Theo lộ trình, năm 2016, TTCK phái sinh sẽ chính thức được vận hành

Theo lộ trình, năm 2016, TTCK phái sinh sẽ chính thức được vận hành

Thị trường chứng khoán phái sinh, cơ hội và thách thức

(ĐTCK) Không chỉ đưa ra những dấu hiệu chỉ báo giá trong tương lai của tài sản gốc, chứng khoán phái sinh còn là công cụ phòng vệ rủi ro cũng như đầu tư, đầu cơ hiệu quả.

Do đó, sự ra đời của TTCK phái sinh được kỳ vọng sẽ làm tăng tính hiệu quả của TTCK, tuy nhiên, với quy mô thị trường nhỏ, mức độ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, để vận hành TTCK phái sinh thành công cũng còn nhiều thách thức.

Vai trò của chứng khoán phái sinh đối với TTCK

Sự ra đời của TTCK phái sinh mang lại khá nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Không chỉ đưa ra những dấu hiệu chỉ báo giá trong tương lai của tài sản gốc, chứng khoán phái sinh còn là công cụ phòng vệ rủi ro cũng như đầu tư, đầu cơ hiệu quả. Những nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư am hiểu về thị trường và sử dụng thành thạo các công cụ chứng khoán phái sinh sẽ là những đối tượng đầu tiên quan tâm đến những sản phẩm mới này. Do đó, sự ra đời của TTCK phái sinh được kỳ vọng là sẽ làm tăng tính hiệu quả của TTCK, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch và thanh khoản thị trường.

Là công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả, chứng khoán phái sinh đồng thời cũng có thể làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Với các công cụ chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư có thể tạo ra các vị trí tương tự như bán khống chứng khoán không căn cứ (naked short selling). Chẳng hạn, khi nhà đầu tư dự đoán chỉ số VN-Index đi xuống và bán một hợp đồng quyền mua (short a call), nếu dự đoán sai, VN-Index tăng điểm, khi đó nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ thua lỗ không giới hạn. Hơn nữa, khi tham gia TTCK phái sinh, do chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu nhỏ, những nhà đầu cơ thường sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, sẽ làm tăng mức độ rủi ro và có thể tác động làm tăng biến động giá trên thị trường cơ sở.

Ở những nền kinh tế châu Á phát triển (Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore), TTCK phái sinh đã ra đời từ cuối những năm 80, một số nền kinh tế mới nổi (Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan) cũng đã thiết lập thị trường này trong những năm 90 và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính quốc tế. Năm 2010, theo thống kê của Hiệp hội Giao dịch hợp đồng tương lai (FIA, Futures Industry Association), lần đầu tiên các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã vượt qua khu vực Bắc Mỹ về khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh, với tổng số lượng hợp đồng giao dịch chiếm 38% so với 33% của khu vực Bắc Mỹ.

Tại Việt Nam, với Quyết định 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, cụ thể là phương án xây dựng, lộ trình phát triển TTCK phái sinh và việc tổ chức thực hiện đã được phê duyệt. Theo đó, lộ trình phát triển TTCK phái sinh được chia thành 3 giai đoạn chính gồm: giai đoạn chuẩn bị 2013 - 2015: xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất để vận hành TTCK phái sinh; giai đoạn thử nghiệm 2016 - 2020: tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, với lộ trình thiết kế và giao dịch sản phẩm theo từng giai đoạn là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số; hợp đồng quyền chọn (HĐQC) chỉ số, HĐTL trái phiếu chính phủ (TPCP); HĐTL và HĐQC dựa trên cổ phiếu; cuối cùng là giai đoạn hoàn thiện sau năm 2020: phát triển TTCK phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế, giao dịch HĐTL và HĐQC dựa trên lãi suất, hối đoái, vàng, hàng hóa.

Như vậy, nếu thực hiện đúng theo lộ trình, năm 2016, TTCK phái sinh sẽ chính thức bắt đầu được vận hành với sản phẩm thử nghiệm là HĐTL dựa trên chỉ số TTCK và TPCP. 


Thị trường chứng khoán phái sinh, cơ hội và thách thức ảnh 1

Tiềm năng và thách thức cho sự phát triển TTCK phái sinh Việt Nam

Thực tiễn cho thấy, giao dịch phái sinh hàng hóa và tiền tệ tại Việt Nam đã ra đời từ lâu và có những bước phát triển nhất định. Chẳng hạn, giao dịch phái sinh đối với một số loại nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê, đã xuất hiện từ giai đoạn 2005 - 2006, với sản phẩm là các hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn hàng hóa do một số ngân hàng thương mại làm trung gian. Đối với rủi ro tiền tệ, các sản phẩm phái sinh hiện có trên thị trường Việt Nam là hợp đồng khách hàng, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi cho ngoại tệ và lãi suất và thường được giao dịch trực tiếp giữa một bên là ngân hàng thương mại với bên kia là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hoặc định chế tài chính. Trong giai đoạn TTCK tăng trưởng nóng 2007 - 2008, một số sản phẩm phái sinh, chủ yếu là các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu đã được giao dịch trực tiếp trên thị trường OTC giữa các CTCK với khách hàng. Mặc dù không có số liệu thống kê về các loại chứng khoán phái sinh phi chính thức này, sự xuất hiện của chúng đã cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư và sự ra đời của TTCK phái sinh chính thức là thiết yếu đối với sự phát triển chung của TTCK.

Quy mô TTCK Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. So với giá trị vốn hóa toàn thế giới, thị trường Việt Nam chỉ tương đương 0,09%. Quy mô thị trường vốn so với nền kinh tế của Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp nhất, với tỷ số thị trường vốn so với GDP đạt 33,7%. Với quy mô nhỏ bé, sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn khá hạn chế. Theo thống kê, giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong 12 tháng qua chiếm khoảng 14,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Ngoài những thách thức về việc xây dựng hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng cho tổ chức và hoạt động của TTCK phái sinh, vấn đề về thanh khoản cũng là một thách thức lớn khi thị trường chính thức được vận hành. Đối với một TTCK có quy mô còn nhỏ bé và mức độ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, việc thu hút được các nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn đầu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của TTCK phái sinh. 

Cơ hội đối với các CTCK

TTCK phái sinh có thể tác động lên lợi nhuận của các CTCK gián tiếp và trực tiếp. Ở phương diện gián tiếp, doanh thu môi giới đối với chứng khoán gốc có thể tăng lên do TTCK  tăng thanh khoản và tăng giá trị giao dịch. Ở phương diện trực tiếp, các CTCK có thể tham gia giao dịch và môi giới chính chứng khoán phái sinh cho khách hàng. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng có thể tham gia vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro này.

Theo Dự thảo quy định của UBCK, các thành viên tham gia giao dịch trên Sở GDCK và thành viên bù trừ của Trung tâm Lưu ký sẽ phải được UBCK chấp thuận dựa trên các tiêu chí về quy mô vốn, tỷ lệ vốn khả dụng, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ và chứng chỉ hành nghề của nhân viên nghiệp vụ. Cụ thể, đối với các CTCK, điều kiện để tham gia tự doanh chứng khoán phái sinh là vốn điều lệ trên 600 tỷ đồng và điều kiện để cung cấp dịch vụ môi giới là vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 20 CTCK đáp ứng được những điều kiện về vốn này. Như vậy, TTCK phái sinh sẽ chỉ là sân chơi của những CTCK lớn. Sự thận trọng này là cần thiết, do mức độ phức tạp và đòn bẩy tài chính cao của chứng khoán phái sinh. Thêm một điểm cần lưu ý đó là nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh thường tập trung ở nhà đầu tư tổ chức, do đó, những CTCK có thị phần nhà đầu tư tổ chức lớn sẽ có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này.

Có thể nói, sự ra đời của TTCK phái sinh tập trung phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhà đầu tư và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TTCK. Với lộ trình đã vạch ra, chúng ta chỉ còn một năm chuẩn bị để bước vào giai đoạn thử nghiệm. Với quy mô khiêm tốn của thị trường vốn Việt Nam, để chứng khoán phái sinh được nhà đầu tư biết đến và sử dụng hiệu quả, TTCK phái sinh vận hành trơn tru và tác động tích cực đến TTCK cơ sở, UBCK và các CTCK còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện khung pháp lý vận hành thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao dịch và thanh toán, tăng khả năng quản lý giám sát và chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng cần thiết. Chỉ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất mới tạo được cơ sở dẫn đến thành công của TTCK phái sinh, sân chơi nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng.

Tin bài liên quan