Thị trường đang tự cân bằng

Thị trường đang tự cân bằng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhìn nhận diễn biến TTCK toàn cầu thời gian qua có thể thấy rằng, thị trường cần thêm thời gian để tự cân bằng khi giai đoạn tiền rẻ và dễ không còn.

Điều đó dễ dàng nhìn thấy ở thị trường Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,5% nhằm kiềm chế lạm phát và theo lộ trình sẽ tiếp tục tăng tiếp. Tuy nhiên, câu chuyện này ở Việt Nam diễn ra theo cách khác.

Áp lực lạm phát cao tại Việt Nam là chưa rõ ràng mà dự báo được nhiều ý kiến đồng tình là lạm phát có tăng do tác động bởi nhiều yếu tố chung của kinh tế thế giới nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.

Lãi suất có tăng khoảng trên dưới 1% từ mặt bằng thấp cũng không phải là nguyên nhân chính khiến TTCK giảm mạnh, dù đương nhiên điều này cũng làm cho định giá thị trường thay đổi.

Yếu tố quan trọng nhất tác động đến thị trường hiện tại là “tiền không còn dễ nữa” và bạn đọc của Đầu tư Chứng khoán có thể tìm hiểu sâu hơn câu chuyện này trong Tiêu điểm của số báo đang cầm trên tay.

Như chia sẻ của ông Đào Phúc Tường - một chuyên gia chứng khoán giàu kinh nghiệm thực chiến, rằng lãi suất tăng 1% thì chưa đủ để kéo dòng tiền ra khỏi thị trường. Nhưng nguyên nhân khiến thanh khoản giảm là do áp lực hạn chế giải ngân mới của dòng vốn margin do nguồn vốn giảm, việc phát hành tăng vốn của CTCK không còn thuận lợi.

Theo số liệu của Top 15 công ty chiếm 80% thị phần margin, lượng tiền cho vay từ nhóm này chủ yếu được tài trợ bằng vốn vay ngân hàng và phát hành huy động vốn. Trong bối cảnh hiện tại, cả hai cửa gọi vốn này đã không còn thuận lợi.

Thêm vào đó, một phần không nhỏ nguồn tiền của CTCK lại đang đổ vào trái phiếu doanh nghiệp khi trong quý I/2022, lượng tiền mua trái phiếu tăng mạnh hơn các quý trước.

Trong tháng 5 này, thông tin mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận ở một số CTCK cho thấy, nguồn vốn cho margin có nhưng không dám giải ngân vì để phòng thanh khoản khi đáo hạn trái phiếu, CTCK phải mua lại lượng trái phiếu đã phân phối cho khách hàng trước đó.

Việc CTCK phải mua lại lượng trái phiếu đã bán cho nhà đầu tư cá nhân là một thực tế, đặc biệt là sau vụ việc hủy lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, làm giảm hạn mức margin của các công ty này.

Tuần trước, trong khi dư luận bàn tán nhiều về những diễn biến của thị trường phái sinh, biến động của đội ngũ lãnh đạo ngành chứng khoán và những giải pháp của cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường thì những nhà đầu tư chuyên nghiệp lại tập trung sự quan tâm vào việc Tân Hoàng Minh được xử lý tài sản để có nguồn tiền thanh toán cho các trái chủ như thế nào?

Chừng nào những vụ việc cụ thể và giải pháp kiểm soát thị trường trái phiếu nói chung còn chưa rõ ràng, ổn thỏa thì khi đó nhà đầu tư còn “phập phồng” và quyết định tạm thời đứng ngoài là hoàn toàn dễ hiểu.

Vòng quay của vốn đang hẹp lại nên cạnh tranh tiếp cận vốn khó khăn hơn trước rất nhiều. TTCK ở mặt bằng giá cao đã không đủ sức cạnh tranh để giữ, thu hút dòng vốn, dẫn đến giảm giá mạnh. Từ đó, thị trường không còn cách nào khác sẽ phải tự cân bằng trong môi trường mới sau giai đoạn tiền rẻ là tiền chưa đắt nhưng không còn dễ.

Đây là giai đoạn cộng đồng nhà đầu tư đại chúng bắt đầu nhận thức ra được câu chuyện bối cảnh của thị trường như những nhà đầu tư có chuyên môn sâu, có số liệu phân tích bài bản. Câu hỏi “đâu là đáy của thị trường” có lẽ không còn là câu hỏi đau đáu tại thời điểm này mà chỉ đơn giản là cổ phiếu nào, mã ngành sẽ được ưu tiên cao hơn trong vòng quay của dòng vốn đang được nắn chỉnh.

Sau giai đoạn “xấu đều” khi thị trường giảm hơn 20% điểm số, sẽ đến thời “tốt lỏi” khi số ít cổ phiếu sẽ hút được tiền, đa số còn lại thì không!

Tin bài liên quan