Đua bán lúa non
Năm 2015, thanh khoản của thị trường căn hộ Hà Nội đạt lượng giao dịch kỷ lục và cũng là năm thị trường chứng kiến sự trở lại của tình trạng bán “lúa non” tại nhiều dự án bất động sản. Các chủ đầu tư đã lách luật huy động vốn dưới dạng hợp đồng đặt cọc, hoặc đăng ký đặt chỗ mua căn hộ trước khi dự án đủ điều kiện mua bán theo quy định.
Việc lách luật của các chủ đầu tư và đơn vị phân phối kín đến nỗi, nếu không có bản danh sách 26 dự án nhà hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán nhà mới được Sở Xây dựng Hà Nội công bố đầu tháng 3 này, thì thị trường khó có thể biết được tình trạng bán “lúa non” trên thị trường bất động sản tại Hà Nội lại phổ biến đến thế.
Cụ thể, trong danh sách 26 dự án trên, dễ dàng nhận ra hàng loạt dự án căn hộ, chủ đầu tư đã từng rầm rộ nhận đặt cọc mua căn hộ hoặc đặt cọc giữ chỗ qua các đơn vị phân phối từ cuối năm trước, khi chưa đủ điều kiện mở bán, như Dự án Hà Nội Landmark 51 Vạn Phúc, dự án tại địa chỉ 430 Cầu Am, Hà Đông…
Ngoài các dự án trên, thị trường bất động sản Hà Nội cũng chứng kiến hàng loạt dự án bán “lúa non” khác, như Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng công khai chào bán căn hộ dự án tại Quảng An dưới dạng đăng ký giữ chỗ căn hộ khi chỉ vừa triển khai dự án.
Mới đây, một dự án đình đám nằm trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân và một dự án đình đám khác trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, chỉ vừa được chủ đầu tư triển khai, chưa đủ cơ sở bán hàng, song doanh nghiệp đã thông qua các sàn, nhận đặt cọc giữ chỗ mua căn hộ.
Tại một dự án nhà giá rẻ khác ở Đại Mỗ, dù mới khởi công, nhưng doanh nghiệp đã giới thiệu chào mua rầm rộ ra ngoài thị trường…
Rủi ro rình rập khách hàng
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn giao dịch Hải Phát cho biết, thị trường bất động sản nóng lên, hoạt động mua bán căn hộ hình thành trong tương lai sẽ càng phổ biến.
Theo ông Giang, việc nhận đặt cọc mua căn hộ của chủ đầu tư có thể sớm hơn 2, 3 hoặc 6 tháng trước thời điểm mở bán. Cá biệt, có dự án chủ đầu tư chưa chính thức chọn đơn vị phân phối đã có sàn đứng ra nhận đặt cọc giữ chỗ.
Cũng theo ông Giang, việc đặt cọc giữ chỗ đối với dự án nào cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Để tránh rủi ro, khách hàng cần tìm hiểu kỹ lưỡng dự án, đặt cọc mua căn hộ với những đơn vị uy tín. Đặc biệt, hợp đồng đặt cọc phải có điều khoản có thể rút tiền cọc và giá trị hợp đồng đặt cọc mua nhà không quá lớn.
Đồng quan điểm, một đại diện thuộc Liên minh sàn G5 cũng cho rằng, việc bán nhà ở hình thành trong tương lai có quá nhiều rủi ro, dù người mua nhà hiện nay đã thông minh hơn.
Vị đại diện này cho rằng, sự hồi phục của thị trường bất động sản, đã tạo ra nhiều cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư và đây là điều kiện để làm “sống lại” tình trạng bán “lúa non” của các dự án bất động sản.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, hầu hết các đại diện doanh nghiệp đều khẳng định, việc nhận đặt cọc giữ chỗ bán nhà hình thành trong tương lai không vi phạm luật. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thừa nhận, việc bán dự án “lúa non”, ngoài việc giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền, thì đây là giải pháp tốt nhất để kiểm tra sự quan tâm của thị trường với sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho việc tăng giá bán ở thời điểm mở bán chính thức.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com