Dragon Capital sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cuộc bình chọn để nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên nhiều mặt, không chỉ làm tốt báo cáo thường niên.

Dragon Capital sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cuộc bình chọn để nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên nhiều mặt, không chỉ làm tốt báo cáo thường niên.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều việc cần cải thiện

(ĐTCK) Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital chia sẻ, để đi đến ngày TTCK Việt Nam được nâng hạng, các công ty niêm yết Việt Nam cần cải thiện về nhiều mặt như công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty, phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Cùng với đó, câu chuyện về nới tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) cần có lời giải toàn diện để thu hút và giữ chân vốn ngoại.

Thưa ông, gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm thị trường Việt Nam được MSCI nâng hạng đang đến gần nhờ những nỗ lực trong nước. Ông đánh giá như thế nào về khả năng này?

Giới đầu tư nước ngoài nhìn thị trường Việt Nam về lịch sử, cơ cấu, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thì ai cũng cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi. Điều này cũng đúng khi nhìn vào doanh số giao dịch hàng ngày, vốn hóa thị trường so với một số thị trường được nâng hạng thì Việt Nam hơn hẳn.

Ông Dominic Scriven. 

Dù vậy, MSCI đã đưa ra 9 yếu tố hạn chế để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, nhưng lý do chủ đạo nhất là sự phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài, mà điển hình là áp dụng quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư, gọi là room.

Vấn đề này ta nghe nhiều rồi, có vẻ nhàm chán, nhưng thực tế đó là lý do chính khiến thị trường Việt Nam vẫn ở hạng cận biên. Các nhà đầu tư nước ngoài chia làm hai, một bên tiếp tục đầu tư, còn một bên thì không thể đầu tư, vì bị ràng buộc bởi các quy định về room. Đáng tiếc là đối tượng thứ hai lại chiếm phần lớn.

Đây cuối cùng là câu chuyện của Chính phủ, vấn đề của quốc gia. Dự báo, nếu được nâng hạng, sẽ có khoảng 5 - 7 tỷ USD đổ vào thị trường theo quỹ đầu tư chỉ số. Như thị trường Pakistan 1 năm trước khi nâng hạng đã tăng rất mạnh. 

Nhưng các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp để nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch dễ dàng hơn? Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã nới room, thưa ông?

Có rất ít công ty thực hiện nới room lên 100%. Lý do là quyền nới room vẫn thuộc quyết định của công ty, điều này khác với thông lệ của các nước khác và rất nhiều ngành vẫn còn hạn chế mở room.

Nhưng thực tế, theo quy định tại Luật Đầu tư thì công ty có sở hữu nước ngoài trên 51% là công ty nước ngoài, nên doanh nghiệp không thể từ bỏ một số ngành nghề kinh doanh quan trọng để nới room. Điều này thấy rõ với các công ty dược, công ty bán lẻ.

Khi đã hết room, thì giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá thị trường vì bị giới hạn bởi cầu. Nhà đầu tư ngoại chỉ có thể tham gia mua khi trả chênh lệch ngoài sàn. Các thương vụ ngoại lệ như thế mất nhiều thời gian để giao dịch. Nhà đầu tư phải hạch toán phần chênh lệch phải trả thành chi phí.

Bài toán kinh tế này với nhà đầu tư là khó xử lý nếu không muốn nói là bất khả thi. Mặc dù các thương vụ như vậy được tạo điều kiện để thực hiện thuận lợi hơn, nhưng như vậy chưa đủ để thuyết phục MSCI rằng, thị trường Việt Nam đủ tiêu chuẩn nâng hạng.

Theo ông, có giải pháp nào để giải quyết vấn đề triệt để hơn?

Luật Chứng khoán đang được sửa đổi là cơ hội để Việt Nam xem xét lại vấn đề một cách toàn diện khi điều tiết các vấn đề liên quan đến sở hữu nước ngoài của các công ty niêm yết.

Có một cách mà cá nhân tôi cho rằng sẽ xử lý được là thành lập bảng giao dịch riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Làm được vậy là đủ, không cần các giải pháp khác, nhưng nhiều ý kiến lo ngại phát sinh tình trạng hai giá.

Cách thứ ba là cho các công ty phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Cách này khá thành công ở Thái Lan. Tôi nhận thấy, nhiều giải pháp đã được bàn thảo, nhưng chưa có giải pháp nào tháo gỡ được hoàn toàn. Sẽ cần phải có một nhóm giải pháp. 

Những quỹ như Dragon Captial có thể huy động vốn theo cách nào trong bối cảnh hiện nay?

Trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, sân chơi cho các công ty quản lý quỹ đang thay đổi, thậm chí thay đổi nhanh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Có thể không cần người phân tích vì các bài phân tích do máy thực hiện.

Luật Chứng khoán đang được sửa đổi là cơ hội để Việt Nam xem xét lại vấn đề một cách toàn diện khi điều tiết các vấn đề liên quan đến sở hữu nước ngoài của các công ty niêm yết. Có một cách mà cá nhân tôi cho rằng, sẽ xử lý được là thành lập bảng giao dịch riêng cho nhà đầu tư nước ngoài

Bằng công nghệ số, nhà đầu tư có thể tham gia vào quỹ hay rút vốn từng giờ, mà không phải đợi đầu ngày hay cuối ngày. Việt Nam ban đầu tập trung vốn vào các quỹ đóng, rồi thế hệ thứ hai là các quỹ mở hay ETF. Tại Dragon Capital, một nửa vốn ở dạng quỹ đóng, còn một nửa ở dạng khác.

Thời gian tới, việc huy động vốn không phải dễ, nhưng cũng không phải là không có cơ hội. Bởi cá nhân tôi nghĩ rằng, với thị trường đang phát triển như Việt Nam, hình thức đầu tư chủ động, có sự tính toán phân tích của chuyên viên am hiểu doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn đầu tư thụ động.

Vì đầu tư theo chỉ số, thay đổi danh mục theo máy thì hơi nguy hiểm. Thực tế, trong nhóm doanh nghiệp lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể yên tâm đầu tư. Nhưng vốn mới nếu huy động được, tôi nghĩ, phần nhiều sẽ thông qua dạng quỹ mở và các dạng khác, bởi đây là xu hướng. 

Theo ông, việc cải thiện chất lượng các công ty niêm yết có tầm quan trọng như thế nào đối với nâng hạng thị trường?

Các công ty niêm yết Việt Nam rõ ràng cần cải thiện về nhiều mặt như công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị, phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Như kết quả Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 đã cho thấy chúng ta đang ở đâu trên các mặt này và cần phải làm gì. Dragon Capital sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cuộc bình chọn này để đạt những mục tiêu cao hơn, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên nhiều mặt, không chỉ làm tốt báo cáo thường niên.

(Bài viết đã được đăng trên Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp niêm yết 2018, do Báo Đầu tư xuất bản tháng 11/2018)

Tin bài liên quan