Nhà đầu tư lo ngại sự ổn định của khu vực đồng tiền chung châu Âu trước biến cố này. Nếu thị trường thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu thì thị trường Việt Nam có khả năng cao sẽ bị tác động. Khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm, các quỹ ETF có thể chuyển sang bán ròng ở thị trường Việt Nam.
Ðiều này sẽ cản trở đà phục hồi trong tâm lý nghi ngờ của nhà đầu tư của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, động thái của ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong nước trước việc giá cổ phiếu giảm mạnh lại rất tích cực. Chẳng hạn, ông Nguyễn Ðức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế Giới Di Ðộng (MWT) công bố mua vào 100.000 cổ phiếu.
Trong cuộc gặp với các chuyên gia phân tích định kỳ giữa tháng 5, trả lời câu hỏi của Báo Ðầu tư Chứng khoán về việc ông có mua vào cổ phiếu MWG khi giá giảm hơn 20%, ông Tài cho biết, ông không có ý định mua cổ phiếu. “Tôi quan tâm đến những chương trình có ý nghĩa cho cộng đồng hơn là mục đích kiếm tiền ở thời điểm này”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, động thái đăng ký mua vào của ông Tài vừa qua có ý nghĩa như một tín hiệu chặn đà giảm của giá cổ phiếu MWG.
Cùng ngày thứ Tư, Tổng giám đốc điều hành Vietjet (VJC) Lưu Ðức Khánh đăng ký mua 500.000 cổ phiếu VJC trị giá gần 75 tỷ đồng từ đầu tuần sau, ngày 4/6/2018.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư Nam Long (NLG) Nguyễn Xuân Quang chia sẻ, ông đã mua vào cổ phiếu NLG như đã công bố trước đó và một số cán bộ chủ chốt khác của Công ty cũng mua vào.
Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đưa những thông tin tốt về hoạt động sản xuất - kinh doanh ra thị trường nhằm giúp nhà đầu tư, cổ đông bình ổn tâm lý, tránh bán tháo cổ phiếu.
Sau trấn an của nhà quản lý, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các báo cáo với phân tích về chỉ số P/E thị trường, P/E một số cổ phiếu hàng đầu đang ở mức hấp dẫn (khoảng 8 lần) để giúp nhà đầu tư có cái nhìn “tỉnh táo” hơn về thị trường, thay vì bị cuốn theo tâm lý đám đông.
Tất cả những động thái nói trên giúp tâm lý nhà đầu tư mau chóng bình ổn, dòng tiền bắt đáy chảy mạnh và thị trường có dấu hiệu hồi phục.
Tuy nhiên, thị trường đã tạo đáy hay chưa thì câu trả lời của đa số chuyên gia vẫn là chưa, bởi xét về P/E thì thị trường đang ở mức ngang bằng với các nước trong khu vực, chưa phải ở mức rẻ. Trong khi đó, các bất ổn của thị trưởng thế giới có thể khiến thị trường trong nước rung lắc mạnh.
Mặc dù vậy, nhìn vào tiềm năng tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp thì chỉ số P/E tương lai rất hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng, ngành sản xuất và bất động sản được dự báo sẽ đem lại lợi nhuận từ 35 - 70% cho nhà đầu tư trong thời gian nắm giữ 12 tháng tới.
Vì vậy, thị trường chứng khoán nhiều khả năng đang đi vào vùng đáy, rủi ro cho nhà đầu tư ngắn hạn vẫn cao, nhưng rủi ro với nhà đầu tư trung và dài hạn được giảm thiểu. Niềm vui tăng trưởng trở lại của thị trường có lẽ đang đến gần.