Chỉ số S&P 500 kết thúc tuần với mức giảm 2,1%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,6%. Thị trường chứng khoán đã lao dốc trong tuần này khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã dập tắt kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Chỉ số cổ phiếu toàn cầu FTSE All-World đã ghi nhận mức giảm 2,6% trong tuần này, đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ vào tháng 3 đã khiến chứng khoán toàn cầu rơi vào tình trạng khó khăn.
Diễn biến chỉ số FTSE All-World |
Sự sụt giảm một phần được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ siêu vốn hóa Magnificent Seven của Mỹ – Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla. Nhóm các cổ phiếu này đã mất hơn 900 tỷ USD giá trị thị trường trong ba tuần giảm liên tiếp.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tiến gần đến mức cao nhất kể từ năm 2007 vào thứ Năm (17/8).
Hôm thứ Năm (17/8), Bộ lao động Mỹ báo cáo rằng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần từ ngày 6/8 tới ngày 12/8, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi khi đối mặt với chi phí vay cao hơn.
Padhraic Garvey, Giám đốc khu vực nghiên cứu châu Mỹ tại ING cho biết: “Về cơ bản, thị trường đã thu hẹp phạm vi cắt giảm lãi suất trong tương lai vì nền kinh tế không đứng yên”.
Trong tuần tới, các nhà kinh tế sẽ tập trung vào hội nghị Jackson Hole, Wyoming - một hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên nổi tiếng dành cho các ngân hàng trung ương được tổ chức bởi chi nhánh của Fed tại Thành phố Kansas. Các nhà đầu tư sẽ chú ý đến Chủ tịch Fed Jerome Powell khi ông chia sẻ quan điểm về nền kinh tế Mỹ.
Tại châu Âu, Stoxx 600 đã giảm gần 2% trong tuần qua và đây cũng là hiệu suất hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang trở nên lo ngại hơn nữa bởi dòng dữ liệu kinh tế liên tục suy yếu được công bố từ Trung Quốc, điều này củng cố mối lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể mất một thời gian dài để phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19.
Chỉ số CSI 300 giảm 1,2% và Hang Seng giảm 2,1% trong tuần qua. Trong khi chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 0,7% và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,6% trong cùng kỳ.
Việc Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản mặc dù không quá đáng lo ngại nếu xét riêng lẻ, nhưng đã gây ra mối lo ngại lớn hơn về thị trường bất động sản của Trung Quốc khi kết hợp với việc Country Garden có thể không đáp ứng được các khoản thanh toán từ một số trái phiếu đến hạn.
“Cho dù đó là cuộc khủng hoảng đang âm ỉ trên thị trường bất động sản Trung Quốc, sự gia tăng lợi suất trái phiếu của Mỹ do lo ngại lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn hay doanh số bán lẻ của Anh sụt giảm nghiêm trọng, mọi thứ đang bắt đầu trở nên tồi tệ ngoài kia”, Russ Mould, Giám đốc quỹ đầu tư AJ Bell Investment cho biết.
Hôm thứ Sáu (18/8), cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã công bố một gói cải cách thân thiện với thị trường nhằm cố gắng “tăng cường niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường vốn”, thông qua khả năng kéo dài thời gian giao dịch cho thị trường chứng khoán và trái phiếu cũng như giảm phí giao dịch cho các công ty chứng khoán.