Thị trường chứng khoán tháng 10: Ẩn số TPP

Thị trường chứng khoán tháng 10: Ẩn số TPP

(ĐTCK) Nhận định xu hướng thị trường trong tháng 10, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng cho rằng, thị trường sẽ không có nhiều thay đổi mạnh, khả năng sẽ tiếp tục là các dao động ngang và tăng nhẹ.

Yếu tố tác động tích cực là kinh tế vĩ mô hồi phục, định giá TTCK vẫn hấp dẫn và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp khả quan. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ẩn số quan trọng nhất là kết quả đàm phán TPP trong lần họp này.

Thị trường đã trải qua tháng 9 trong tư thế “chờ đợi” và giao dịch trầm lắng, ông có nhận định gì về xu hướng thị trường trong tháng 10?

Trong tháng 9, TTCK Việt Nam giao dịch hết sức trầm lắng. Biến động điểm số gần như không đáng kể, VN-Index giảm nhẹ 0,9%, trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,8%.

Thanh khoản cũng ở mức rất thấp cho thấy phần lớn nhà đầu tư đang tiết chế hoạt động giao dịch của mình, bình quân thanh khoản hai sàn trong tháng 9 chỉ bằng 70% mức trung bình của tháng 8 (vốn cũng không phải là tháng có thanh khoản cao trong năm 2015).

Sự yên ắng của thị trường có nguyên nhân từ “khoảng trống thông tin” khi gần như trong nước không có thông tin quan trọng nào xuất hiện trong khoảng thời gian này.

Trong bối cảnh như hiện nay, chúng tôi cho rằng, diễn biến của thị trường trong tháng 10 sẽ không có nhiều thay đổi mạnh, khả năng sẽ tiếp tục là các dao động ngang và tăng nhẹ.

Lý do để đưa ra đánh giá lạc quan vừa phải trong ngắn hạn cho thị trường, là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và hồi phục với tốc độ nhanh hơn; định giá của TTCK Việt Nam tiếp tục hấp dẫn và kỳ vọng vào sóng kết quả kinh doanh quý III.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về các yếu tố tác động đến thị trường tháng 10?

Như đã nói ở trên, theo tôi, có 3 yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 10.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô đang trên đà khởi sắc. Số liệu mới nhất về GDP quý III tiếp tục là bằng chứng cho thấy sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế khi ghi nhận mức tăng 6,5% so với cùng kỳ 2014. Năm 2015 đang là năm ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, trong đó, GDP quý I tăng 6,12%, quý II tăng 6,47% và quý III tăng 6,81%.

Thị trường chứng khoán tháng 10: Ẩn số TPP ảnh 1

 Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng phân tích CTCK Maybank Kim Eng

Thứ hai, định giá của TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn. PE trung bình trên HOSE hiện dao động quanh mức 11,5 lần, rẻ hơn 20% so với trung bình của khu vực. Dù rủi ro từ nhóm các thị trường mới nổi đang gia tăng, nhưng cũng không quá với kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 10% từ nay đến cuối năm để về gần mức trung bình của khu vực (đặt trong giả định các thị trường khác giảm giá từ 5 - 10%).

Thứ ba là kỳ vọng về sóng kết quả kinh doanh quý III. Tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu hé mở dần kết quả kinh doanh quý III. Chúng tôi cho rằng, sẽ có “sóng” lớn hơn dành cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan. Một số nhóm ngành có thể lưu tâm như vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất, ô tô…

Bên cạnh những yếu tố tích cực vừa nêu, vẫn có nhiều lý do để sự lạc quan trong ngắn hạn không nên quá cao, chẳng hạn rủi ro từ khả năng suy thoái của kinh tế Trung Quốc; quyết định về thay đổi lãi suất của Fed trong kỳ họp tháng 10 và rủi ro suy giảm từ nhóm TTCK các quốc gia mới nổi.

Được biết, TPP đã nối lại vòng đàm phán. Theo ông, kết quả của TPP sẽ tác động như thế nào đến TTCK trong nước?

Các quốc gia thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến hành nhóm họp lần tiếp theo. Cuộc họp này có thể kéo dài đến đầu tháng 10.

Đây có thể xem là cơ hội cuối cùng cho những quốc gia tham gia TPP hoàn tất việc đàm phán và giúp việc ký kết TPP có thể diễn ra trước thời điểm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ trong năm sau (nếu không TPP sẽ phải dời lại đến ít nhất giữa năm 2017).

TTCK Việt Nam với khá nhiều doanh nghiệp niêm yết nằm trong những ngành nghề dự kiến được hưởng lợi lớn từ TPP, nên sẽ nhận được mối quan tâm lớn hơn từ dòng tiền của thị trường cả trong và ngoài nước. Kết quả đàm phán TPP trong lần họp này có thể xem là “ẩn số” quan trọng nhất trong ngắn hạn đối với TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan