Thị trường chứng khoán quốc tế 2019: Năm của thử thách

Thị trường chứng khoán quốc tế 2019: Năm của thử thách

(ĐTCK) 2018 là một năm đầy thử thách với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bước sang năm 2019, các tổ chức kinh tế lớn dự báo, những trở ngại vẫn tồn tại và giới đầu tư cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn để “đánh bại” thị trường.

Morgan Stanley: Cẩn trọng trước tình trạng thắt chặt tài chính và kinh tế giảm tốc

Michael Wilson, chiến lược gia trưởng mảng chứng khoán của
Morgan Stanley cho biết, thị trường chứng khoán sẽ vẫn phải vật lộn với nhiều khó khăn trong năm 2019.

“Năm 2018, tình trạng tài chính thắt chặt, bình thường hóa lãi suất và tăng trưởng kinh tế đã chạm đỉnh là những nguyên nhân chính khiến thị trường có những biến động dữ dội. Sang năm 2019, chúng tôi dự báo sẽ có sự hồi phục, nhưng chặng đường vẫn gập ghềnh bởi thu nhập của doanh nghiệp có phần giảm sút và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình tăng lãi suất. Trong quãng thời gian này, cổ phiếu giá trị là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên rót vốn”, Michael Wilson cho biết.

Đáng chú ý, Wilson nhấn mạnh tới việc, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm sút bởi tình trạng tài chính thắt chặt và tăng trưởng kinh tế giảm sút. Điều này có khả năng tác động mạnh tới thị trường chứng khoán.

Theo phân tích của Morgan Stanley, trong kịch bản tích cực nhất, chỉ số S&P 500 sẽ đạt 3.000 điểm, và ở kịch bản tệ nhất sẽ ở mức 2.400 điểm, gần tương đương mức cuối năm 2018.

Goldman Sachs: Hãy phòng ngự

David Kostin, chiến lược gia trưởng mảng chứng khoán tại Goldman Sachs chỉ có một thông điệp gửi tới giới đầu tư năm 2019: Hãy phòng ngự!

Theo đó, vị chuyên gia này dự báo mức lợi suất khiêm tốn khoảng 7% trong năm 2019 đối với S&P 500, bởi các rủi ro cổ phiếu bị điều chỉnh mạnh về giá, môi trường vĩ mô bớt thuận lợi, những biến động chính trị theo chiều hướng tiêu cực hơn với thị trường. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tiền mặt trở thành một đại diện “đáng gờm” trong số các tài sản nắm giữ so với cổ phiếu.

Goldman Sachs có 3 kịch bản đối với thị trường năm 2019. Theo đó, lần lượt tại các kịch bản tệ nhất, trung bình và tích cực nhất, chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2019 ở mức 2.500 điểm, 2.850 điểm và 3.400 điểm. 

Citigroup: Nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời

Các chiến lược gia tại Citigroup thể hiện cái nhìn tích cực nhất khi dự báo về thị trường chứng khoán Mỹ, bất chấp các đợt bán tháo mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, Citigroup nhận định, có “90% khả năng chỉ số S&P 500 sẽ leo dốc trong năm 2019”.

Levkovich, Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư của Citigroup cho rằng: “Sau đợt giảm giá mạnh vào quý IV/2018, giá cổ phiếu trên thị trường đã được đặt trở lại gần sát mức thực tế. Đáng chú ý, đà giảm của thị trường chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi nhóm hàng tiêu dùng vẫn duy trì sức mạnh. Do đó, thị trường vẫn sở hữu khả năng leo dốc năm 2019, khi giới đầu tư phân bổ lại danh mục đầu tư của mình và tận dụng cơ hội khi giá ở mức hợp lý”. 

JP Morgan: Chiến tranh thương mại là bóng mây bao phủ

Dubravko Lakos-Bujas, chiến lược gia trưởng tại JP Morgan cho biết, chiến tranh thương mại đang là mối quan ngại hàng đầu đối với các thành viên thị trường. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã phần nào thích ứng với rủi ro này và có cơ hội để thể hiện tốt hơn năm 2019.

“Dựa theo các phân tích về diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với kết quả là 55% đạt được thỏa thuận, 35% đình chiến và 10% gia tăng việc đánh thuế, JP
Morgan dự báo chỉ số S&P 500 có thể đạt 3.100 điểm vào cuối năm 2019”, Dubravko Lakos-Bujas cho biết.

Đáng chú ý, trong 12 tháng tới, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ tiến hành mua lại cổ phiếu với giá trị khoảng 800 tỷ USD, các quỹ đầu tư mạnh dạn hơn trong việc rót vốn khi thị trường bớt bất ổn. Đây là những trợ lực cho thị trường trong thời gian tới.

Tin bài liên quan