Áp lực rút ròng vẫn đang hiện hữu.

Áp lực rút ròng vẫn đang hiện hữu.

Thị trường cổ phiếu có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật

(ĐTCK) Sau tuần điều chỉnh vừa qua, thị trường cổ phiếu được đánh giá sẽ xuất hiện nhịp hội kỹ thuật trong tuần giao dịch này. Dù vậy, việc các kênh tài sản khác như trái phiếu, vàng... đang duy trì đà tăng cho thấy, áp lực rút ròng vẫn hiện hữu. 

Kết thúc tháng 5/2019, chỉ số VN-Index tiếp tục đóng cửa dưới mức 980 điểm, với diễn biến chính là sự giằng co quanh mốc điểm này. Mức độ phân hóa thị trường khá cao khi dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Nguyên nhân của sự phân hóa chủ yếu xuất phát từ các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các sự kiện như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được ký kết..., đặc biệt là sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến thương mại này đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết và dự kiến sẽ còn kéo dài, khi nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ không đi đến một thỏa thuận chung trong kỳ họp G20 sắp tới. Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ còn mở rộng sự trừng phạt ra các khu vực, quốc gia khác như Trung Ðông và Venuezela.

Mặt khác, trong những ngày cuối cùng của tháng 5, giá dầu Brent đã giảm về quanh mức hỗ trợ 65,71 USD/thùng và hỗ trợ mạnh 62,67 USD/thùng (tương ứng giảm hơn 4%) sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố lượng tồn kho của nước này giảm và thấp hơn dự báo. Các biến cố này đang là rủi ro lớn đối với thị trường tài chính - chứng khoán thế giới nói chung, nhóm thị trường chứng khoán mới nổi nói riêng, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, dòng tiền đang cho thấy xu thế dịch chuyển từ nơi có rủi ro cao như thị trường cổ phiếu sang nơi có mức độ rủi ro thấp hơn là thị trường trái phiếu, gây nên hiệu ứng tăng lợi suất trái phiếu trong cả ngắn và dài hạn thời gian qua. Ðây là dấu hiệu cảnh báo cho sự suy thoái của thị trường chứng khoán Mỹ như đã từng diễn ra trong các năm 2000 và 2007.

Với Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xét trong dài hạn là có lợi cho nền kinh tế, khi nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam để tránh mức thuế cao của Mỹ. Từ đó, làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh, kéo theo đà tăng trưởng ở các lĩnh vực liên quan như bất động sản khu công nghiệp, logistic, thủy sản, dệt may, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện…

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, rủi ro trên thị trường cổ phiếu có chiều hướng tăng dần, khi áp lực bán mạnh cũng như tâm lý e ngại của nhà đầu tư luôn hiện hữu. Cùng với đó, các kênh tài sản khác như trái phiếu, vàng... đang duy trì đà tăng cho thấy thị trường cổ phiếu sẽ còn chịu áp lực rút ròng trong thời gian tới.

Thời gian qua, giá dầu Brent cũng như thị trường cổ phiếu thế giới cùng giảm mạnh, nên dự báo các thị trường này có thể xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong tuần giao dịch này. Ðây là cơ hội để các nhà đầu tư ngắn hạn cơ cấu lại danh mục và đặc biệt là hạ lượng margin để hạn chế rủi ro.

Trong trung hạn, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng nên các nhịp giảm ngắn hạn được xem là cơ hội để tích lũy cổ phiếu. Các nhóm cổ phiếu được đánh giá hưởng lợi từ chiến tranh thương mại là thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, logistic... Với lĩnh vực dầu khí, chúng tôi đánh giá khả quan đối với triển vọng của mảng dịch vụ dầu khí trong năm nay, khi khối lượng việc làm trong mảng này đã cải thiện hơn so với năm 2018.

Tin bài liên quan