Bất chấp dịch bệnh, bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Bất chấp dịch bệnh, bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường địa ốc nửa đầu năm: Bất động sản công nghiệp là điểm sáng

0:00 / 0:00
0:00
Trong nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản ghi nhận những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng ở một số lĩnh vực, trong đó bất động sản công nghiệp nổi lên là điểm sáng.

Doanh nghiệp giữ nhịp

Cả khối nội và khối ngoại đều giữ nhịp chuyển động đều trên thị trường bất động sản công nghiệp với liên tiếp các hoạt động đầu tư phát triển dự án và mua bán - sáp nhập (M&A), bất chấp nửa đầu năm 2021 chứng kiến 2 đợt Covid-19 ập vào các khu công nghiệp.

Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên xây lắp các dự án FDI như Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng 36 (Công ty 36). Thời dịch, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc đi lại, nên việc giải ngân vốn đầu tư và xuất nhập hàng hóa của doanh nghiệp FDI đều gặp khó, khiến tệp khách hàng của Công ty 36 bị thu hẹp.

“Điều này dẫn đến dòng vốn tự có để thực hiện đầu tư hạ tầng cũng bị hạn chế, trong khi các ngân hàng siết chặt cho vay gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Covid-19 phức tạp, cộng với một số luật, chính sách thay đổi, nên việc triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư khó khăn và kéo dài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã hoàn thành được một số thủ tục pháp lý đầu tư cho các cụm công nghiệp”, ông Đào Trung Kiên, Phó giám đốc phụ trách đầu tư - kinh doanh của Công ty 36 cho biết.

Trong nửa đầu năm 2021, đã có hàng chục Dự án khu công nghiệp tại tỉnh/thành phố được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng ngàn ha đất công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong những năm tới. Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh có số lượng Dự án tương lai lớn nhất với 5 khu công nghiệp mới.

Cũng theo ông Kiên, Công ty 36 đang tiến hành đầu tư 3 cụm công nghiệp tại Thanh Hóa là Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, Cụm công nghiệp Hoàng Sơn và Cụm công nghiệp Tượng Lĩnh. Song song với đó là thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Một số nhà đầu tư thứ cấp đã ngỏ ý muốn thuê đất để xây dựng nhà máy trong Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà ngay sau khi Công ty 36 hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng.

Ở phía Bắc, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tiếp tục thu hút được những dự án công nghệ cao vào hệ thống khu công nghiệp của mình. Đáng chú ý là 3 dự án lớn của các tập đoàn công nghệ cao có tiếng trên thế giới, bao gồm dự án đặt tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) chuyên sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm; dự án công nghệ tế bào quang điện cũng tại Khu công nghiệp Quang Châu, với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm; dự án đầu tư mở rộng tăng vốn thêm 750 triệu USD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) của LG Display (Hàn Quốc).

Hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp là đòn bẩy lợi nhuận không chỉ đối với Kinh Bắc, mà còn nhiều “gương mặt thân quen” trên thị trường này.

Chưa có kết quả kinh doanh quý II/2021, nhưng nếu nhìn vào hoạt động quý I thì thành tích mà các nhà phát triển bất động sản đạt được là rất đáng ghi nhận. Lợi nhuận hợp nhất quý I của Kinh Bắc đạt 714,5 tỷ đồng, gấp gần 8 lần con số lợi nhuận sau thuế hợp nhất cùng kỳ năm ngoái là 94,2 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) có doanh thu về bất động sản và bất động sản đầu tư đạt gần 1.052 tỷ đồng, tăng hơn 28%. Còn Sonadezi công bố doanh thu quý I/2021 đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; riêng mảng kinh doanh khu công nghiệp mang về hơn 365 tỷ đồng.

Với khối ngoại, khẩu vị ưa thích vẫn là M&A. Giữa bão Covid-19, bất động sản vẫn là lĩnh vực đón lượng vốn ngoại lớn thứ 3, với dòng vốn 1,05 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021, bằng 7,5% tổng vốn đăng ký. Đáng nói, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 248,428 triệu USD. Hà Nội, TP.HCM vẫn là trung tâm hút vốn vào bất động sản công nghiệp.

Tháng trước, ESR Cayman Limited (Hồng Kông) và Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW đã thông báo thiết lập liên doanh để phát triển và sở hữu một khu công nghiệp hiện đại là KCN Mỹ Phước 4 ở phía Bắc TP.HCM. Sau khi hoàn thành, KCN Mỹ Phước 4 sẽ có quy mô khoảng 240.000 m2 diện tích logistics và cơ sở công nghiệp nhẹ.

Kỳ vọng đón nhiều dự án trong tương lai

Dự báo thị trường từ nay đến cuối năm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ vẫn giữ vị thế là một trong những lĩnh vực có triển vọng phát triển tốt nhất. Thị trường này được kỳ vọng tiếp tục đón nhận nhiều nhu cầu mới hơn nữa trong tương lai. Đà tăng trưởng sắp tới của bất động sản công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ M&A và nguồn cung mới.

Song, các chuyên gia cũng lưu ý, tuy sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Việt Nam vẫn cao, nhưng thị trường sẽ gặp hạn chế về vấn đề đi lại, giới hạn các chuyến bay, khiến việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp có những khó khăn nhất định, nên khó có kỳ tích trong những tháng cuối năm.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, chúng ta kỳ vọng bất động sản công nghiệp là điểm nóng của thị trường, với điều kiện kinh tế bình thường. Nhưng trong thời gian qua, sự bùng phát trở lại của Covid-19 tại Việt Nam cũng như các vấn đề thông quan đã trở thành một trở ngại khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi muốn đầu tư vào phân khúc này.

Trong khi đó, sự phát triển của bất động sản công nghiệp còn phụ thuộc vào kết cấu hạ tầng, cũng như tốc độ giải ngân của các nhóm chính sách công. “Đây là yếu tố then chốt để các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào khu công nghiệp”, ông Sử Ngọc Khương nhận định.

Tin bài liên quan