Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25%/năm và căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng với gói thuế quan mới 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong quý III đang có hiệu ứng thông tin bão hòa và không còn ảnh hưởng mạnh đến các thị trường tài chính và hàng hóa thế giới như thời điểm đầu công bố.
Trên thị trường tiền tệ, USD Index tăng 0,7% so với mức tăng 5% trong quý II và cũng chỉ còn ảnh hưởng đến đồng nội tệ của các quốc gia trong khu vực thị trường mới nổi. Thị trường hàng hóa cũng hồi phục trong tháng 9, qua đó, giảm bớt mức độ tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại.
Thị trường chứng khoán thế giới có mức hồi phục vào cuối quý III/2018, trong đó chỉ số MSCI khu vực phát triển tăng 4,5%, chỉ số MSCI khu vực mới nổi và thị trường biên giảm bớt đà giảm, khi chỉ còn giảm 2% và 2,5%.
Việt Nam cũng là một trong những thị trường hồi phục tốt trong quý III với mức tăng 5,9% nhờ sự trở lại của các cổ phiếu có tỷ trọng lớn như GAS, BID, VCB, PLX và MSN (chiếm 77,3% mức tăng của VN-Index).
Ngoài yếu tố cộng hưởng hồi phục của thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam còn được hỗ trợ bởi thông tin tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới chủ đề ASEAN 4.0 tại Việt Nam và Việt Nam được đưa vào danh mục theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp FTSE.
Dòng tiền vận động tốt trên nền giá ổn định đã đẩy mặt bằng giá của nhiều nhóm cổ phiếu lên, đồng thời cải thiện thanh khoản, giúp thị trường tăng điểm có độ rộng tốt.
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt là nền tảng tốt cho thị trường chứng khoán tăng trưởng và thu hút dòng vốn ngoại. GDP quý III ước tăng 6,68%, đóng góp vào mức tăng 6,98% trong 9 tháng năm 2018 và cũng là mức cao nhất từ 2011.
Sự luân chuyển của dòng tiền cũng tạo điều kiện tăng giá cho những nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có mức tăng trưởng cao và hiện đang có mức P/E bình quân 13,5 và 12,7 lần
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng 15,4% so cùng kỳ, đưa mức xuất siêu lên mức 5,39 tỷ USD, tạo điều kiện bình ổn tỷ giá và lãi suất.
Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết dự kiến tăng trưởng trên 20% trong năm 2018, trong đó lợi nhuận cải thiện rõ rệt ở các nhóm cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến chỉ số như ngân hàng, bất động sản, dầu khí là cơ sở cho dự báo thị trường sẽ còn tăng điểm trong quý IV.
Với sự ổn định vĩ mô, triển vọng tăng trưởng tốt và sự cải thiện lợi nhuận tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết, VN-Index có khả năng duy trì trên 1.000 điểm vào cuối năm 2018.
Diễn biến thị trường dự báo sẽ tăng điểm trong tháng 10 đạt mức 1.050 – 1.080 điểm nhờ mùa công bố kết quả kinh doanh và sự luân chuyển dòng tiền trước khi điều chỉnh lại vào cuối hoặc đầu tháng 11.
Xu hướng tích lũy và phân hóa diễn ra vào tháng 11 tạo nền tảng cho đợt phục hồi vào tháng 12, hoặc đầu năm 2019. Một số cổ phiếu bluechips vẫn duy trì đà dẫn dắt nhờ kết quả kinh doanh cải thiện, tạo nền giá và sự vận động của dòng tiền tại các phân khúc ngành hoặc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các sự kiện lớn quốc tế như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bầu cử giữa nhiệm kỳ của Chính phủ Mỹ, Brexit, Fed tăng lãi suất và giá dầu tăng và các sự kiện trong nước cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong quý IV.
Ngoài ra, chúng tôi dự báo một số ngành và nhóm cổ phiếu có triển vọng tích cực và đáng lưu ý trong quý IV như ngân hàng – tài chính, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, các nhóm cổ phiếu hưởng lợi giá tăng như dầu khí, sự chuyển dịch sản xuất từ chiến tranh thương mại như dệt may, thủy sản, đồ gỗ.
Sự luân chuyển dòng tiền cũng tạo điều kiện tăng giá cho những nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có mức tăng trưởng cao và hiện đang có mức định giá P/E bình quân 15,3 và 12,7 lần so với mức chung trên 18 lần của thị trường.