mây” vào năm 2022.
Còn số liệu của Viettel IDC chỉ ra rằng, thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang đạt doanh thu khoảng 133 triệu USD. Theo dự báo, đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên của thị trường mới nổi này.
Khảo sát của Viện Giá trị doanh nghiệp IBM (IBV) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch tăng tỷ lệ chi tiêu cho mảng đám mây lai (kết hợp giữa các nền tảng điện toán đám mây với một nền tảng đám mây nội bộ) từ 41% lên 43% vào năm 2023. IBV cũng đưa ra dữ liệu có đến 56% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng nền tảng quản lý đám mây.
Trước đây, 80% thị phần điện toán đám mây tại Việt Nam nằm trong tay các ông lớn xuyên biên giới như Amazon, Google, Microsoft, IBM…, 20% còn lại thuộc doanh nghiệp Việt Nam như VNPT, Viettel, VNG, CMC, NetNam, nhưng năm 2020 đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khối nội khi Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (Vietnam Cloud Computing and Data Center Club - VNCDC) ra đời vào cuối năm 2019 và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ này tới doanh nghiệp Việt.
"Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tạo cú hích thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt tới 40%", ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia.
Công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng, thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây.
Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn hơn bao giờ hết trên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG chia sẻ, với trung bình 1,7 GB mỗi người tạo ra một ngày, dữ liệu đang là nguồn tài nguyên vô hạn.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra tại Việt Nam là làm thế nào các doanh nghiệp trong nước có thể xử lý được hàng tỷ GB dữ liệu thô này, để tạo ra giá trị, thay vì 99% đang do các doanh nghiệp nước ngoài xử lý như hiện nay, cũng như tạo dựng được cho người dân niềm tin rằng dữ liệu cá nhân của họ đang được tôn trọng, được bảo vệ.
Cần khai thông chính sách
Quy mô, nhu cầu lớn, nhưng để khai thác hiệu quả, chiếm được thị phần từ tay các nhà cung cấp nước ngoài mạnh về hạ tầng, kinh nghiệm, giàu về tài chính là điều không hề đơn giản đối với các nhà cung cấp Việt Nam.
Theo Báo cáo nghiên cứu của Topdev, tại Đông Nam Á, doanh thu từ thị trường điện toán đám mây ước lượng đạt 40 tỷ USD trong năm 2025.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Viettel IDC, thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, trong khi doanh nghiệp nội mới chiếm dưới 20% con số mà người dùng đang chi trả.
Như vậy, chúng ta còn khoảng khai thác rộng về thị trường. Doanh nghiệp Việt mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều, trong khi mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng điện toán đám mây rất nhanh, đặc biệt trong thời Covid-19, bùng nổ dịch vụ trực tuyến.
“Chỉ cần Nhà nước thay đổi chính sách cho phù hợp thực tế, thậm chí trong một quý đã phải có chính sách mới cho doanh nghiệp phát triển. Tư duy chính sách phải như cơm ăn nước uống, liên tục đáp ứng. Chính sách ra đời phải đón đầu, thúc đẩy hơn là để quản lý. Các doanh nghiệp cần đoàn kết kiến nghị chính sách để đề xuất lên cơ quan quản lý nhà nước tìm ra giải pháp quản lý hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp”, ông Nam phát biểu.
Còn ông Tống Mạnh Cường, Giám đốc sản phẩm, Công ty VNPT IT thì kiến nghị, Chính phủ nên có hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thực sự, tạo nguồn cầu để đơn vị cung cấp dịch vụ.
Chính phủ cũng phải xây dựng hạ tầng đám mây của Chính phủ để đưa tất cả dịch vụ lên. Đó cũng là cơ hội của các doanh nghiệp, vì khi có người dùng, khi có cầu thì cung mới lên được.
Ông Vũ Minh Trí, CEO VNG Cloud thì đề xuất, nền tảng của chuyển đổi số là dữ liệu và kết nối dữ liệu, do đó, cơ chế và các quy định về chia sẻ, quản lý dữ liệu rất quan trọng. Làm sao để vẫn bảo đảm riêng tư cá nhân, vừa tạo điều kiện cho chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp, để doanh nghiệp có một hành lang cung cấp dịch vụ tới khách hàng.