Thị trường cà phê Việt Nam đang phát triển đa dạng hơn bao giờ hết, với đủ loại hình, phân khúc, từ cao cấp đến bình dân. Ảnh: A.H
Ông lớn “vơ bèo, vạt tép”
Một buổi sáng mùa Thu ở Hà Nội, thời tiết quá đẹp để bất cứ ai cũng có thể tự thưởng cho mình một ly cà phê nóng, lạnh, để mang đi hay ngồi thưởng thức tại chỗ.
Trong tiết trời đó, Đỗ Ngọc Hòa, 37 tuổi và là CEO của chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Rain Coffee đã tự thưởng cho mình một ly cà phê tự chế và đứng trước các bạn trẻ say sưa nói về nghệ thuật pha cà phê. Hơn chục học viên trong độ tuổi 20 - 30, với hy vọng mở riêng cho mình một quán cà phê, chăm chú nhấp từng ngụm nhỏ cà phê và ghi chú về những hương vị họ cảm nhận.
Trong 3 thập kỷ qua (tính từ khi bắt đầu công cuộc cải cách năm 1986), cà phê là một trong những mặt hàng đóng góp quan trọng nhất cho doanh thu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và GDP nói chung. Ngành công nghiệp cà phê đã tạo ra hơn nửa triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời là sinh kế chính của hàng ngàn hộ gia đình trong các khu vực sản xuất nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu cà phê thường chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và tỷ trọng cà phê luôn vượt trên 10% GDP nông nghiệp trong những năm gần đây.
Lịch sử ngành cà phê Việt Nam bắt đầu từ năm 1857, do người Pháp mang tới. Tính đến nay, việc trồng cà phê đã “cố thủ” trong văn hóa Việt Nam hơn một thế kỷ. Được tăng cường bởi sự hỗ trợ từ Chính phủ, sản xuất cà phê Việt Nam đã tăng từ mức rất thấp vào đầu những năm 1990 (khi cả nước chỉ có vỏn vẹn 5.900 ha cà phê), đến nay, diện tích cà phê của cả nước đã lên tới nửa triệu héc-ta, với sản lượng hàng năm đạt hơn 25 triệu bao vào năm 2010 và duy trì liên tục đến nay, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới.
Những lợi thế đó khiến thị trường cà phê Việt Nam trở nên hấp dẫn ở mọi phân khúc, từ cao đến thấp, từ sang xịn trong các khách sạn cao cấp đến chuỗi cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước, từ cà phê truyền thống, hiện đại, đến cà phê vỉa hè, cà phê rong, từ cà phê rang xay đến cà phê hòa tan...
Thị trường cà phê tại Việt Nam đang không ngừng tăng trưởng và mở rộng. Kinh doanh cà phê đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp ấp ủ. Rất nhiều người đã từng thành công với những ý tưởng kinh doanh cà phê độc đáo của mình. Đây cũng là kinh doanh táo bạo, nhưng sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn khi có nhiều thương hiệu cà phê đồng hành và hỗ trợ.
Đó là lý do để vị CEO Rain Coffee bỏ ra khá nhiều thời gian để tư vấn cho các bạn trẻ có đam mê pha chế và muốn bước vào kinh doanh trên thị trường này.
Anh Hòa đang sở hữu 21 cơ sở nhượng quyền tại Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và sẽ sớm có mặt ở miền Nam.
“Chúng tôi muốn biết, mỗi bạn trẻ đến đây liệu có thực sự mong muốn mở quán không? Hiện tại đang có gì và ý tưởng quán cà phê thế nào? Nếu họ thật sự có thiện chí, chúng tôi sẽ chỉ cho họ tất cả những điều cần tránh và những điều nên làm khi muốn mở quán cà phê”, anh Hòa nói.
Hòa cho biết, hiện có nhiều bạn trẻ tìm hiểu, học pha cà phê, nâng cao tay nghề, có ý định mở quán kinh doanh.
Trong khi đó, các thương hiệu chuỗi cà phê lớn trong và ngoài nước như Starbucks, Highlands Coffee và các đối thủ cạnh tranh vẫn nhìn thấy những cơ hội lớn để mở rộng trên thị trường này. Thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm (theo Euromonitor), nhưng lại chưa có tên tuổi nào giành thị phần áp đảo. Highlands Coffee, Starbucks, The Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên cũng chỉ chiếm 15,3 % thị phần.
Mặc dù vậy, nhìn cục diện, thì các thương hiệu đình đám toàn cầu phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh từ trong nước. Starbucks chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2013. Sau 7 năm phát triển, Starbucks hiện có 65 quán ở các tỉnh, thành phố. Trong khi đó, chuỗi Highlands Coffee đang nổi lên trở thành một đối trọng lớn. Thậm chí, họ còn sáng tạo ra nhiều mô hình và không chừa phân khúc nào, miễn là có thể kiếm thêm tiền. Không chỉ Highlands Coffee, mà McDonald’s, Vinacafe, đến tân bình như Ông Bầu cũng ồ ạt mở kiosk, mang cả xe xuống phố bán hàng.
Động thái mạnh nhất phải kể đến chuỗi cà phê Ông Bầu vừa chính thức khai trương 6 điểm bán mới tại các mặt bằng có sẵn của chuỗi nhà hàng Ba Gác.
Sự hợp tác theo mô hình “chuỗi liên kết chuỗi” giữa cà phê Ông Bầu và Nhà hàng Ba Gác Nướng và Bia được cho là mang lại hiệu quả cao cho cả hai bên, đặc biệt trong giai đoạn ngành dịch vụ ăn uống (F&B) đang gặp nhiều khó khăn vì Covid-19.
Thỏa thuận này sẽ giúp Ông Bầu nhanh chóng mở rộng mạng lưới, mở rộng khách hàng đến đông đảo giới trẻ và nhân viên văn phòng. Riêng Ba Gác, ngoài việc gia tăng hiệu quả mặt bằng, còn có cơ hội tiếp cận được thêm các khách hàng của cà phê Ông Bầu. Không chỉ thúc đẩy doanh số, sự kết hợp này còn góp phần thúc đẩy cà phê Ông Bầu tiến gần đến mục tiêu 10.000 điểm bán vào cuối năm 2022.
Nhỏ không từ bỏ
Những động thái “vơ bèo, vạt tép” của các ông lớn nói trên cho thấy một dấu hiệu thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh cũng như thị hiếu của khách hàng. Giới đầu tư cho rằng, nếu ai có ý định mở quán cà phê thì nên từ bỏ, còn nếu làm vì đam mê thì cứ mở.
Đỗ Ngọc Hòa không nghĩ thế. Anh cho rằng, bán theo mô hình nào thì cũng vẫn phát triển, bởi các hãng chọn phân phúc khác nhau, tệp khách hàng cũng khác nhau. Chắc chắn, các thương hiệu nhỏ sẽ điều chỉnh hướng đi và các hình thức kinh doanh. Chẳng hạn, nếu quy mô các quán bị thu hẹp, họ có thể đầu tư mạnh mảng bán online, qua các ứng dụng giao đồ ăn và thức uống, như Now, GrabFood, Baemin, Lozi, Ahamove, Go-Food, Lalamove, Foody…
“Thời gian qua, Rain Coffee đóng 2 cơ sở. Nếu tính riêng kênh bán đồ uống thì tỷ lệ online/offline đang là 80-20. Trong giai đoạn giãn cách thì 100% bán online. Ở ngoài Bắc, mô hình bán cà phê rong, vỉa hè có xe… sẽ không phát triển được, vì không được phép đứng vỉa hè, lòng đường”, anh Hòa nói.
Trong khi đó, Hoàng Tiễn, đồng sáng lập, kiêm CEO chuỗi Coffee Bike ở TP.HCM thừa nhận, việc Highlands bán cà phê bằng xe tải cho thấy, họ sẽ tham gia mọi phân khúc, nên sẽ ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của Coffee Bike, trong đó, các vị trí đẹp sẽ bị cạnh tranh mạnh.
“Tôi đang suy nghĩ, phân vân về việc mình có nên chuyển hẳn thành công ty chuyên bán online hay vẫn là bán lẻ truyền thống”, Tiễn nói và cho biết sẽ tính toán thêm để có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Trước mắt, từ nay đến năm 2021, Coffee Bike phát triển mô hình nhượng quyền cà phê pha máy mang đi. Doanh thu tại chuỗi cửa hàng và điểm bán có chỗ ngồi của Coffee Bike giảm đều 15-20%. Tuy nhiên, mô hình nhượng quyền cà phê pha máy mang đi lại tăng trưởng mạnh về điểm bán và đơn hàng. Coffee Bike đang có 10 cửa hàng, 29 điểm bán xe cà phê và kiosk, chủ yếu tập trung tại TP.HCM.
Một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình kinh doanh cà phê vỉa hè, kiosk nằm ở chỗ không nhất thiết phải đầu tư vốn quá lớn ngay từ ban đầu (30 - 50 triệu đồng), mà vẫn có thể tạo ra được nguồn doanh thu không hề nhỏ (900.000 - 1,5 triệu đồng/buổi). Ngoài bán cà phê, người bán có thể mở rộng mặt hàng với các loại đồ uống và đồ ăn vặt thích hợp với không gian vỉa hè, giúp thu được nhiều lợi nhuận hơn từ công việc này. Theo Tiễn, với chi phí đầu tư xe, mặt bằng không quá cao…, giá bán của 19 loại thức uống của thương hiệu Coffee Bike Việt Nam chỉ 14.000 - 24.000 đồng/cốc.
Hiện tại, Coffee Bike vẫn rất tự tin trên thị trường của mình. “Chúng tôi quyết định pha cà phê bằng máy tại chỗ, pha theo phong cách Italy, chứ không phải là bán cà phê pha sẵn hay pha phin, giúp chiết xuất được những gì tinh túy nhất trong hạt cà phê”, Tiễn nói.
Cuối cùng, một khi tự tin và có chiến dịch marketing đánh đúng thị hiếu, ưu đãi kích thích nhu cầu khách hàng, thì kinh doanh nhỏ trên thị trường vẫn có đất sống. Dù bán hàng rong hay bán vỉa hè, bán cho khách mang đi, thì họ cũng vẫn có thể khai thác được khách hàng ở các tòa nhà, chung cư, công ty, văn phòng trong khu vực thông qua việc ship hàng đến tận nơi với tốc độ nhanh. Đây được xem là cách thu hút khách hàng rẻ nhất và hiệu quả nhất.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), để phát triển, cà phê Việt Nam cần nâng cao chất lượng và tăng thị phần tiêu thụ nội địa.
Một số nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tiềm năng thị trường nội địa của Việt Nam có thể tiêu thụ tới 70.000 tấn/năm. Nghĩa là, với sản lượng cà phê 700.000 - 800.000 tấn/năm, thì lượng cà phê tiêu thụ nội địa đạt gần 10%.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà phê thế giới, tiêu dùng nội địa của cà phê Việt Nam hiện chỉ đạt gần 3,6% - mức thấp nhất trong số các nước sản xuất cà phê.