Thị trường chứng khoán đang ở những giờ giao dịch cuối cùng của năm 2024. Nhìn lại bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua, ông có đánh giá gì?
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động bởi ba yếu tố chính.
Thứ nhất, từ bên ngoài, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2024 là yếu tố tác động thị trường chứng khoán toàn cầu cho đến khi giảm lãi suất trong tháng 9/2024. Bối cảnh FED hạ lãi suất và tác động của bầu cử tổng thống Mỹ với ông Donald Trump đắc cử, đã mở ra dòng chảy tiếp theo của dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán tiếp tục quay lại Mỹ.
Thứ hai, từ bên trong, sự hồi phục của nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh nửa đầu năm diễn biến chính trường (các lãnh đạo cấp cao) thay đổi và đạt hồi kết với sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tô Lâm. Trong khi đó, nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang tìm kiếm động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo và sẽ nối tiếp qua năm 2025.
Thứ ba, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến dòng vốn hút về chứng khoán Mỹ, kênh tài sản truyền thống vàng và đà bứt phá mạnh mẽ của bitcoin, trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động bán ròng kỷ lục gần 90.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt hình thành một kênh giao dịch giằng co với biên độ từ 100 - 150 điểm, tương ứng VN-Index biến động trong khoảng 1.150 – 1.300 điểm duy trì xuyên suốt cả năm 2024.
Còn thị trường trong năm 2025, những động lực và thách thức là gì?
Ông Bùi Lê Văn, Giám đốc CTCP Tư vấn Giáo dục và Đầu tư FIG |
Dòng vốn ngoại đã bắt đầu có những phiên mua ròng trở lại nhưng đang diễn ra chậm do Việt Nam là thị trường cận biên. Đặc biệt, thông tin Fed sẽ chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025, có thể duy trì chênh lệch lợi tức trái phiếu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khiến dòng vốn vẫn chưa quay trở lại. Tuy nhiên, nếu các điều kiện về nâng hạng thị trường được thoả mãn khi KRX đi vào hoạt động, dự kiến trong năm 2025 có thể sẽ đón dòng vốn đáng kể từ 1,5 – 1,6 tỷ USD đến từ FTSE Rusell do được tăng tỷ trọng.
Yếu tố nội tại là nền kinh tế mở rộng, duy trì mức tăng trưởng tốt với kỳ vọng năm sau tiếp tục có mức tăng trưởng GDP trên 6%, có thể giúp các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt. Lĩnh vực tiêu dùng cũng dự kiến được cải thiện do niềm tin vào thu nhập tương lai được cải thiện.
Ngoài ra, yếu tố thời thế cho năm tới đó là việc Donal Trump có thể áp thuế mạnh mẽ, gây bất lợi cho Trung Quốc và một số nước khác như Mexico, Canada hay kể cả EU. Điều này có thể sẽ thêm một lần nữa thúc đẩy các công ty dịch chuyển sản xuất tới các nước khác, và Việt Nam nổi lên là một trong số các nước được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sự dịch chuyển này.
Tuy nhiên, thị trường cũng không thể bỏ qua 2 thách thức lớn.
Thứ nhất là vấn đề nâng hạng, hiện vẫn còn một số vướng mắc như tỷ lệ sở hữu nước ngoài cần nhiều thời gian hơn để đánh giá lại, còn vấn đề hệ thống bù trừ trung tâm có thể giải quyết được khi KRX vận hành. Tuy nhiên, việc KRX vận hành được trong năm 2025 hay không còn chưa chắc chắn và nếu kỳ vọng điều này sớm quá nhưng không thực hiện được, thì có khả năng làm thị trường sụt giảm.
Hai là rủi ro tiềm tàng có thể bị áp thuế khi thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 3, đạt gần 100 triệu USD. Việt Nam có thể vào trong tầm ngắm áp thuế cao khi thặng dư thương mại gia tăng mạnh mẽ hơn nếu sự dịch chuyển sản xuất diễn ra mạnh. Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp làm giảm tốc độ tăng mức thâm hụt thương mại này bằng cách kích thích gia tăng nhập hàng hoá từ Hoa Kỳ hơn như máy bay, LNG...
Với những tác động trên, chúng ta có thể kỳ vọng thị trường năm mới sẽ thế nào?
Bối cảnh 2024 - 2025 khá tương đồng với bối cảnh 2016 - 2017, nhưng hiện tại là giai đoạn cất cánh cho đích đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao đến 2030.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã làm nổi bật vai trò quan trọng của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong giai đoạn đó, IPO và hàng loạt sản phẩm tài chính, thay đổi về luật chứng khoán được đưa ra đã thúc đẩy dòng vốn FII (đầu tư gián tiếp nước ngoài) chảy về thị trường chứng khoán năm 2017 ở mức kỷ lục (hơn 27.000 tỷ đồng trong 2017 so với âm khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2016).
Với nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, vai trò trung gian trong rất nhiều mảng quan trọng trong kinh tế toàn cầu của Việt Nam sẽ càng được nâng cấp hơn, điều này giúp GDP từ 2025 trở đi hứa hẹn sẽ tăng ở một cấp độ vượt bậc trong quá khứ. Ở thị trường chứng khoán, nâng hạng, hệ thống giao dịch mới, IPO và các sản phẩm mới tiếp tục được kỳ vọng phát triển, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành nơi đầu tư hấp dẫn và hút dòng chảy vốn từ nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bùng nổ.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẵn sàng bước vào một chu kỳ tăng giá mới và theo lịch sử (như 2017) có thể có chút lạc quan trở thành TOP thị trường tăng tốt trên toàn cầu.
Ông có thể đưa ra lời khuyên cho hoạch định chiến lược đầu tư cho năm 2025? Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những nhóm ngành tiềm năng nào?
Bối cảnh biến động ở 2025 là tương đối mạnh. Trong thời gian vài năm trở lại, dòng tiền đã càng ngày càng linh động với chu kỳ ra/vào tiền tương đối nhanh. Do vậy nhà đầu tư, ngoài việc chọn đúng cổ phiếu hoặc nhóm cổ phiếu tốt để nắm giữ, còn quan tâm đến việc "chốt lời" và tránh đi "lòng tham" trong năm 2025 để có thể bảo toàn tốt những kết quả có thể đạt được.
Nhận định về nhóm ngành tiềm năng, thị trường đã và đang phân hóa tương đối rõ ràng, với những cổ phiếu có câu chuyện và có kinh doanh tốt phản ánh vào đà tăng giá và neo ở mức cao trong năm 2024. Do vậy, các doanh nghiệp hưởng lợi sẽ có tăng trưởng thực sự trong bối cảnh mới, hoặc thuộc những nhóm ngành tiêu biểu cho chu kỳ mới của nền kinh tế, đơn cử như nhóm ngành công nghệ - viễn thông, nhóm ngành vật liệu hướng tới sự phát triển hạ tầng đất nước hoặc liên quan tới bán dẫn.
Bên cạnh đó, những nhóm ngành được định giá thấp nhưng là huyết mạch chính cho nền kinh tế như ngân hàng sẽ là những cổ phiếu hấp dẫn cho chu kỳ đầu tư sắp tới. Cuối cùng là những nhóm ngành phục vụ cho việc nhận dòng vốn dịch chuyển lớn từ bên ngoài như khu công nghiệp, logistic, cảng biển hay kể cả tiêu dùng, bất động sản.