Ðại dịch chưa đến đỉnh điểm, TTCK có thể chưa dò đến đáy
Thế giới vẫn đang chứng kiến sự lây lan của dịch Covid-19 khi số trường hợp nhiễm bệnh hiện tăng lên mốc 380.000 người, trong đó có 16.500 người chết, tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ.
Các nhà đầu tư trên toàn cầu tiếp tục bán các tài sản rủi ro như cổ phiếu, dù ngân hàng trung ương các nước liên tục có các động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái.
Mặc cho những động thái tích cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ bơm thêm 500 tỷ USD vào thị trường, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định khởi động chương trình mua chứng khoán khẩn cấp trị giá gần 821 tỷ USD…, TTCK toàn cầu vẫn nằm trong biển lửa.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đầu tuần này giảm thêm 43 điểm, nâng mức giảm của 11 phiên gần nhất lên 225 điểm, tương đương giảm hơn 25%, xuống 666 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài duy trì động thái bán ròng.
Mặc dù thị trường giảm điểm mạnh khiến các chỉ số định giá trở nên hấp dẫn, nhưng trong ngắn hạn, xu hướng chung của TTCK vẫn được nhìn nhận khá tiêu cực.
Tâm lý nhà đầu tư đang bất ổn, nên không chỉ chứng khoán mà vàng vốn là công cụ trú ẩn cho đồng vốn cũng bị bán ra để đổi lấy tiền mặt.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường đang nghiêng về phương án thận trọng và kém lạc quan.
Ở kịch bản thận trọng, chỉ số VN-Index dự kiến xác lập đáy quanh vùng 630 - 660 trước khi phục hồi trở lại vùng cân bằng 680 - 720 điểm.
Trong kịch bản thận trọng hơn, diễn biến TTCK thế giới tiếp tục có những xáo trộn và khó đoán, dao động với biên độ lớn với xu hướng chính là giảm điểm.
Khối ngoại tăng cường bán ròng và dòng tiền nội co hẹp. Khả năng thị trường chịu áp lực giảm điểm tiếp tục diễn ra trong những phiên cuối tháng 3, vùng cân bằng có thể đạt được thấp hơn nhiều so với các vùng đáy kỹ thuật trong 3 năm gần đây.
So với mức đỉnh 1.200 điểm đạt được vào đầu tháng 4/2018 thì vùng hỗ trợ 600 - 650 điểm của VN-Index trong giai đoạn hiện nay là tương đối mạnh, hấp dẫn dòng tiền đầu tư quay trở lại.
Mặc dù vậy, thị trường cũng không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản kém lạc quan, VN-Index xuyên qua vùng 600 điểm, về mức đáy của giai đoạn 2013 - 2015.
Kịch bản này xảy ra khi rủi ro bệnh dịch tăng mạnh và mất kiểm soát, cả nhà đầu tư nội và ngoại đều bán tháo. Ðiểm giải ngân thích hợp là khi chỉ số dừng đà giảm và xác lập tín hiệu tích lũy ở các vùng hỗ trợ 550 - 580 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, hiện tại, áp lực bán tháo chưa có dấu hiệu kết thúc do yếu tố dịch bệnh và diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới.
“Thị trường vẫn đang đối mặt với đà giảm ngắn hạn và ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất là 600 điểm. Mặc dù vậy, có thể thấy thị trường đã giảm rất sâu và mức định giá đang trở nên hấp dẫn hơn trong trung và dài hạn”, ông Minh nói.
Diễn biến thị trường thời gian vừa qua gợi nhớ về đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, ông Trần Ðức Anh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, khủng hoảng khó có thể lặp lại khi những gói cứu trợ tài khóa và tiền tệ khẩn cấp của nhiều nước được xem là đủ mạnh mẽ và kịp thời để trung hòa những suy giảm hoạt động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
“Về TTCK, còn quá sớm để khẳng định thị trường đã chạm đáy, bởi những biến động khó lường của tình hình dịch bệnh ở các nước châu Âu cũng như nước Mỹ. Tốc độ lây lan, thời gian kéo dài và mức độ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu vẫn là yếu tố khó đoán định và kịch bản xấu hơn kỳ vọng vẫn có thể hiện hữu. Khó có thể xác định đáy của TTCK khi chưa xác định được đỉnh điểm của dịch”, ông Ðức Anh nhận định.
Sẽ không “ngắt mạch” giao dịch
Thời gian vừa qua, không ít TTCK trên thế giới đã phải sử dụng biện pháp “ngắt mạch” để chặn đà sụt giảm quá mức. Chẳng hạn, tại Mỹ, lệnh ngắt giao dịch đã được kích hoạt hai lần vào ngày 9/3 và 12/3 do chỉ số S&P 500 giảm mạnh hơn mức cho phép.
Tại thị trường châu Á, cơ chế ngắt mạch được TTCK Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines kích hoạt.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trên TTCK thế giới hiện có 2 phương pháp mà cơ quan quản lý thường sử dụng để quản lý và hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong trường hợp thị trường biến động mạnh.
Thứ nhất, áp dụng giới hạn biên độ dao động giá - đây là phương pháp Việt Nam cũng đang áp dụng.
Thứ hai, sử dụng công cụ ngắt mạch tự động (circuit breaker) khi trong phiên giá chứng khoán biến động xuống dưới ngưỡng quy định.
Chức năng của hai phương pháp này về cơ bản là giống nhau, Việt Nam áp dụng biên độ dao động giá thì không áp dụng ngắt mạch tự động.
Quan điểm điều hành TTCK Việt Nam là tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết.
TTCK là nơi tạo ra sự luân chuyển của dòng vốn trong nền kinh tế, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là duy trì, hỗ trợ cho dòng vốn ấy được luân chuyển hiệu quả, giúp cho các doanh nghiệp có được nguồn vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Do vậy, việc can thiệp vào dòng chảy bình thường ấy khi thị trường vẫn đang vận hành đúng theo chức năng (có cung cầu, có thanh khoản tốt) là điều không cần thiết.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, ngừng giao dịch là biện pháp khá “thô bạo” với TTCK và không nên áp dụng, làm chặn dòng chảy của thị trường.
Tuy nhiên, để hạn chế đà giảm mạnh của thị trường, cơ quan quản lý có thể một lần nữa áp dụng biện pháp giảm biên độ biến động giá về mức tối đa 2 - 3%/phiên giao dịch, như đã từng áp dụng trong năm 2008 (một lần giảm mạnh từ +/-5% xuống +/-1% và 3 lần tăng để đưa biên độ trở lại mức ban đầu).
Trong gần 20 năm hoạt động của TTCK, đã có 10 lần cơ quan quản lý phải sử dụng đến biện pháp giảm biên độ dao động giá.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, nhà đầu tư tại Hà Nội, giảm biên độ dao động giá sẽ làm giảm tính hấp dẫn của TTCK, nhưng trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm không phanh thì có thể xem xét áp dụng nhằm giảm thiệt hại cho nhà đầu tư, khi thị trường ổn định thì quay trở lại biên độ cũ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, các biện pháp kỹ thuật ngắn hạn cần thiết hiện nay là các doanh nghiệp và các thành viên hội đồng quản trị nên gia tăng đăng ký mua vào cổ phiếu để giảm áp lực bán ra trên thị trường, đặc biệt là từ các mã sử dụng giao dịch ký quỹ (margin).
Ðồng thời, các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch kinh doanh với các giải pháp ứng phó nếu dịch bệnh sẽ kéo dài. Giải pháp dài hạn hơn là Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc giảm chi phí và thuế để có thêm nguồn lực trụ lại và vượt qua khó khăn.