Thị trường đang tìm điểm tựa

Thị trường đang tìm điểm tựa

Mùa công bố báo cáo tài chính quý II đã làm cho chứng khoán Mỹ tăng điểm với hơn 2/3 DN Mỹ công bố kết quả kinh doanh quý II vượt mức dự báo. Nhìn lại trong nước, VN-Index gần như “vô cảm” trước những thông tin DN công bố lợi nhuận quý II, dù rằng nhiều DN đã hoàn thành trên 60% kế hoạch năm.

TTCK và nỗi lo co hẹp tín dụng

Vào thời điểm tháng 5 - 6, sự tăng điểm của TTCK đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Tiền kích cầu có chảy vào chứng khoán?”. Hầu hết quan chức đã khẳng định, không có chuyện trên và sẽ nghiêm minh xử lý nếu như phát hiện vi phạm về mục đích sử dụng vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, thị trường vẫn có lý do để nghi ngờ. Tại thời điểm VN-Index bắt đầu quá trình tăng mạnh từ đáy 235 điểm (ngày 24/2) cũng là thời điểm mà tăng trưởng tín dụng của Việt Nam lớn hơn so với 2 tháng đầu năm (xem bảng 1).

 Tháng

Tăng trưởng
tín dụng

Tỷ suất sinh lợi
 VN-Index

1/09

0,65%

-2,67%

2/09

1,16%

-17,40%

3/09

4,11%

13,33%

4/09

4,33%

11.09%

5/09

3,09%

22,28%

6/09

2,63%

513%

Không những thế, nghi ngờ trên vẫn có nếu như xét về khía cạnh lợi nhuận của các NHTM. Mặc dù chênh lệch lãi suất huy động và cho vay rất thấp (khoảng 1 - 2%), nhưng lợi nhuận công bố của các NHTM lại không hề nhỏ. Trong khi ai cũng biết, hoạt động tín dụng chiếm phần lớn (60 - 70%) lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều người cho rằng, để có được lãi lớn, các ngân hàng đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận. Với mức lãi suất cho vay khoảng 14 - 15%, các ngân hàng hoàn toàn cân đối được đầu ra đầu vào. Nhưng nếu vậy, tại sao chi tiêu của người dân trong nền kinh tế lại không tăng trưởng mạnh? Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 547,495 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng này chỉ còn khoảng 8,8%. Thậm chí, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng, nhưng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình theo giá so sánh giảm 4,55%, tiêu dùng của Chính phủ tăng 9,43%, do đó bình quân chung tiêu dùng giảm 3,47% so với cùng kỳ.

Mặc dù rất khó chứng minh được sự chuyển dịch của dòng vốn kích cầu vào chứng khoán, nhưng với các phân tích trên, khó có thể kết luận: không có sự liên quan nào giữa tín dụng và chứng khoán. Trong quá khứ, hoàn toàn có mối tương quan giữa tăng trưởng chứng khoán và tín dụng (xem hình 1).

Nếu xét về dòng vốn vay chính thức dành cho chứng khoán, chúng ta thấy sự tăng trưởng khá mạnh. Vào cuối tháng 4, dư nợ cho vay chứng khoán chỉ tăng 4% (tương ứng 7,157 tỷ đồng) so với cuối năm 2008, thì đến cuối tháng 6, con số này đã tăng lên 28,31%. Do đó, việc thắt chặt tín dụng và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống còn 25% là tín hiệu không tốt cho TTCK.

Báo cáo tài chính quý II: Sự đối lập kỳ vọng giữa chứng khoán Việt Nam và Mỹ

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ (tháng 9/2008), TTCK Việt Nam và Mỹ có sự tương quan khá chặt chẽ. Nhiều NĐT trong nước đã sử dụng kết quả giao dịch của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq để dự báo chuyển động của VN-Index. Thế nhưng, diễn biến TTCK Mỹ và VN-Index từ ngày 13/7/2009 lại đi theo hai hướng ngược nhau. Trong khi chỉ số S&P 500, Dow Jones tăng mạnh và lần lượt vượt qua các mức đỉnh 927 điểm và 8.900 điểm từ giữa tháng 6, thì VN-Index tiếp tục trượt dốc, xuống mức 412 điểm vào ngày 20/7, thấp nhất trong vòng 36 phiên giao dịch gần nhất.

Lý giải cho sự trái ngược này là sự khác nhau trong kỳ vọng của các NĐT trên TTCK Việt Nam và Mỹ đối với kết quả kinh doanh quý II. Trong khi kết quả kinh doanh được công bố của các DN Mỹ liên tục đánh bại những dự báo của các nhà phân tích, thì các NĐT Việt Nam không hề bất ngờ về những con số lợi nhuận của các DN niêm yết trên HOSE hay HNX.

Quả thực, trước khi các DN công bố kết quả kinh doanh quý II, ngày 6/7, dữ liệu thống kê của Hãng Bloomberg cho thấy các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 sẽ giảm trung bình 34% trong quý II và sẽ giảm tiếp 21% trong quý III, sau khi đã giảm khoảng 60% trong 3 tháng đầu năm 2009. Nhưng thực tế, các con số lợi nhuận công bố của JP Morgan Chase, Goldman Sachs, Caterpital… lần lượt vượt xa dự báo trước đó. Thống kê từ ngày 8 -20/7 của Bloomberg cho thấy, có đến 35 trong số 43 công ty đã công bố đánh bại được dự báo của các nhà phân tích.

Những thông tin khả quan đã khiến các nhà phân tích phải thay đổi kỳ vọng. Ngày 20/7, David Kostin, Trưởng bộ phận đầu tư của Goldman Sachs tại New York, đã nâng mức dự báo EPS của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 trong năm 2009 và 2010 lần lượt lên 52 USD/cổ phần và 75 USD/cổ phần. Goldman Sachs đã nâng dự báo chỉ số S&P 500 vào cuối năm 2009 từ mức 940 lên 1.060 điểm, tức tăng 15%. TTCK Mỹ đã tăng điểm trước những thông tin tích cực như vậy.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý II của các DN Việt Nam không phải là thông tin hỗ trợ cho thị trường. Mặc dù đến nay có nhiều DN công bố các thông tin khá tích cực: như DRC vượt 366% kế hoạch năm; DXP đạt xấp xỉ 183% kế hoạch năm…, nhưng VN-Index vẫn tiếp tục đi xuống. Vậy nguyên nhân là do đâu? Chính làn sóng công bố lợi nhuận ước tính trong tháng 5 đã khiến những thông tin kỳ vọng về kết quả kinh doanh tốt đẹp trong quý 2 đã được phản ánh vào trong giá trước đó.

Vào thời điểm tháng 5, trong khi TTCK Việt Nam đang trên đà tăng điểm, nhiều DN lần lượt đưa ra những ước tính lợi nhuận 5 tháng đầu năm, cho dù về luật điều này là không hề bắt buộc. Sự “nhiệt tình” này tiếp tục đẩy VN-Index đi lên. Chính vì vậy, thị trường đã không bị bất ngờ khi các DN công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm. ACB có thể là một ví dụ. Liệu NĐT có ngạc nhiên trước con số 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của 6 tháng đầu năm, trong khi vào tháng 5 đã công bố con số lợi nhuận 900 tỷ đồng? Thậm chí vào lúc đó, báo chí đã đưa tin, dự báo ngân hàng này có khả năng đạt 1.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.