Thị trường đã có cách nhìn mở hơn về tài chính tiêu dùng

Thị trường đã có cách nhìn mở hơn về tài chính tiêu dùng

(ĐTCK) Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho rằng, hiện cách nhìn của khách hàng về thị trường tài chính tiêu dùng đã “mở” hơn rất nhiều so với trước đây, bởi nhu cầu thực tế và những nỗ lực của các công ty tài chính (CTTC) trong việc hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận được các giải pháp tài chính linh hoạt, an toàn. 

Trước đây, nhắc đến tài chính tiêu dùng, nhất là đối với vốn cung cấp từ CTTC, nhiều người liên tưởng đến cụm từ “lãi suất cắt cổ”. Theo ông, người tiêu dùng Việt Nam hiện đã có cách nhìn khác về tài chính tiêu dùng hay chưa?

Lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC có sự khác biệt so với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như giá trị khoản vay tiêu dùng nhỏ nhưng chi phí vận hành cao và mức độ rủi ro của phân khúc khách hàng này cũng cao hơn rất nhiều, nhất là các đối tượng khách hàng đi vay tiêu dùng lần đầu.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cách nhìn của khách hàng về thị trường tài chính tiêu dùng đã “mở” hơn rất nhiều bởi nhu cầu thực tế và những nỗ lực của các CTTC nói chung và FE Credit nói riêng trong việc hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận được các giải pháp tài chính linh hoạt, an toàn, với lãi suất cạnh tranh.

Thực tế, trong 6 năm vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng của loại hình tài chính tiêu dùng cá nhân luôn ở mức khoảng 20%/năm. Điều đó thể hiện người tiêu dùng Việt Nam đã có cái nhìn cởi mở hơn và hiểu rõ hơn về tài chính tiêu dùng.

Thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng có nhiều CTTC tham gia hoạt động, sự cạnh tranh sẽ gia tăng và lãi suất cho vay giảm dần?

Tôi cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn tiềm năng rất lớn để khai thác, mức độ và phương thức cạnh tranh trên thị trường đang diễn ra khá lành mạnh.

Chắc chắn, khi ngành tài chính tiêu dùng phát triển, các kênh phân phối được mở rộng, nhiều CTTC với các sản phẩm tốt hơn ra đời, khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất khi có thể tiếp cận giải pháp tài chính một cách dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn.

Ông Kalidas Ghose 

Hiện nay, FE Credit thường xuyên kết hợp với các đại lý, đối tác trên toàn quốc triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, hoặc trả trước 0 đồng, áp dụng cho khoản vay mua hàng điện tử, thiết bị gia dụng như điện thoại, laptop, tivi, tủ lạnh, máy giặt và mua xe máy trả góp.

Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tiêu dùng của CTTC vừa có hiệu lực, với nhiều quy định mới, ông có nhận xét gì?

Trước đây, hoạt động cho vay tiêu dùng CTTC vốn có những đặc thù khác biệt với hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, nhưng phải áp dụng chung quy định về cho vay với các ngân hàng thương mại.

Điều này tạo ra những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017 đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng và riêng biệt cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hơn hết là đảm bảo sự phát triển bền vững cho tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Nợ xấu trong ngành tài chính tiêu dùng được cho là rất lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, con số trung bình nợ xấu có thể trên 20%. Tình hình nợ xấu tại FE Credit ra sao và cách quản lý, xử lý nợ xấu của Công ty thế nào?

Chúng tôi đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp ở mức an toàn. FE Credit là một trong những doanh nghiệp có hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ.

Chúng tôi luôn theo dõi sát sao các chỉ số dự đoán trước, đồng thời và sau khi có sự thay đổi diễn ra để duy trì hiệu quả của hoạt động tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu của FE Cedit có thể so sánh là tốt nhất trên thế giới trong nhóm doanh nghiệp có hình thức cho vay tín chấp tương tự trên các thị trường mới nổi.

Công ty luôn tuân thủ một cách thận trọng các tiêu chuẩn quốc tế về việc ghi nhận tổn thất, vì thế chúng tôi tự tin vào hệ thống xếp hạng danh mục tín dụng của mình.

Ông có thể chia sẻ thêm về quy trình phòng ngừa rủi ro nợ xấu?

Để quản trị nợ xấu một cách hiệu quả, chúng tôi luôn chú trọng đến quy trình phòng ngừa rủi ro, quản trị rủi ro và thẩm định trước khi cho vay.

Quy trình gồm quá trình nghiên cứu hành vi tiêu dùng và nhu cầu chi tiêu của nhóm khách hàng tiềm năng, chọn lọc khách hàng trong quá trình thẩm định nhằm giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Tiêu chí của quy trình được cập nhật liên tục, chắt lọc và chuẩn hóa.

Có ý kiến cho rằng, FE Credit được đánh giá là CTTC tiêu dùng hàng đầu trên thị trường nhờ có lợi thế hỗ trợ vốn từ ngân hàng mẹ VPBank. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng tôi rất vui mừng khi được đánh giá là CTTC tiêu dùng hàng đầu trên thị trường. FE Credit đã và đang giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ ra mắt các sản phẩm được cải tiến, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường hệ thống quản lý rủi ro, duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức dự kiến vốn đã rất hữu hiệu và tập trung vào việc thu hút, phát triển nhân tài.

Đến cuối năm 2016, tổng dư nợ của FE Credit chiếm hơn 60% tổng dư nợ toàn ngành, gấp 3 lần so với dư nợ của đối thủ có mặt lâu năm trên thị trường Việt Nam

Kết quả của những nỗ lực này chính là sự ủng hộ của người tiêu dùng; đồng thời là phản hồi tích cực của các đối tác ngân hàng quốc tế đối với gói sản phẩm huy động vốn của chúng tôi. Điển hình là việc ký kết hợp đồng vốn trị giá 100 triệu USD giữa FE Credit và Credit Suisse tháng 12/2016.

Tháng 10/2016, FE Credit được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ từ 1.900 tỷ đồng lên 2.790 tỷ đồng, với tỷ lệ 100% do VPBank sở hữu. Nguồn vốn bổ sung củng cố chiến lược dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam của Công ty. Tất nhiên, với nền tảng CTTC trực thuộc VPBank, chúng tôi có nhiều lợi thế nhất định, là một thành viên có nền tảng tài chính vững mạnh.

Mức lợi nhuận đạt được 2.000 tỷ đồng trước thuế trong năm qua của FE Credit được xem là niềm mơ ước của không chỉ các CTTC mà còn cả nhiều ngân hàng. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực và chiến lược để đạt được kết quả này?

Với vị thế dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, FE Credit đã liên tục hoàn thiện hệ thống hành chính và cơ sở hạ tầng để mang lại những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, thông qua hệ thống phân phối đa dạng và rộng khắp, đồng thời vẫn đảm bảo khung quản trị rủi ro chặt chẽ.

Những yếu tố trên cho phép FE Credit tập trung vào việc ngăn ngừa nợ xấu và giảm thiểu rủi ro. Hệ thống quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế của FE Credit đã được chứng minh là hiệu quả nhất khi so sánh với các thị trường mới nổi khác trên toàn cầu.

Công ty cũng nỗ lực tìm kiếm và đào tạo đội ngũ nhân sự các cấp quản lý, nhân viên ưu tú và xây dựng văn hóa doanh nghiệp ưu việt để lập nên một tổ chức hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng.

Khách hàng luôn là trọng tâm trong mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Công ty vui mừng khi người tiêu dùng nhận thấy những sản phẩm của chúng tôi phù hợp và hữu ích, có thể dễ dàng tiếp cận. Chúng tôi luôn nỗ lực tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng cũng như thói quen tài chính của khách hàng để có các sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Lợi nhuận của CTTC chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng, vậy ắt hẳn dư nợ cho vay của Công ty trong năm qua ở mức cao, số lượng khách hàng lớn?

Công ty đã và đang giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ và duy trì vị thế dẫn đầu thị trường nhờ vào chiến lược phát triển đúng đắn của Ban lãnh đạo cũng như nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên. Đến cuối năm 2016, tổng dư nợ của FE Credit chiếm hơn 60% tổng dư nợ toàn ngành, gấp 3 lần so với dư nợ của đối thủ có mặt lâu năm trên thị trường Việt Nam.

Doanh số bán hàng, tổng dư nợ và doanh thu của Công ty tăng đáng kể, trong khi vẫn đảm bảo hoạt động tín dụng được kiểm soát tốt. Hiện chúng tôi đã phục vụ hơn 4 triệu khách hàng trên toàn quốc.

Được biết, các CTTC thường nhận được góp ý từ phía khách hàng, tại FE Credit thì sao, thưa ông?

Sau hơn 6 năm gắn bó cùng FE Credit, bản thân tôi cảm thấy tự hào về những thành tựu mà Công ty đã đạt được. Đến thời điểm hiện tại, FE Credit về cơ bản đã đạt thành công ấn tượng và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành tài chính tín dụng ở nhiều khía cạnh.

Vượt qua đối thủ dày dạn kinh nghiệm, gia nhập thị trường sớm hơn, FE Credit đã vinh dự đạt 4 giải thưởng uy tín, bao gồm: “CTTC tiêu dùng tốt nhất Việt Nam 2016” do Tạp chí Global Banking & Finance, Anh quốc chứng nhận; “Thương hiệu tài chính tiêu dùng tốt nhất Việt Nam 2016” được chứng nhận bởi Tạp chí Global Brands, Anh quốc; “Thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2016” được công nhận bởi Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu kinh tế phối hợp với Tổ chức Global Trade Alliance và “Thương hiệu mạnh Việt Nam 2016” được bình chọn bởi Thời báo Kinh tế Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).

Đặc biệt, điều khiến tôi cảm thấy hài lòng nhất chính là việc FE Credit luôn hướng đến việc phát triển bền vững, cam kết hiện thực hóa hàng triệu ước mơ của người dân Việt Nam thông qua cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính cá nhân toàn diện, uy tín. Đến nay, FE Credit đã phục vụ hơn 4 triệu khách hàng, hợp tác với gần 5.000 đối tác tại hơn 7.800 điểm bán hàng trên toàn quốc.

Song song với những phản hồi tích cực của phần lớn khách hàng, FE Credit nhận được nhiều góp ý từ những khách hàng lần đầu đi vay. Điều đó khiến chúng tôi cần tiếp tục cải thiện, đơn giản hóa quy trình để khách hàng có trải nghiệm dịch vụ tốt hơn mỗi khi đến với FE Credit.

Tin bài liên quan