Chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực giảm giá chung với TTCK quốc tế

Chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực giảm giá chung với TTCK quốc tế

Thị trường chứng khoán tháng 1: Giảm vì áp lực bên ngoài

(ĐTCK) Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng cho rằng, TTCK Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi các thông tin kinh tế, tài chính thế giới bất lợi, nhất là diễn biến giảm giá của TTCK quốc tế. Xu hướng giảm điểm của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp diễn. 

TTCK liên tục điều chỉnh giảm trong hơn một tuần qua. Ông nhận định gì về xu hướng thị trường trong thời gian tới?

Nhiều khả năng xu hướng giảm sẽ tiếp diễn trong tháng 1. Hiện TTCK bị ảnh hưởng khá mạnh bởi các thông tin kinh tế, tài chính thế giới. Kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ổn định, nhưng điều này chỉ góp phần ngăn thị trường không giảm sâu, trong khi vẫn bị áp lực giảm giá chung với TTCK quốc tế.

Các yếu tố đang tác động mạnh đến TTCK Việt Nam là bất ổn tại Trung Đông, giá dầu sụt giảm, TTCK Trung Quốc giảm điểm, giá đồng nhân dân tệ liên tục điều chỉnh và có thể sẽ giảm thêm trong thời gian tới.

Về đồng nhân dân tệ, kinh tế Trung Quốc đi xuống khiến ngân hàng trung ương nước này đã phải bơm ra rất nhiều tiền để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính, khiến dự trữ ngoại hối lần đầu tiên sụt giảm.

Năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 500 tỷ USD, trong đó riêng tháng 12 giảm 108 tỷ USD, xuống còn 3.330 tỷ USD. Đồng nhân dân tệ giảm giá khiến ngân hàng trung ương nhiều nước, nhất là khu vực châu Á, phải giảm giá đồng nội tệ nhằm kích thích xuất khẩu.

Trong khi đó, cán cân thương mại của Việt Nam ngày càng thâm hụt mạnh hơn với Trung Quốc, đặc biệt thương mại với Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân thương mại, đã tạo áp lực giảm giá lên Việt Nam đồng.

Thị trường chứng khoán tháng 1: Giảm vì áp lực bên ngoài ảnh 1

Ông Phan Dũng Khánh
 

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ mới bắt đầu tăng lãi suất, trong năm 2016 dự kiến có 4 đợt tăng lãi suất, sẽ hạn chế dòng tiền đầu tư vào các kênh mạo hiểm như chứng khoán.

Tin từ EPFR Global cho biết, có tới 8.800 tỷ USD đã rút ra khỏi các quỹ đầu tư toàn cầu trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016, khiến thị trường tài chính quốc tế có một tuần giao dịch tồi tệ. Diễn biến này ảnh hưởng mạnh đến TTCK Việt Nam, đến tâm lý các NĐT trong và ngoài nước. 

Từ đầu tháng 1 đến nay, khối ngoại liên tiếp bán ròng, nhưng giá trị bán giảm dần. Ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động cũng như tác động của dòng vốn này đến TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Tỷ trọng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam không lớn đến mức chi phối trực tiếp đến diễn biến thị trường, nhưng khối ngoại chủ yếu nắm giữ những cổ phiếu blue-chips, có vốn hóa lớn, tác động mạnh đến diễn biến của chỉ số chứng khoán, nên tác động gián tiếp của dòng vốn này là không nhỏ. Mặt khác, uy tín của các tổ chức đầu tư nước ngoài khá lớn, nên động thái giao dịch của họ tác động mạnh đến tâm lý thị trường nói chung, đặc biệt là các NĐT nội.

Theo quan sát của tôi, dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút ra khỏi TTCK, nhưng không phải do kinh tế Việt Nam yếu kém hay DN niêm yết kinh doanh kém khởi sắc (thực tế, số lượng DN kinh doanh khả quan đang tăng lên), mà chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như đã nêu trên.

Mặc dù vậy, dòng vốn này chủ yếu là các dòng vốn ngắn hạn, vốn dễ bị tổn thương bởi các biến động trên thị trường quốc tế, bị rút ra nhanh nhưng chảy vào cũng nhanh, còn các dòng vốn trung và dài hạn vẫn đang ổn định.

Bởi thế, khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, DN có sự chuẩn bị tốt để tận dụng tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế sâu rộng như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, đồng thời Nhà nước có chính sách thu hút vốn ngoại, thì những dòng vốn ngắn hạn sẽ sớm quay lại và gia tăng được dòng vốn trung và dài hạn từ NĐT nước ngoài.

Không ít cổ phiếu có mức giảm giá mạnh so với bình quân của thị trường, mặc dù hoạt động của DN vẫn khá ổn định. Theo ông, yếu tố nào đang chi phối đến giá những cổ phiếu này và đây có phải là cơ hội để NĐT giải ngân?

Việc DN kinh doanh khả quan, nhưng giá cổ phiếu đi xuống không phải là hiện tượng hiếm hoi trên TTCK. Ngược lại, có những công ty không có kết quả kinh doanh tốt, nhưng giá cổ phiếu vẫn đi lên.

Lý do đơn giản là TTCK có yếu tố đầu cơ và việc đầu tư chứng khoán vốn được xem là đầu tư vào tương lai của DN, chứ không phải hiện tại. Nghĩa là, hiện tại DN hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, khởi sắc, nhưng triển vọng trong tương lai bị giảm, thì dòng tiền đầu tư thường có xu hướng rút dần ra khỏi cổ phiếu của DN đó.

Bởi thế, giá cổ phiếu giảm mạnh thì NĐT có nên giải ngân hay không phụ thuộc vào tiềm năng của DN đó trong tương lai, cơ hội tăng trưởng trong tương lai có nhiều không. Các yếu tố cần xem xét là dự án đầu tư tiềm năng, khả năng quản trị DN, tầm nhìn, khả năng nắm bắt cơ hội, vốn, công nghệ... Đó là những yếu tố chi phối nhiều đến giá cổ phiếu.

Tin bài liên quan