Phản ứng hợp lý
Ngày 11/6, thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm trên diện rộng, trong đó chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch tồi tệ khi các chỉ số đồng loạt giảm mạnh, Dow Jones giảm 6,9% về mức 25.128,17 điểm, S&P 500 giảm 5,9% về 3.002,1 điểm, Nasdaq Composite giảm 5,3% về mức 9.492,73 điểm.
Trước đó, các thị trường đều hồi phục mạnh kể từ đầu tháng 4/2020, sau giai đoạn bán tháo vì đại dịch Covid-19.
Nhà đầu từ đặt kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế khi các quốc gia dần mở cửa trở lại, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh sau khi bị gián đoạn bởi biện pháp cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, chính sách kích cầu trên diện rộng được các ngân hàng trung ương thực hiện hỗ trợ dòng tiền mới cho thị trường.
Dựa trên chính sách kích cầu, cũng như dự kiến hoạt động kinh doanh sẽ sớm khôi phục như thời điểm trước dịch, giới đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán và lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục theo hình chữ “V”.
Thực tế, chứng khoán hồi phục nhanh và mạnh, phớt lờ các thông tin tiêu cực bên ngoài, những rủi ro được cảnh báo khi nền kinh tế mở cửa trở lại quá sớm…
Thứ nhất, việc mở cửa quá sớm tại châu Âu và Mỹ trong khi dịch Covid-19 chưa được khống chế, cũng như chưa có miễn dịch cộng đồng, đặt ra thách thức dịch có thể quay trở lại. Trong khi đó, quốc gia khống chế dịch tốt như Trung Quốc, Việt Nam đối mặt với nguy cơ dịch từ quốc gia khác xâm nhập và lây lan.
Thứ hai, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Cuộc chiến này có ảnh hưởng tới toàn cầu, những nước phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu, thị trường xuất khẩu đều có quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, vì vậy đang rơi vào tình thế lưỡng nan khi nghiêng về bên nào đều có thể bị tổn thương.
Chẳng hạn, Úc ủng hộ Mỹ và bị Trung Quốc trả đũa: cấm nhập khẩu thịt bò, hạn chế mua than từ Úc… Gần đây, thị trường tiếp tục lo ngại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang khi Trung Quốc thông qua luật an ninh tại Hồng Kông.
Thứ ba, chủ nghĩa bảo hộ “lên ngôi”, đe doạ thương mại tự do toàn cầu. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia đều muốn kích cầu tiêu dùng nội địa, hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình thương mại tự do và toàn cầu hoá, đẩy chi phí lên cao và tổng thể nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại.
Nhìn chung, giới đầu tư trước đó chủ yếu quan tâm tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ nhanh chóng giúp kinh tế hồi phục, mà coi nhẹ các tín hiệu rủi ro toàn cầu từ việc kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại từ 0 - 0,25%/năm cho tới năm 2022 và chưa có kế hoạch đưa lãi suất về dưới 0.
Bên cạnh đó, Fed dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 6,5% trong năm 2020 trước khi tăng trở lại 5% trong năm 2021 và số liệu báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 tăng chỉ là sự thật mà nhà đầu tư đã phớt lờ giai đoạn trước đó.
Theo đó, thị trường tài chính toàn cầu sau giai đoạn hưng phấn, phớt lờ tin xấu đã nhận ra triển vọng kinh tế có thể không như kỳ vọng, nên quay trở lại bán ra, cũng như hiện thực hóa lợi nhuận.
Phiên giao dịch ngày 12/6 sau đó, các thị trường chứng khoán nhìn chung giảm điểm, nhưng không mạnh, thanh khoản duy trì ở mức cao.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đồng pha với thế giới
Đặc điểm đầu tư trong giai đoạn đầu năm 2020 có sự đồng pha giữa các thị trường tài chính trong nước và thế giới, các thị trường đều phản ứng sự đồng pha này dựa trên dự báo tăng trưởng toàn cầu gặp thách thức khi xuất hiện đại dịch Covid-19 và sau đó kỳ vọng vào việc nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tại Việt Nam, các chính sách kích cầu như giảm lãi suất, giãn nợ vay và cơ cấu lại nợ vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bên cạnh đó là đẩy mạnh đầu tư công đã tạo ra câu chuyện kỳ vọng cho thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ.
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm tới nay.
Kể từ đầu tháng 4 tới nay, thị trường hồi phục theo hình chữ V và tiếp cận vùng giá trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Giả định của thị trường chứng khoán là nền kinh tế sẽ sớm khôi phục, các hoạt động trở lại guồng quay bình thường như trước khi có dịch.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện kỳ vọng của nhà đầu tư cá nhân, khối nhà đầu từ nước ngoài vẫn có động thái bán ròng. Trong tháng 2, khối ngoại rút ròng 2.886,28 tỷ đồng, tháng 3 rút ròng 8.118,39 tỷ đồng, tháng 4 rút ròng 6.139,93 tỷ đồng, tháng 5 rút ròng 433,7 tỷ đồng và những phiên giao dịch đầu tháng 6 rút ròng 166,59 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước lạc quan nên tăng mua và thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư mới.
Theo dữ liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2020 có 128.347 tài khoản mở mới, trung bình mỗi tháng mở 25.000 tài khoản, gấp đôi mức trung bình năm 2019.
Theo số liệu của FiinPro, trong tháng 4, khối tự doanh bán ròng 1.900 tỷ đồng, tháng 5 bán ròng 43 tỷ đồng.
Như vậy, dòng tiền đổ vào thị trường trong giai đoạn hồi phục tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, mà dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân thường không bền, dễ thay đổi.
Tín hiệu cảnh báo rủi ro
Thanh khoản thị trường tăng đột biến trong tuần qua, giá trị khớp lệnh mỗi phiên đạt từ trên 5.000 tỷ đồng (phiên 5/6) đến gần 9.000 tỷ đồng (phiên 11/6).
Trong khi đó, ở thời điểm đầu tháng 4, giá trị khớp lệnh chỉ dao động từ 2.000 - 3.500 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản tăng cao trong bối cảnh thị trường chứng khoán có đợt tăng “nóng” kéo dài là một tín hiệu cảnh báo rủi ro. Những nhà đầu tư lớn sẽ tranh thủ thoát hàng, hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi nhà đầu tư cá nhân vẫn còn hưng phấn do kiếm được lợi nhuận nên tự tin nắm giữ cổ phiếu hoặc mua vào.
Một dấu hiệu khác đáng chú ý là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tạo sóng. Thống kê trong 10 phiên giao dịch trở lại đây, các cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao chủ yếu đến từ những cổ phiếu thị giá thấp, nhà đầu tư ít quan tâm trước đó bỗng thu hút dòng tiền. Chẳng hạn, trong 10 phiên, giá cổ phiếu NHP tăng 133,33%, cổ phiếu HQC tăng 84,26%, cổ phiếu KSQ tăng 68,23%, PXT tăng 66,38%, QBS tăng 66,23%, ITA tăng 64,22%… Thông thường, sóng cổ phiếu nhỏ không bền, nhất là trong bối cảnh thị trường đã có một đợt tăng dài, sóng này có thể chỉ giữ vai trò giữ nhịp, giữ sự hưng phấn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong ngắn hạn.
Thực tế, sự hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân lan tỏa trên diện rộng, các chỉ báo kỹ thuật quá mua kéo dài từ ngày 20/5 tới nay (RSI > 70) và đang có dấu hiệu phân kỳ âm, nhưng nhà đầu tư phớt lờ tín hiệu này.
Đó là một số tín hiệu rủi ro đảo chiều trong nhóm các tín hiệu theo phương pháp đầu tư CANSLIM của William O’Neil. Theo đó, thị trường có diễn biến điều chỉnh, sau đó “lình xình” trong thời gian tới sẽ phản ánh đúng hơn triển vọng kinh tế trong ngắn hạn.
Khi sự hưng phấn qua đi, nhà đầu tư sẽ chỉ tìm đến những địa chỉ tốt
Ông Nguyễn Hữu Bình - Chuyên gia chứng khoán.
Những tín hiệu gần đây cho thấy, thị trường đã đi vào vùng rủi ro ngắn hạn, P/E bình quân gần 15 lần, thanh khoản tăng đột biến, tiền chảy mạnh vào nhóm đầu cơ.
Nhiều nhà đầu tư cảm nhận được rủi ro và sẽ bán ngay khi thị trường đảo chiều, điều đó đã diễn ra trong phiên 11/6.
Tuy nhiên, nhìn về phía trước thì vẫn có không ít cổ phiếu hấp dẫn, do đó mức độ giảm không cao. Ngược lại, với những mã đầu cơ, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp còn kém, thì đó là phiên báo hiệu vùng đỉnh.
Tôi cho rằng, phiên bán mạnh hôm 11/6 cơ bản xác định được vùng giá đỉnh của khá nhiều cổ phiếu, thị trường sẽ khó lao dốc trở lại, nhưng cũng khó có thể tăng mạnh. Nhiều khả năng, thị trường sẽ có diễn biến lình xình, phân hóa và dòng tiền sẽ rút bớt khỏi thị trường.
Mặc dù vậy, thị trường đang có nhiều cơ hội ở phía trước, Việt Nam khác các nước khác về cơ hội. Trong dài hạn, không ít cổ phiếu có dư địa tăng cao.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mọi người nên cẩn trọng với những mã đầu cơ, những doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, bởi khi sự hưng phấn của thị trường chung qua đi, nhà đầu tư sẽ chỉ tìm đến những địa chỉ tốt.
Tập trung vào những doanh nghiệp có lợi thế, cơ hội sẽ đến trong tương lai, hơn là chỉ nhìn vào giá cổ phiếu lúc này.
Dấu hiệu phân phối đỉnh đang xuất hiện
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank.
Dấu hiệu phân phối đỉnh đang xuất hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như trên thế giới. Với giai đoạn tăng nhanh, nóng, dòng tiền chảy vào cấp tập vừa qua khiến hầu hết cổ phiếu rơi vào trạng thái quá mua.
Dòng tiền luân chuyển từ nhóm blue-chip tới nhóm vốn hóa trung bình, đặc biệt trong 2 tuần qua chảy tới nhóm cổ phiếu nhỏ khi nhóm này tăng giá mạnh. Đây là những dấu hiệu đặc trưng, dễ thấy của thị trường sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Thị trường trong 2 tháng qua hầu như tách biệt với nền kinh tế thực, tăng do dòng tiền thì khả năng cao cũng xuống vì lý do này.
Tôi cũng lưu ý về việc rủi ro trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định được, vì phụ thuộc lớn vào quá trình nghiên cứu vắc-xin và thuốc đặc trị cứu chữa bệnh nhân Covid-19.
Thị trường Mỹ đã giảm khá mạnh trong 3 phiên liên tiếp. Thông thường, trong giai đoạn hồi phục trong nghi ngờ với sự nâng đỡ từ dòng tiền cá nhân, thị trường chỉ cần 2 phiên giảm mạnh là có thể khiến tâm lý nhà đầu tư đảo chiều.
Thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ đi theo xu thế của chứng khoán thế giới trong các phiên tới và VN-Index có nguy cơ giảm điểm.
Tuy nhiên, tại vùng 800 điểm của VN-Index, các trụ cột dòng tiền khác của thị trường như tự doanh, khối ngoại giao dịch khá tích cực, có thể tạo hàng rào phòng thủ cho chỉ số nếu giảm về vùng này.
Điểm số chứng khoán ngày càng cao càng cần phải có các dòng tiền lớn duy trì
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng.
Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân duy trì trên thị trường đã lâu, nhưng các dòng tiền khác vẫn khá thờ ơ như nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức. Điểm số chứng khoán ngày càng lên cao càng cần phải có các dòng tiền lớn duy trì, dòng tiền đơn lẻ sẽ rất khó.
Bên cạnh đó, thị trường liên tục có những bước tăng trưởng, cách xa mức độ phục hồi của nền kinh tế làm cho xu hướng tăng khó bền vững trong trung và dài hạn. Vì thế, sự điều chỉnh của thị trường sẽ giúp những nhịp tăng trưởng trong tương lai ổn định hơn.
Ngoài ra, thị trường tăng mạnh trong thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không mua được và đứng ngoài thị trường.
Nhóm này rất mong thị trường giảm điểm. Nếu thị trường giảm sẽ kéo những nhà đầu tư này và cả các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường.
Hiện tại, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt ở những phiên phục hồi. Việc lướt sóng lúc này sẽ rất khó cho các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, chịu đựng rủi ro kém. Lưu ý, thị trường chung giảm có thể kéo nhóm cổ phiếu blue-chip giảm theo.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu nhỏ có lẽ vẫn có cơ hội và nhóm này thường không được giao dịch ký quỹ (margin) nên độ an toàn xét ở khía cạnh này cao hơn, nhưng chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và có thể chịu rủi ro tốt, tâm lý vững vàng.
Sự điều chỉnh giảm tự nhiên hay có chủ đích hiện có xác suất ngang nhau
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Nhà đầu tư
Thị trường không thể tăng mãi mà không có sự điều chỉnh nên việc quay đầu giảm sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, vấn đề là sự điều chỉnh giảm tự nhiên hay có chủ đích, hiện có xác suất ngang nhau.
Chính vì vậy, chiến lược phù hợp giai đoạn hiện tại là giao dịch ngắn hạn khi có sóng, đầu tư dài hạn hưởng cổ tức khi thị trường giảm điểm mạnh.
Đối với nhà đầu tư lướt sóng, cần vào nhanh và ra nhanh khi có thông tin bất thường, giai đoạn hiện tại chỉ cần 1 cú “kích hoạt” nào đó thì có thể kéo theo sự giảm điểm mạnh của thị trường và thậm chí mất đi thành quả của cả một đợt tăng.
Nhịp tăng vừa rồi kéo dài hơn hai tháng nên nhiều nhà đầu tư đã kịp vào/ra nhiều lượt và mỗi lượt chỉ kiếm từ 5 - 10% thì mức lợi nhuận cũng đạt 20 - 40%, may mắn có thể lãi 50%. Chính sự hưng phấn vì cơ hội kiếm lời này đã đẩy thị trường lên quá đà, những nhà đầu tư vào chậm nhịp nhiều khả năng sẽ lĩnh hậu quả.
Giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cần tỉnh táo, xác định rõ mục tiêu đầu tư, đặc biệt là tránh bẫy tăng giá (bull trap) có thể xuất hiện trong những phiên giao dịch tới.
Tôi cho rằng, hoạt động mua mới hiện nay tương đối rủi ro bởi thị trường có áp lực giảm. Khi thị trường bước vào giai đoạn nhạy cảm, chúng ta nên đầu tư với quan điểm dài hạn hơn là giao dịch ngắn hạn.