Thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội bứt phá sau quyết định Fed tăng lãi suất

Thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội bứt phá sau quyết định Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Theo ông Ngô Quốc Hưng, chuyên gia Tư vấn đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu Công ty chứng khoán Công Thương (VietinbankSc), cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, 2 phiên giảm điểm vừa qua sau quyết định chính thức nâng lãi suất của FED sẽ là cơ hội để thị trường chứng khoán có thể bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt trong tháng 3 này.

Ông đánh giá thế nào về quyết định tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa qua?

Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD, lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua.

Quyết định của FED trong việc tăng lãi suất thêm 0,25% ( từ 0.75%  lên 1%) lần này hầu như không có tác động tiêu cực nào hoặc không gây bất ngờ và xáo trộn trên thị trường tài chính, thị trường hàng hóa thế giới cũng như Việt Nam đó là do việc nâng lãi suất đã có lộ trình trước (3 lần trong năm 2017); và mức tăng nhỏ giọt này đúng như thị trường dự đoán.

Thực thế cho thấy, ở các thị trường tài chính hay thị trường hàng hóa đều đã tăng tích cực, khác hoàn toàn với các đợt tăng lãi suất trước của Fed.

Đợt tăng này diễn ra khá sớm so với thường lệ (thường là tháng 6 hoặc tháng 12 hàng năm) cho thấy nền kinh tế thế giới đang diễn biến tốt và triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân tổng thống Donald Trump.

Dự báo của ông về dòng vốn rút khỏi thị trường cận biên, mới nổi trong đó có Việt Nam sau quyết định của Fed trong ngắn và dài hạn?

Về dài hạn, việc tăng lãi suất của Fed không thể nói không tác động tới thị trường cận biên, mới nổi trong đó có Việt Nam. Bởi về lý thuyết, dòng vốn sẽ hồi hương về nơi có mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên về ngắn hạn, quyết định nâng lãi suất trên, đã không gây bất ngờ và hầu như không có tác động tiêu cực nào đến thị trường tài chính và thị trường hàng hóa thế giới cũng như trong nước.

Cụ thể, việc tỷ giá đồng USD đi xuống và thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực trong vài tuần qua cho đến nay, chứng tỏ dòng tiền vẫn vào khá mạnh.

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trong gần 3 tháng qua (số liệu tính đến 16/03 với tổng giá trị mua ròng là gần 2.466 tỷ đồng, trong đó HSX là 1.800 tỷ đồng) cho thấy, dòng vốn rút khỏi thị trường cận biên, mới nổi trong đó có Việt Nam sau quyết định của Fed là không đáng ngại.

Mặt khác, việc rà soát và điều chỉnh danh mục của các quỹ ETF trong tháng 3 này cũng sẽ không có tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông dự đoán thế nào về giao dịch trong tuần tới, liệu có là cơ hội để VN-Index bứt phá (trong tháng 3 này)?

Hiện tại, các yếu tố thuận lợi đang hội tụ đầy đủ và hỗ trợ rất tốt cho thị trường bứt phá, thiết lập đỉnh mới.

Chứng khoán vẫn sẽ hút dòng tiền nhờ các yếu tố như thị trường ngoại hối trong nước đã phản ứng khá bình tĩnh trước quyết định  nâng lãi suất của Fed; dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, bao gồm cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016; lạm phát đang ở mức thấp dù có thể vượt kế hoạch đề ra 4% song với mức trên dưới 5% cũng là rất lý tưởng.

Các nhà đầu tư theo giá trị sẽ tìm thấy nhiều cơ hội ở các cổ phiếu mới chào sàn, có uy tín, hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào dư thừa tiền, kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, nên việc đẩy mạnh việc cung cấp tín dụng cho kênh chứng khoán khả năng cao sẽ là dự lựa chọn cho thời điểm như hiện nay.

Một yếu tố khác là chỉ số PMI của Việt Nam cũng đang đạt trên mức 54,2 điểm (cao nhất trong các nước Đông Nam Á), điều này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của đơn đặt hàng sản xuất. 

Nhà đầu tư nên cân nhắc những yếu tố nào khi lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này, thưa ông?

VietinbankSc tiếp tục giữ quan điểm đầu tư giá trị chính là chìa khóa để thành công bền vững trên thị trường chứng khoán.

Năm 2017, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều biến động theo các diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, nên việc đầu tư “lướt sóng”, theo tin đồn, không bám sát doanh nghiệp… sẽ rất khó khăn.

Ngược lại, các nhà đầu tư theo giá trị sẽ tìm thấy nhiều cơ hội ở các cổ phiếu mới chào sàn, có uy tín, hoạt động hiệu quả.

Trên sàn niêm yết, chúng tôi tin rằng nhà đầu tư sẽ có cơ hội từ các ngành: Hàng tiêu dùng (thực phẩm, đồ uống, gia dụng…), Xây dựng và vật liệu xây dựng (thép, nhựa…), các mặt hàng cơ bản có thể được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá trên thế giới (cao su tự nhiên, khai thác đá, dầu…), bất động sản khu công nghiệp…

Tin bài liên quan