Thị trường chứng khoán vẫn đang được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp. Ảnh: Dũng Minh:

Thị trường chứng khoán vẫn đang được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp. Ảnh: Dũng Minh:

Thị trường chứng khoán: Phép thử sức mạnh dòng tiền mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tất cả ánh mắt trên thị trường đều tập trung theo dõi bảng điện chứng khoán trong hai ngày giao dịch thứ Sáu tuần trước và thứ Hai đầu tuần này để đánh giá dòng tiền mới có đủ mạnh để hấp thụ hàng giá rẻ về tài khoản để xác lập xu hướng tăng.

Phiên giao dịch ngày 19/1 sẽ đi vào lịch sử vì đạt các kỷ lục số điểm giảm cao nhất, thanh khoản cao nhất. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE ngày 19/1 vọt lên tới 20.363 tỷ đồng. Khi lượng cổ phiếu này về tài khoản ngày 22/1 và một lượng lớn cổ phiếu giá rẻ hơn nữa về tài khoản nhà đầu tư ngày 23/1 thì cần lực mua đủ mạnh mới đủ giữ thị trường không giảm mạnh. Diễn biến thị trường trong hai phiên này sẽ giúp dự báo xu hướng tăng hay giảm của thị trường sau đó.

Một nhà đầu tư kỳ cựu, anh N.Q.Đạt cho biết, thời gian qua, thị trường tăng mạnh và có phần hơi “điên cuồng” khi nhiều cổ phiếu “rác”, cổ phiếu của doanh nghiệp thua lỗ, cũng “chạy nhanh” không thể lý giải. Đây cũng là những cổ phiếu rớt giá mạnh và bị bán tháo nhiều nhất trong hai phiên 19 và 20/1.

Vì vậy, anh Đạt cho rằng, có một nhịp điều chỉnh mạnh để nhà đầu tư cẩn trọng hơn, tái cơ cấu lớp nhà đầu tư ở mỗi cổ phiếu cũng là điều tích cực để thị trường đi lên bền vững hơn.

Về góc nhìn của nhiều nhân sự có kinh nghiệm ở công ty chứng khoán, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong phân tích kỹ thuật có câu: “One day doesn't make a trend”, tức một phiên giảm mạnh kèm theo khối lượng lớn như phiên ngày 19/1/2021 chưa làm thay đổi được xu thế của thị trường.

Tuy nhiên, thông thường, sau những phiên như vậy, thị trường cần có thời gian đi ngang trước khi tăng mạnh hoặc giảm mạnh. Chỉ số VN-Index đã thiết lập vùng đáy kỹ thuật ngắn hạn ở 1.100 điểm và đang trong nhịp phục hồi sau những đợt bán tháo. Do đó, vùng dao động hiện tại sẽ chủ yếu xoay quanh ngưỡng hỗ trợ/kháng cự 1.100 – 1.170 điểm trước khi xác lập xu hướng mới.

Ảnh tác giả

Một phiên giảm mạnh kèm theo khối lượng lớn như phiên ngày 19/1/2021 chưa làm thay đổi được xu thế của thị trường. Tuy nhiên, thông thường, sau những phiên như vậy, thị trường cần có thời gian đi ngang trước khi tăng mạnh hoặc giảm mạnh

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Xét về phương diện phân tích kỹ thuật, dải bollinger bands đang có xu hướng thu hẹp, điều này củng cố thêm nhận định thị trường sẽ đi ngang quanh ngưỡng 1.170+/-20 điểm.

Vì thị trường đi ngang nên việc mua đuổi và bán đuổi là không cần thiết, những nhà đầu tư lướt sóng có thể canh phiên giảm mạnh để mua và phiên tăng mạnh để xem xét chốt lời.

Chị Tâm, tham gia đầu tư chứng khoán ngay từ những ngày đầu thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, chia sẻ: “Thời điểm này, giữ nguyên thế thôi”. Chị Tâm xác định, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường như VNM, VIC, VHM, MSN… chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020. Đỉnh của VN-Index đang còn ở phía trước và đến lúc đấy chị mới cân nhắc chốt lời.

“Thị trường mà, có thời điểm VN-Index rơi từ 1.000 điểm xuống còn 600 điểm còn phải chịu nữa là. Thông thường, thị trường chứng khoán đến tháng Tư mới hết sóng vì đó là thời điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo năm và diễn ra đại hội cổ đông thường niên. Năm nay, với lực lượng F0 gia nhập thị trường nhiều hơn, có thể sóng sẽ kéo dài hơn”, chị Tâm nói.

Ông Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, thị trường giảm hôm 19/1 sẽ đáng lo ngại nếu thanh khoản thấp, nhưng thanh khoản đột biến trong bối cảnh margin bị siết lại cho thấy sức mạnh của dòng tiền.

Và với lượng đông đảo nhà đầu tư F0 mở tài khoản thì các phiên giao dịch sau đó sẽ là thử thách với dòng tiền. Vượt qua thử thách này, thị trường sẽ tiếp tục tăng.

Quan sát phiên tăng điểm của thị trường hôm thứ Năm, mặc dù nhận định đây là phiên tăng theo quán tính của thị trường, phản ánh đúng tâm lý của nhà đầu tư nhưng dòng tiền thực chất đã có sự chọn lọc khi các mã tăng trần là những mã đã tích lũy khá lâu, không tăng trước đó hoặc mới chớm tăng đã bị bán sàn về ngưỡng cũ.

Một biểu hiện đáng chú ý nữa là ngay trong phiên sóng gió 19/1 thì những mã cổ phiếu cơ bản tốt như HPG, TCB, HDB, MSN… không bị bán sàn khối lượng lớn.

Sau phiên 19/1, Công ty Chứng khoán SSI nhận định ngắn gọn: “Lực bán mạnh vào giữa phiên sáng đến từ nhóm VN30 khiến chỉ số VN-Index giảm 5,11% khi đóng cửa, lùi khá xa so với vùng đỉnh lịch sử 2018.

Áp lực này dự kiến sẽ sớm kết thúc khi hợp đồng phái sinh VN30F2101 đáo hạn vào ngày thứ Năm tới đây. Mục tiêu dài hạn trên chỉ số VN-Index nằm gần 1.380 điểm. Trường hợp chỉ số tiếp tục quán tính giảm vào đầu phiên tới sẽ tạo ra cơ hội mua vào cổ phiếu ở vùng giá tốt”.

Và diễn biến thị trường đúng như nhận định của SSI khi những người đặt lệnh mua giá sàn ngày thứ 20/1 có mức lời đáng kể ngay sau đó trên tài khoản. Ngày 21/1, SSI nhận định ngắn gọn: Phiên tăng hôm nay đã củng cố cho tín hiệu tích cực từ phiên hôm qua về khả năng quay trở lại đà tăng của VN-Index. Chỉ số cũng đã vượt qua kháng cự 1.150 điểm và có khả năng thử thách lại mốc 1.200 điểm trong thời gian tới.

Thông thường, nhận định của các công ty chứng khoán có ảnh hưởng tương đối đáng kể đến quyết định mua bán của nhà đầu tư.

Trong khi đó, giới đầu tư đang tìm những thông tin tích cực cho thị trường. Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán được kỳ vọng mở đường cho việc nới quy định về cho vay margin của công ty chứng khoán khi quy định tỷ lệ vay nợ của công ty chứng khoán được phép gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, thay vì 2 lần như trước.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI phân tích, không phải được vay nhiều mà công ty chứng khoán có thể vay, vì còn phải đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm soát rất chặt).

Ngoài ra, hoạt động cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán còn phải tuân theo quy chế margin do UBCK ban hành, với nhiều tiêu chí kiểm soát rủi ro. Vì thế, chỉ với Thông tư 121/2020/TT-BTC thì hoạt động margin chưa nới được, mà phải sửa các quy định liên quan khác nữa.

Trong cuộc gặp với phóng viên mới đây, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết quan điểm, các quy định về cho vay chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước đã rất chặt chẽ và UBCK tin rằng việc siết vốn vào thị trường chứng khoán không chặt chẽ thêm và thậm chí còn hy vọng sẽ nới điều kiện.

"UBCK mong muốn được nới rộng hơn vì lượng vốn cho các cá nhân và công ty chứng khoán để vay margin chiếm tỷ trọng cực nhỏ trong tín dụng của hệ thống ngân hàng, cỡ khoảng 0,3% tổng hạn mức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu rất nhỏ", ông Dũng nói.

Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, chính sách giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực thi. Ông Trần Văn Chu, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, lãi suất vay ngắn hạn doanh nghiệp này đang vay là 2,5 - 2,8%/năm và lãi suất vay trung hạn là 7,8%/năm, căn cứ theo lãi suất tiền gửi khoảng 6%/năm. Mức này tương ứng với mức lãi suất cho vay của BIDV trước kia. “Nếu lãi suất tiếp tục hạ thì chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm hơn nữa, sau khi đã giảm khá nhiều trong hai năm qua”, ông Chu nói.

TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, lãi suất sẽ tiếp tục giảm hoặc chí ít cũng giữ nguyên thời gian dài để hỗ trợ doanh nghiêp phục hồi sau dịch.

Nới margin cho thị trường chứng khoán, dù mới chỉ nằm ở chủ trương, cùng với xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ là hai thông tin quan trọng giúp củng cố tâm lý thị trường.

Ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích chiến lược, Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, với một hai phiên điều chỉnh, thời gian quá ngắn để đưa ra dự báo xu hướng hoặc một con số hợp lý. Tuy nhiên, MBKE cho rằng, nhờ lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục mạnh và dòng tiền cá nhân cũng như khả năng quay lại của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giữ định giá thị trường ở mức cao và VN-Index có thể tăng lên 1.350 điểm trong năm 2021.

Tin bài liên quan