Các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi các ngóc ngách đầu cơ của thị trường khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiến hành thắt chặt các điều kiện tài chính.
Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm 7,6% trong tuần qua, mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch làm rung chuyển các thị trường tài chính Mỹ vào tháng 3/2020.
Chỉ số S&P 500 cũng đã giảm 5,7% trong tuần qua. Hơn 2/3 cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 hiện đang điều chỉnh kỹ thuật hoặc giảm ít nhất 10% so với mức cao kỷ lục, trong đó bao gồm 149 cổ phiếu có mức giảm từ 20% trở lên.
Diễn biến chỉ số S&P 500, Nasdaq Composite và Russell 2000 |
Chỉ số FTSE All-World đã giảm 4,2% trong tuần qua, ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
Hiệu suất sinh lời của chỉ số FTSE All World theo tuần |
Trong số các cổ phiếu Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Netflix với mức giảm 22% vào phiên giao dịch ngày 21/1 sau khi công ty cảnh báo tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể.
Tim Skiendzielewski, Giám đốc đầu tư tại Abrdn - nhà quản lý tài sản 700 tỷ USD cho biết, một mùa báo cáo lợi nhuận khởi đầu kém khả quan đã đánh gục niềm tin của nhà đầu tư khi thị trường đang có dấu hiệu phục hồi sau đợt bán tháo trước đó.
“Vào thời điểm mà các nhà đầu tư hy vọng rằng thị trường sẽ tìm thấy đáy và sẽ bước vào một mùa lợi nhuận khả quan để có thể giúp giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư và nâng cao niềm tin của thị trường, báo cáo của Netflix đã làm ngược lại và phát đi cho thị trường những mối lo ngại”, ông cho biết.
Luca Paolini, chiến lược gia trưởng tại Pictet Asset Management cho biết: “Ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu công nghệ sang các nhóm ngành khác là không thể tránh khỏi vào một thời điểm nào đó. Khi bạn gặp những mất mát như thế này, chúng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và mọi thứ khác đi xuống”.
Sự thay đổi về kỳ vọng tăng trưởng của các công ty được đánh giá cao và đang phát triển nhanh như Netflix đã đánh dấu giai đoạn mới nhất của sự sụt giảm đã gây tiếng vang trên các thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà đầu tư vật lộn với một ngân hàng trung ương đang thay đổi đáng kể chính sách tiền tệ.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và chấm dứt các biện pháp kích thích khác đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán kể từ khi đại dịch bắt đầu. Sự xoay trục đó từ Fed đã được cảm nhận sâu sắc trong thị trường trái phiếu Kho bạc và cũng là xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu và là thị trường đóng vai trò là thước đo để định giá tất cả các tài sản khác.
Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng cao hơn trong năm nay và thúc đẩy thị trường chứng khoán xoay trục mạnh mẽ khỏi các cổ phiếu công nghệ và chuyển sang cổ phiếu của các doanh nghiệp có vận may được gắn với sự phục hồi kinh tế từ những cú sốc của đại dịch Covid-19.
Các tài sản khác cũng đã có một khởi đầu khó khăn trong năm nay. Bitcoin từng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 11/2021 đã giảm 17% vào năm 2022.
Jim Tierney, nhà quản lý quỹ tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng tại AllianceBerntein cho biết: “Thị trường chứng khoán đã bước vào giai đoạn giảm giá trước viễn cảnh Fed sẽ buộc phải hành động. Trong 20 năm qua, Fed chưa bao giờ là có quan điểm quá diều hâu về chính sách tiền tệ, nhưng thị trường hiện đang định giá theo ý tưởng rằng họ sẽ phải như vậy”.
Thị trường chứng khoán cũng sụt giảm trên khắp châu Âu, với chỉ số Stoxx 600 giảm 1,4% trong tuần qua, mức giảm trong tuần thứ ba liên tiếp.