Nhu cầu nhà ở tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM là rất lớn.

Nhu cầu nhà ở tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM là rất lớn.

Thị trường địa ốc “trở mình” đón năm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều dự án nhà ở được đồng loạt tái khởi động hoặc xây mới tại nhiều địa phương trên cả nước sau thời gian dài im ắng đang cho thấy sự “trở mình” mạnh mẽ của thị trường địa ốc trước thềm năm mới.

Tái khởi động cuộc chơi

Trao đổi bên lề một hội nghị về thị trường bất động sản tại Vĩnh Phúc mới đây, đại diện Công ty cổ phần Thép Việt Đức cho hay, trong tháng 12 này hoặc muộn nhất là trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Xuyên.

Bên cạnh đó, dự án khu đô thị của doanh nghiệp này cũng đang được ráo riết triển khai để đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2025.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Newland cho biết, chủ đầu tư này đang chuẩn bị khởi công 1.400 căn nhà ở xã hội trong Khu đô thị Tân Phú Hưng mở rộng tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Một chủ đầu tư tầm trung khác cho hay, đang tiến hành những bước cuối cùng để triển khai dự án nhà ở xã hội tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam vừa đi qua chu kỳ biến động và đang có dấu hiệu hồi phục, trong đó loại hình chung cư có sự biến chuyển rõ nét nhất. Về tổng quan, Hà Nội là thị trường có sự sôi động sớm và lan tỏa dần ra các thị trường khác.

Tại nhiều nơi, các sự kiện kickoff cho các dự án diễn ra nhiều hơn. Đơn cử, dự án Caraworld Cam Ranh (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), Himlam Boulevard (huyện Thường Tín, Hà Nội) hay The Nelson (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa ra hàng đã nhận về lượng booking “khủng”; dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) vừa được cấp phép xây dựng nhưng đã thu hút lượng lớn người quan tâm, khiến các môi giới giao bán chênh lên đến 400 triệu/suất…

Thậm chí, cả dự án đã “chết lâm sàng” như Khách sạn Grand Hotel FLC Quảng Bình cũng được khởi động trở lại. Nhiều thông tin cho thấy, các dự án thuộc “họ FLC” đang thu hút sự quan tâm lớn từ khối ngoại. Tất cả những diễn biến trên dù chưa tạo thành một con sóng mới, nhưng cũng phần nào cho thấy sự “trở mình” mạnh mẽ của thị trường địa ốc trước thềm năm mới.

Dữ liệu thống kê từ Batdongsan.com.vn cũng thể hiện mức độ quan tâm của người tiêu dùng tới bất động sản đang tăng nhanh ở nhiều thị trường, chứ không riêng Hà Nội.

Đơn cử, ở khu vực miền Trung, trong quý III/2024, nhu cầu tìm kiếm chung cư tại Bình Định tăng 23% so với quý đầu năm; Đà Nẵng tăng 45%; Thừa Thiên Huế tăng 65% và cá biệt, tại Quảng Bình tăng tới 516%...

Nhiều dự án nhà ở được triển khai trước thềm năm mới. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều dự án nhà ở được triển khai trước thềm năm mới. Ảnh: Dũng Minh.

Riêng tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh chung cư, phân khúc nhà riêng và đất nền cũng được quan tâm nhiều và phân hóa theo từng khu vực, chẳng hạn các huyện Phong Điền, Hương Thủy tăng 33%; TP. Huế tăng 42%, huyện Hương Trà tăng 44%; huyện Quảng Điền tăng 78%...

Theo ông Hà Nghiệm - Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới sản phẩm chung cư tại miền Trung gần đây gia tăng đáng kể và vấn đề được nhà đầu tư đề cao khi tìm mua là pháp lý dự án và chất lượng xây dựng.

Đây là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu khi lựa chọn dự án với 70% người có nhu cầu cho biết họ ưu tiên tính pháp lý và 51% coi chất lượng xây dựng là điều kiện tiên quyết.

Dòng tiền dịch chuyển

Đại diện một đơn vị tư vấn cho hay, một điều khá thú vị là trong khi nhiều người nghĩ rằng giá căn hộ tại Hà Nội tăng mạnh nhất thời gian qua, nhưng các dữ liệu thị trường lại cho thấy, Đà Nẵng mới là địa bàn giá căn hộ lập đỉnh.

Cụ thể, trong quý III/2024, mặt bằng giá chung cư Đà Nẵng đã xác lập mốc mới, từ 28 triệu đồng/m2 lên 55 triệu đồng/m2, tương ứng tăng 95% so với quý đầu năm. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ.

Theo vị này, nếu vào thời điểm đầu năm 2024, dòng tiền có xu hướng chảy ngược từ Nam ra Bắc (cụ thể là từ TP.HCM ra Hà Nội - PV) và đổ dồn vào phân khúc căn hộ, thì từ đầu quý III lại quay ngược vào Nam.

Nhiều nhà đầu tư Hà Nội đã tìm kiếm sản phẩm căn hộ tại TP.HCM để đầu tư. Bản thân các nhà đầu tư TP.HCM cũng quay về với thị trường quen thuộc này nhiều hơn sau thời gian vài quý hướng ra Bắc.

“Đáng chú ý, không chỉ khu vực trung tâm, cả 2 nhóm nhà đầu tư này đều ‘để mắt’ tới các thị trường vùng ven TP.HCM. Nhiều nhà đầu tư cho biết, chỉ với 3 tỷ đồng/suất đầu tư là có thể đầu tư bất động sản vùng ven TP.HCM, còn với 5 tỷ đồng/suất đầu tư thì có nhiều lựa chọn. Dù vậy, số lượng giao dịch chưa nhiều, không phải vì nhà đầu tư chưa quyết liệt, mà bởi họ có nhiều sự lựa chọn nên phải cân nhắc”, vị đại diện đơn vị tư vấn trên chia sẻ thêm.

"Chúng ta đang chứng kiến những đột phá về thể chế, khung khổ pháp lý và thực thi pháp luật. Cùng với đó là đại cách mạng về cải cách bộ máy, công khai minh bạch hơn, thủ tục hành chính ít đi, đây là cơ hội rất lớn cho thị trường bất động sản thời gian tới”

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, càng về cuối năm, thị trường địa ốc càng trở nên sôi động hơn.

Với sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế, du lịch, tiêu dùng…, thị trường bất động sản có lẽ cũng không ngoại lệ, nhất là khi tiêu dùng bất động sản trong thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới đã trở thành thói quen của nhiều người.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản có liên hệ chặt chẽ với bối cảnh vĩ mô và các tín hiệu vĩ mô cho thấy, thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội cho thị trường hơn.

“Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới khi Chính phủ dồn nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư công, hạ tầng giao thông, các dự án trọng điểm… và quan trọng là chúng ta có nguồn lực để thực hiện điều đó. Thị trường bất động sản theo đó cũng sẽ được hưởng lợi”, ông Lực nói và cho biết thêm, thị trường đang có nhiều trợ lực cho giai đoạn tăng trưởng mới đến từ kinh tế vĩ mô ổn định; đột phá về thể chế, cách mạng về tổ chức - bộ máy; quy hoạch, đầu tư công được đẩy mạnh; doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh...

Đặc biệt, trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, trong đó Nghị quyết về thí điểm làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất sẽ tháo gỡ các nút thắt tồn tại bấy lâu nay trong việc triển khai dự án.

Cùng với đó, các dự án đã có kết luận thanh tra cũng sẽ được khoanh lại để xử lý theo hướng, dự án nào có thể giải quyết thì cho xử lý tiếp, chuyển nhượng, bán…, từ đó tạo đầu ra và thanh khoản cho thị trường.

Tin bài liên quan