Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4

Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, điều nhà đầu tư quan tâm là diễn biến thị trường sẽ như thế nào, VN-Index có thể thoát được xu hướng giảm, thanh khoản thấp không? hay hiệu ứng “Sell In May, Go Away’ liệu có xảy ra?

Tính chung trong tháng 4/2024, chỉ số VN-Index giảm 74,5 điểm, tương ứng giảm hơn 5,8% xuống 1.209,52 điểm. Đồng thời, thanh khoản cũng giảm mạnh với sự xuất hiện của nhiều phiên chỉ quanh mức 15.000 tỷ đồng.

Trong tháng 4 năm ngoái, năm 2023, thị trường giao dịch cũng rất ảm đạm và đa phần giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng/phiên, và biên độ dao động giá của VN-Index phần lớn chỉ ở mức thấp và tổng cộng giảm hơn 15,5 điểm trong tháng này về gần 1.050 điểm.

Về diễn biến các chỉ số chính, nếu xét riêng về tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 19 năm qua, VN-Index đa số tăng điểm (11 lần tăng, 7 lần giảm, cùng mức giảm không đáng kể trong năm 2023), trong khi HNX-Index khá cân bằng (10 tăng và 7 giảm và một tuần gần như không đổi).

Với VN-Index, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ lễ trong 18 năm là năm 2011 với mức tăng 5,18%, trong khi năm giảm mạnh nhất là năm 2018 với mức giảm 6,22%. Tuần trước kỳ nghỉ lễ năm nay 2024, VN-Index tăng gần 3%.

Trong khi đó, với HNX-Index năm có tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ lễ là năm 2009 với mức tăng 4,36%, trong khi giảm mạnh nhất là 8,96%. Trong tuần trước kỳ nghỉ lễ năm nay, HNX-Index tăng 2,7%.

Trong tuần giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ, tuần tăng điểm mạnh nhất của VN-Index là vào năm 2009 với mức tăng gần 14% và giảm mạnh nhất là vào năm 2014 khi mất gần 6,2%.

Đối với HNX-Index, tuần tăng mạnh nhất cũng là vào năm 2009, và giảm sâu nhất cũng tương đồng với VN-Index khi cũng là tuần sau kỳ nghỉ năm 2014.

Thống kê các chỉ số VN-Index và HNX-Index trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 các năm qua:

Năm

Tuần trước kỳ nghỉ

Tuần sau kỳ nghỉ


VN-Index

HNX-Index

VN-Index

HNX-Index

2006

+0,69

-

-0,27%

-

2007

-4,64%

-8,96%

+2,52%

-0,48%

2008

+1,26%

+0,1%

-4,22%

-8,8%

2009

+3,79%

+4,36%

+13,68%

+14,11%

2010

+2,47%

+0,76%

-0,06%

+2,61%

2011

+5,18%

-0,41%

-1,54%

-1,07%

2012

+1,73%

+2,71%

+0,54%

+1,77%

2013

+0,27%

0%

+0,15%

+1,2%

2014

-0,16%

-0,93%

-6,15%

-7,07%

2015

-0,6%

+0,2%

-1,4%

-2,97%

2016

+0,99%

-0,32%

+1,36%

-0,38%

2017

+0,75%

+0,75%

+0,36%

+0,19%

2018

-6,22%

-7,50%

-2,2%

-0,1%

2019

+1,4%

+1,5%

-2,65%

-1,06%

2020

-0,97%

-0,12%

+5,8%

+2,97%

2021

-0,73%

-0,66%

+0,2%

-0,67%

2022

-0,9%

+1,9%

-2,73%

-6,11%

2023

0%

+0,2%

+2,53%

+3,36%

2024

+2,95% +2,73%

-

-

Trong tháng giao dịch tiếp theo, tháng 5 với hiệu ứng hay được nhắc tới là “Sell In May, Go Away” - “Bán trong tháng 5 và đi chơi”, do thường là khoảng thời gian thiếu vắng thông tin hỗ trợ, khiến cho tâm lý giao dịch không quá tích cực, nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân hơn.

Mặc dù vậy, theo thống kê của Báo đầu tư Chứng khoán, trong tháng 5 của 18 năm giao dịch vừa qua, hiệu ứng “Sell In May, Go Away” lại khá cân bằng với 9 lần tăng và 9 lần giảm.

Nhìn chung khoảng 5, 6 năm trở lại đây, tháng 5/2018 là tháng giảm mạnh nhất, tuy nhiên, việc VN-Index tăng nóng 48% trong năm 2017 và tăng tiếp 17% trong quý I/2018 thì điều dễ hiểu là khi tâm lý chốt lời mạnh gia tăng, diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, TTCK thế giới điều chỉnh giảm, nên tác động cộng hưởng càng lớn, khiến VN-Index đã mất 7,52%.

Bên cạnh đó là tháng 5/2020, khi đời sống xã hội bị đảo lộn với dịch Covid-19 hoành hành, nhưng thị trường lại bật tăng mạnh mẽ, với hiệu ứng dòng tiền của thế hệ nhà đầu tư mới – F0, thanh khoản đạt hơn 111.682 tỷ đồng, tăng gần 33% so với tháng trước đó và giúp VN-Index tăng 12,4%, chỉ đứng sau tháng 5/2009 và tháng 5/2007, thời điểm “sơ khai” của thị trường.

Trong tháng 5 gần nhất, năm 2023, chỉ số VN-Index tăng 2,48% so với tháng trước đó. Khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 711,17 triệu cổ phiếu và 12.205 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 10,91% và 9,75% so với tháng 4/2023.

Tháng 5 năm 2023 này sẽ diễn biến ra sao ?

Việc hệ thống KRX một lần nữa ‘lỡ hẹn” vận hành trong tháng 5 và kỳ vọng này có lẽ là điểm nhấn được mong chờ nhất, trong thời điểm vùng trũng thông tin, khi các báo cáo tài chính, họp đại hội cổ đông đều đã được công bố trước và trong tháng 4, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý II phải hết tháng 6, đầu tháng 7 mới được công bố.

Một vấn đề cũ, nhưng vẫn đang là nỗi lo đối với đà hồi phục của thị trường trong cả ngắn và dài hạn là tình hình trái phiếu doanh nghiệp, khi hoạt động mua lại trước hạn vẫn trầm lắng. Theo đó, lũy kế từ đầu năm mới chỉ có khoảng hơn 13.100 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ. Trong khi con số đáo hạn sẽ đạt đỉnh trong quý II này với tổng giá trị rơi vào khoảng 72.000-74.000 tỷ đồng.

Đáng kể là tính đến cuối tháng 4/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 193.600 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Trong khi đó, tình hình bên ngoài cũng vẫn có những rủi ro nhất định với chứng khoán Việt, với việc Fed có thể không cắt giảm lãi suất như dự kiến, bởi những dữ liệu gần đây chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và lạm phát chưa hạ nhiệt đủ nhanh. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến đồng USD đang rất mạnh và có tác động rõ ràng đến nhiều mặt của nền kinh tế trong nước, trong đó có thị trường chứng khoán. Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đối với tỷ giá là một ví dụ.

Mặc dù vậy, không phải không có những tín hiệu tích cực đối với thị trường, khi trong ngắn hạn VN-Index đã vượt qua đường MA100. Chỉ báo RSI đại diện cho sức mạnh tương đối tiếp tục hướng lên sau khi hình thành đáy, cho thấy nhịp phục hồi vẫn đang tiếp diễn.

Trong trung và dài hạn, kỳ vọng về hệ thống KRX được triển khai sẽ là sự hỗ trợ lớn, khi mở ra cơ hội có thêm các sản phẩm mới, góp phần tăng sức hấp dẫn đối với thị trường.

Thêm vào đó là tiếp tục tiến tới, đáp ứng được các tiêu chí để nâng hạng thị trường từ FTSE. Nếu được nâng hạng vào nhóm thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market), ước tính tỷ trọng của thị trường Việt Nam vào khoảng 0,7-1% trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index, từ đó có thể thu hút từ 800 triệu - 1 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các quỹ ETF.

Diễn biễn của các thị trường chứng khoán thường có xu hướng tích cực khi có thông tin được thêm vào danh sách theo dõi hoặc chấp thuận nâng hạng chính thức. Các trường hợp điển hình như: Chỉ số Karachi của Paskistan đã tăng 300% sau khi được chấp thuận nâng hạng vào năm 2009; Kuwait tăng 53%, Qatar tăng 20%....

Ngoài ra, hầu hết các thị trường trong nhóm thị trường mới nổi hạng hai cũng có mức định giá tích cực hơn, với mức P/E trung bình vào khoảng 15,1 lần, cao hơn khoảng 20% so với các thị trường cận biên.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 của các năm qua:

Năm

VN-Index

HNX-Index

2006

-9,5%

-

2007

+17,06%

+1,35%

2008

-20,73%

-29,45%

2009

+27,99%

+25,33%

2010

-6,44%

-8,95%

2011

-12,29%

-16,87%

2012

-9,41%

-7,25%

2013

+9,25%

+10,73%

2014

-2,76%

-5,05%

2015

+1,27%

+0,58%

2016

+3,35%

+1,54%

2017

+2,80%

+4,88%

2018

-7,52%

-6,3%

2019

-1,9%

-2,47%

2020

+12,4%

+2,78%

2021

+7,15%

+12,8%

2022

-5,42%

-13,7%

2023

+2,48%

+7,4%

Tin bài liên quan